Chuyên gia khí tượng giải thích nguyên nhân đợt nắng nóng cuối tuần qua

Đăng ngày: 19-05-2019 | Lượt xem: 1052
Hà Nội và nhiều tỉnh thành phía Bắc đang trải qua những ngày nắng nóng khủng khiếp, đi tìm lời giải cho hiện tượng này, sáng 19/5, phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc phỏng vấn nhanh với ông Nguyễn Văn Hưởng - Trưởng phòng Dự báo khí hậu; Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia (Tổng cục KTTV – Bộ TN&MT).
Ô Hưởng
Ông Nguyễn Văn Hưởng - Trưởng phòng Dự báo khí hậu; Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia

PV: Thưa ông, tuần vừa qua nắng nóng diễn ra vô cùng gay gắt, có thời điểm trên 41 độ C. Xin ông cho biết nguyên nhân dẫn đến hiện tượng nắng nóng như vậy?

Ông Nguyễn Văn Hưởng: Có thể giải thích về diễn biến của nắng nóng như sau: Từ ngày 15/5 ở khu vực Tây Bắc của Bác Bộ các tỉnh Lai Châu, Điện Bien, Sơn La , khu vực các tỉnh Bắc và Trung Trung Bộ vùng từ Thanh Hóa trở vào đến Khánh Hòa bắt đầu xuất hiện nắng nóng với mức nhiệt phổ biến từ 35-37 độ, sang đến ngày 16/5 nắng nóng xảy ra diện rộng toàn miền Bắc cũng như các tỉnh Trung Bộ từ Thanh Hóa đến Khánh Hòa với mức nhiệt cao hơn, phổ biến từ 35-38 độ và đến ngày 17/5.

Ở khu vực Bắc Bộ cũng như các tỉnh Bắc và Trung Trung Bộ đã xảy ra nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao từ 36-39 độ, tại Láng (Hà Nội) nhiệt độ cao nhất ngày 17/5 đo được là 40,5 độ và từ ngày 17/5 tới giờ nắng nóng đặc biệt gay gắt liên tục xuất hiện ở Bắc Bộ cũng như các tỉnh miền Trung.

Về nguyên nhân của đợt nắng nóng lần này là do hoàn lưu của vùng thấp nóng phía Tây kết hợp với hiệu ứng gió phơn mạnh gây ra.

Nóng
Nhiệt độ ngoài trời Hà Nội trưa 18/5. Ảnh: vietnamnet.vn

PV: So với đợt cao điểm nắng nóng hồi tháng 4, ông đánh giá đợt nắng nóng này có gay gắt bằng  hay không thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Hưởng: Trước tiên nói về đợt nắng nóng diện rộng từ ngày 19-22/4 nền nhiệt cao nhất trong ngày ở các tỉnh Bắc Bộ phổ biến từ 35-38 độ, ở các tỉnh miền Trung nhiệt độ cao nhất trong ngày phổ biến từ 37-40 độ.

Một số nơi còn có nhiệt độ cao hơn như có nhiệt độ cao trên 41 độ như: Mường La (Sơn La) 42.0 độ, Phù Yên (Sơn La) 41.7 độ, Hòa Bình 41.1 độ (cao hơn mức lịch sử năm 2016 là 40,5 độ), Con Cuông (Nghệ An) 42.0 độ, Quỳ Châu (Nghệ An) 41.3 độ, Tương Dương (Nghệ An) 42.0 độ, Tây Hiếu (Nghệ An) 42.2 độ, Đô Lương (Nghệ An) 41.5 độ, Hương Khê (Hà Tĩnh) 43.4 độ (cao hơn mức lịch sử năm 2007 là 42 độ), Tuyên Hóa (Quảng Bình) 43.0 độ (cao hơn mức lịch sử là 41,4 độ năm 2007), ở thủ đô Hà Nội nhiệt độ cao nhất ngày 20/4 là 38,8 độ.

Còn trong đợt nắng nóng lần này nhiệt độ cao nhất đo được tính đến ngày 18/5 chưa nơi nào vượt quá 41 độ và cũng chưa nơi nào vượt qua mức độ 43,4 độ (mức nhiệt lịch sử đo được ở Việt Nam tại trạm Hương Khê vào ngày 20/4); như vậy đánh giá đợt nắng nóng lần này là không gay gắt bằng đợt nắng nóng tháng 4, tuy nhiên ở khu vực Hà Nội nền nhiệt trong đợt nóng lần này lại cao hơn so với tháng 4, cụ thể mức nhiệt cao nhất trong tháng 4/2019 ở Hà Nội là 38,9 độ, còn trong đợt nóng này ở Hà Nội nhiệt độ đã lên tới 40,5 độ.

PV:Xin ông cho biết tình hình nắng nóng còn kéo dài bao lâu?

Ông Nguyễn Văn Hưởng: Theo nhận định của chúng tôi hôm nay sẽ là ngày nắng nóng cuối cùng ở miền Bắc, vì hiện nay ở khu vực phía Nam của Trung Quốc có một khối không khí lạnh đang di chuyển về phía đất liền nước ta, ngày mai (20/5) khối không khí lạnh này sẽ tác động đến đất liền các tỉnh phía Đông Bắc Bộ, là cho vùng thấp nóng phía Tây suy yếu và tan đi, đồng thời nó cũng sẽ gây mưa rào và dông ở các tỉnh phía Đông Bắc Bộ sau đó vùng mưa có thể mở rộng xuống các tỉnh Bắc Trung Bộ.

Dưới tác động của không khí lạnh và những cơn mưa do không khí lạnh mang tới ở các tỉnh phía Đông Bắc Bộ trong đó có thủ đô Hà Nội ngày mai  nhiệt độ sẽ giảm từ 5-7 độ và cơ bản nắng nóng sẽ chấm dứt; sang đến ngày 21/5 nắng nóng sẽ kết thúc ở khu vực phía Tây Bắc Bộ cũng như  các tỉnh Bắc Trung Bộ, vùng nóng sẽ thu hẹp lại chỉ còn xuất hiện ở khu vực Trung và Nam Trung Bộ và đến khoảng ngày 23/5 thì cơ bản nắng nóng sẽ chấm dứt hoàn toàn ở các tỉnh miền Trung.

Tuy nhiên chúng tôi cũng hết sức lưu ý, khi không khí lạnh di chuyển xuống nước ta nó sẽ tranh chấp với khối không khí đang cực nóng ở Bắc Bộ cũng như các tỉnh miền Trung, sự tranh chấp giữa 2 khối khí đối nghịch nhau có khả năng rất cao sẽ gây ra các hiện tượng thời tiết cực đoan như dông sét mạnh, lốc xoáy, mưa đá và gió giật mạnh.

PV:Còn về diễn biến thời tiết trong thời gian tới ra sao thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Hưởng: Trong bản tin dự báo mùa phát ngày 15/5 chúng tôi nhận định  hiện tượng ENSO được dự báo sẽ duy trì trạng thái ElNino yếu từ nay đến khoảng tháng 7-8 năm 2019 với xác suất khoảng 65%, sau đó, nhiệt độ mặt nước biển khu vực NINO3.4 có xu hướng giảm dần và ENSO có khả năng trở về trạng thái trung tính vào những tháng đầu năm 2020. Nhiều khả năng El Nino năm 2018-2019 sẽ có cường độ yếu và không kéo dài. Bão, áp thấp nhiệt đới và các hiện tượng thời tiết nguy hiểm

Mùa bão năm 2019 trên khu vực Biển Đông có xu hướng hoạt động muộn hơn so với TBNN. Dự báo số lượng bão và ATNĐ hoạt động trên khu vực Biển Đông và ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta trong năm 2019 có khả năng ít hơn so với TBNN. Cụ thể: có khả năng xuất hiện khoảng 10-12 cơn bão và ATNĐ hoạt động trên khu vực Biển Đông và trong đó có khoảng 4-5 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền. Từ tháng 6 đến tháng 8, có khả năng xuất hiện một số nhiễu động và xoáy thuận nhiệt đới trên khu vực Bắc Biển Đông và có thể ảnh hưởng đến các tỉnh miền Bắc; sau đó, bão và ATNĐ có khả năng ảnh hưởng chủ yếu đến khu vực Trung Bộ. Số lượng bão và ATNĐ hoạt động trên Biển Đông thấp hơn so với TBNN nhưng cần đề phòng khả năng xuất hiện của những cơn bão mạnh và có quĩ đạo phức tạp.

Trên phạm vi toàn quốc tiếp tục đề phòng các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như dông, sét, lốc, mưa đá.  Nhiệt độ và nắng nóng.

Các tỉnh Bắc Bộ từ tháng 6-11/2019, nhiệt độ phổ biến cao hơn so với TBNN cùng thời kỳ từ 0,5-1,0 độ. Khu vực Trung Bộ nhiệt độ từ tháng 6-7/2019 cao hơn từ 0,5-1,0 độ so với TBNN, các tháng khác phổ biến xấp xỉ so với TBNN. Khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ từ tháng 6-11/2019 phổ biến ở mức xấp xỉ so với TBNN cùng thời kỳ. Các đợt nắng nóng có khả năng tập trung từ nửa cuối tháng 5-6 ở phía Đông Bắc Bộ, từ nửa cuối tháng 5-8 tại khu vực Bắc và Trung Trung Bộ.

PV:Xin trân trọng cảm ơn ông!

Theo Báo TN&MT

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: