Cà Mau đương đầu với thiên tai kép

Đăng ngày: 25-02-2020 | Lượt xem: 1949
Trong lúc hạn, mặn đang diễn ra khốc liệt, những ngày qua Cà Mau lại phải đối diện với tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển nghiêm trọng. Theo UBND tỉnh Cà Mau, thống kê sơ bộ từ đầu năm đến nay, toàn huyện Trần Văn Thời có gần 1.000 điểm sụt lún, sạt lở đất và chưa có dấu hiệu dừng lại. Sụt lún đã làm hư hỏng hơn 100 tuyến giao thông nông thôn, công trình dân sinh với chiều dài hơn 13 km.

Kênh rạch vùng ngọt hoá của Cà Mau đang cạn trơ đáy.

Sụt lún, sạt lở và mặn bủa vây

Ghi nhận tại xã Khánh Bình Tây, đến nay đã xuất hiện 15 tuyến kênh với 35 điểm lún, sạt lở, nhiều nơi làm sụp cả nhà dân. Thậm chí, một số điểm xuất hiện ngay tại trung tâm xã đã gây khó khăn đi lại và giao thương của người dân.

Tuyến đê biển Tây bị sụt lún ở ấp Kinh Hòn, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời mới đây có chiều dài khoảng 120m. Đoạn đê bị sụt lún khiến cho mặt đường bê tông và đất 2 bên đường đều bị nứt gãy. Độ lún sâu khoảng 1,8 – 2m. Ngoài 120m đê biển Tây bị sụt lún còn khoảng 300m đê khác đang đứng trước nguy cơ sụt lún do xuất hiện nhiều vết nứt trên mặt đường bê tông và đất hai bên bờ đê. Để đảm bảo an toàn cho người dân, ngành chức năng đã lập rào chắn, biển cảnh báo. Thời gian qua tuyến đê biển Tây có vai trò ngăn mặn, bảo vệ sản xuất hệ sinh thái ngọt trực tiếp của hai huyện U Minh và Trần Văn Thời.

Không chỉ những công trình giao thông liên xã, liên ấp mà một số công trình trọng điểm đầu tư lớn của tỉnh đi ngang huyện cũng phải chịu chung số phận. Ngày 30/1, trên tuyến đường Tắc Thủ - Vàm Đá Bạc (tuyến đường có trị giá hơn 700 tỷ đồng mới đưa vào sử dụng 1 năm) đoạn qua xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời bất ngờ một đoạn khoảng 20m bị sụt xuống khiến mặt đường bị hư hỏng nặng. Gần 1 tuần sau đó ngày 06/02 cách đó không xa, một đoạn dài gần 30 m cũng bị sụt lún tương tự, ngoài ra đoạn này đang xuất hiện nhiều đoạn nứt khiến nhiều người dân lo lắng.

Theo các ngành chức năng, mùa khô 2019-2020 đang diễn biến bất thường, nghiêm trọng hơn hiện tượng Elino 2015-2016 đã khiến tình trạng sụt lún bên trong vùng ngọt hóa Cà Mau. Nước khô cạn đã khiến nhiều nơi của huyện Trần Văn Thời bị sụt lún, sạt lở nghiêm trọng ở tất cả các tuyến đường do tỉnh và huyện quản lý gây thiệt hại lớn đến đi lại và sản xuất của người dân.

Ông Lê Văn Sử- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết: Các địa phương đang tiến hành khảo sát toàn bộ các kênh, rạch, tuyến trục giao thông… để phát hiện kịp thời nhằm đưa ra cảnh báo đến người dân. Những vị trí sụt lún, sạt lở nghiêm trọng sẽ cắm biển cảnh báo và cấm các phương tiện tải trọng lớn lưu thông.

Thiệt hại nặng nề

Trước tình hình thiên tai diễn biến phức tạp khó lường, ngày 24/2, tỉnh Cà Mau phối hợp với Bộ NNPTNT tổ chức hội nghị về tình hình hạn hán, xâm nhập mặn ảnh hưởng đến nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, giao thông, đê điều, hệ thống thủy lợi trên địa bàn tỉnh Cà Mau và những vấn đề đặt ra đối với vùng ngọt hóa.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Cà Mau, năm nay hạn hán và xâm nhập mặn ở ĐBSCL nói chung và Cà Mau nói riêng xuất hiện sớm và gay gắt hơn trung bình các năm trước. Qua đó, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp và dân sinh trên địa bàn tỉnh.

Hiện, mực nước trên các hệ thống kênh, mương trong các tiểu vùng II, III Bắc Cà Mau thuộc các huyện U Minh và Trần Văn Thời tiếp tục duy trì ở mức rất thấp và đang tiếp tục giảm. Cụ thể, hệ thống kênh trục từ 0,9 -1,4 m, kênh cấp I mực nước từ 0,5 -0,7 m, trong đó một số kênh đã khô cạn; kênh cấp II, III hầu hết đã khô cạn.

Tính từ đầu năm đến ngày 19/2, trên địa bàn toàn tỉnh đã có hơn 18.000ha các trà lúa bị thiệt hại (trong đó tỷ lệ thiệt hại từ 30 đến 70% với hơn 5.500ha, thiệt hại trên 70% hơn 12.500ha; theo trà lúa: Lúa - tôm thiệt hại hơn 15.900ha, trà lúa đông xuân hơn 2.100ha, lúa mùa hơn 100ha; rau màu bị thiệt hại là 3,6ha).

Diện tích rừng bị khô hạn đến nay hơn 42.800ha (trong đó cấp II là 8.160,4ha; cấp III là 11.450,6ha; cấp IV là 11.156,3ha; cấp V là 12.101,5ha). Trên địa bàn toàn tỉnh hiện có hơn 20.500 hộ gia đình bị thiếu nước sinh hoạt.

Theo ghi nhận thực tế những ngày qua tại các xã Khánh Bình Tây Bắc, Khánh Bình Tây, Trần Hợi của huyện Trần Văn Thời nhiều con sông đã kiệt nước khô trơ đáy, khiến cho người dân sản xuất nông nghiệp “đứng ngồi không yên” vì thiếu nước phục vụ tưới tiêu.

Ông Võ Văn Bền (55 tuổi), ngụ ấp Cơi 5, xã Khánh Bình Tây cho biết, gần cuối tháng 12 (âm lịch) ông và người thân trong gia đình đã xuống giống trồng gần 1ha đậu xanh. Lúc đầu, đậu xanh phát triển rất tốt nhưng được khoảng 25 ngày do ảnh hưởng của khô hạn nên bộ rễ cây đậu không thể phát triển đứng trước nguy cơ thua lỗ.

“Trước đó, với diện tích trên gặp thời tiết thuận lợi gia đình tôi thu hoạch khoảng 2 tấn đậu xanh thương phẩm. Do ảnh hưởng của khô hạn nên vụ này năng suất chỉ còn một nửa so với trước. Tôi cố gắng chăm sóc để hy vọng bán đủ chi phí đầu tư” - ông Bền nói trong ngán ngẩm.

Ông Nguyễn Trường Đời, thành viên của Hợp tác xã nông nghiệp Kinh Dớn xã Khánh Bình Tây Bắc cho biết, tình hình khô hạn thời gian qua khiến khâu vận chuyển nông sản của các thành viên trong HTX gặp rất nhiều khó khăn. Thời gian qua, các thành viên phải dùng xe hon đa để vận chuyển nông sản vừa tốn kém lại mất thời gian. Do thiếu nước nên toàn bộ khâu sản xuất của bà con của HTX gặp khó khăn…trước tình hình đó ông Đời đề xuất thời gian tới tỉnh và ngành nông nghiệp cần tổ chức lại khâu sản xuất, có lịch thời vụ cụ thể. Phải có hình thức giữ được vùng nước ngọt để vừa phục vụ cho sản xuất vừa phục vụ cho khâu vận chuyển…

Tỉnh Cà Mau có 3 mặt tiếp giáp biển, hệ thống thủy lợi chưa được đầu tư đồng bộ, sản xuất và sinh hoạt của nhân dân phụ thuộc hoàn toàn vào nước mưa và nước ngầm, không có nước ngọt bổ sung trong mùa khô như một số tỉnh trong vùng, vì vậy Cà Mau thường xảy ra tình trạng thừa nước trong mùa mưa và thiếu nước trong mùa khô. Tình trạng hạn hán tiếp tục kéo dài khiến nhiều địa phương của Cà Mau đang bị thiếu nước ngọt sinh hoạt, sản xuất, phòng cháy chữa cháy rừng, gây hư hỏng cho các tuyến đường giao thông trong vùng ngọt hóa và nguy cơ nước mặn xâm nhập vào nội đồng rất cao, gây bất lợi cho sản xuất, đời sống nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Theo daidoanket.vn

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: