Chuyển mùa, thường xuất hiện mưa dông, lốc xoáy vào chiều và tối

Đăng ngày: 29-04-2020 | Lượt xem: 2088
Trong những ngày gần đây, trên địa bàn tỉnh thường xuất hiện mưa vào chiều và tối. Mưa to kèm theo gió mạnh làm tốc mái nhà, gãy đổ cây ăn trái và cây xanh ở một số địa phương trong tỉnh. Trao đổi với phóng viên Báo Đồng Nai về hiện tượng thời tiết này, Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn Đồng Nai Nguyễn Phước Huy cho biết:

Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn Đồng Nai Nguyễn Phước Huy

Hiện nay đang trong thời kỳ chuyển mùa nên các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như: dông, sét, lốc… thường xuất hiện kèm theo các cơn mưa dông xảy ra từ buổi trưa đến chiều và tối. Năm nay, Đồng Nai cũng như các tỉnh, thành khu vực miền Đông Nam bộ đã trải qua mùa khô kéo dài, trong thời điểm giao mùa, mây đối lưu hình thành và phát triển mạnh nên xuất hiện mưa lớn trên diện rộng.

* Mưa xuất hiện nhiều vào chiều, tối với lượng lớn, như vậy Đồng Nai đã bước vào mùa mưa hay chưa, thưa ông?

- Dự báo mùa khô năm nay sẽ kết thúc vào cuối tháng 4, đầu tháng 5. Trong thời gian này, Đồng Nai sẽ xuất hiện mưa chuyển mùa, nhưng có thể khẳng định vẫn chưa vào mùa mưa chính thức. Trong thời gian chuyển mùa sẽ có một vài đợt mưa trên diện khá rộng, đề phòng các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như: dông, sét, lốc, mưa đá kèm theo.

 * Mưa “vàng” những ngày này có giúp chống hạn cũng như khiến chất lượng không khí chuyển biến ra sao?

- Những cơn mưa trong thời kỳ chuyển mùa đã bổ sung cho mặt đất và các sông suối một lượng nước làm giảm bớt phần nào sự khô hạn, làm cho cây cối xanh tươi hơn. Trong quá trình mưa rơi xuống còn mang theo các loại bụi trong không khí, cuốn đi lớp bụi trên bề mặt đất, lá cây, các vật thể kiến trúc làm môi trường sạch, không khí trong lành hơn. Ngoài ra, sự xuất hiện của những cơn mưa vừa qua làm giảm bớt hiện tượng nắng nóng, nhiệt độ không khí có giảm bớt đôi chút, độ ẩm gia tăng làm môi trường không khí dịu mát. Người dân cảm thấy dễ chịu hơn, không còn cảm giác oi bức, ngột ngạt như trước.

* Ông có cảnh báo gì với người dân nhằm phòng, tránh các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như: dông, sét, lốc, mưa đá trong giai đoạn chuyển mùa này?

- Bên cạnh mặt tích cực thì mưa trong thời điểm chuyển mùa cũng thường kèm theo dông, lốc, sét; đồng thời sự thay đổi thời tiết một cách đột ngột cũng gây những ảnh hưởng bất lợi ở mức độ nào đó đối với sức khỏe con người (nhất là những người có sức khỏe kém, người già, trẻ nhỏ) và vật nuôi, cây trồng, tài sản. Cụ thể, mưa, gió mạnh sẽ gây hư hại hoa màu, cây trồng, làm ngã cây cối, nhà cửa, gây thiệt hại nặng nề với các công trình, nhà xưởng, hệ thống điện lưới…

Cây xanh đổ chắn một phần đường Bùi Văn Hòa (TP.Biên Hòa) chiều 25-4 do mưa to, gió lớn. Ảnh: S.Lam

Người dân cần hạn chế ra khỏi nhà khi có mưa dông; nên tìm nơi trú ẩn an toàn, tránh trú nấp dưới các tán cây lớn; tránh xa công cụ lao động bằng kim loại, tắt các thiết bị thu phát sóng như điện thoại để tránh bị sét đánh. Nếu ở trong nhà, mọi người nên đóng cửa, ngắt các thiết bị điện, thiết bị thu phát sóng để hạn chế tình trạng sét đánh làm hư hỏng tài sản, ảnh hưởng đến sức khỏe.

* Thưa ông, liệu nắng nóng có còn tiếp diễn hay không?

- Hiện đang trong thời kỳ chuyển mùa nên từ trưa đến chiều và tối sẽ xuất hiện mưa dông rải rác nhiều nơi trong tỉnh, có thể kèm theo lốc, sấm sét và mưa đá. Nắng nóng sẽ giảm dần đến giữa tháng 5, khi những cơn mưa xuất hiện đều và thường xuyên hơn thì hiện tượng nắng nóng sẽ chấm dứt. Tuy nhiên, khi đã vào đầu mùa mưa, nắng nóng vẫn có thể xuất hiện nhưng cường độ thấp hơn so với thời điểm mùa khô,

* Mùa mưa năm nay bắt đầu lúc nào? Dự báo Việt Nam sẽ có bao nhiêu cơn bão, áp thấp nhiệt đới trong năm?

- Khoảng giữa đến cuối tháng 5 thì chính thức bước vào mùa mưa. Trong khi đó, mùa bão hoạt động trên biển Đông năm nay xuất hiện muộn hơn so với trung bình nhiều năm. Dự báo sẽ có khoảng 11-12 cơn bão, áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông. Trong đó, có khoảng 5-6 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta; những cơn bão, áp thấp nhiệt đới cuối mùa sẽ ảnh hưởng đến phía Nam nước ta nói chung và Đồng Nai nói riêng.

* Xin cảm ơn ông!

Theo khuyến cáo của Đài Khí tượng thủy văn Đồng Nai, sau thời gian khô hạn kéo dài, không khí có nhiều bụi và chất ô nhiễm. Vì vậy mưa thường kéo theo các chất ô nhiễm này, trong đó có các thành phần axit. Người dân tuyệt đối không nên tích trữ nước để sử dụng. Riêng đối với chăn nuôi thủy sản thì người dân cần lưu ý không nên thả tôm, cá giống vào thời điểm này. Tại các vùng nước sông, hồ, đập khi mưa xuống các chất độc được rửa trôi từ bề mặt có thể khiến tôm, cá giống bị sốc chết, gây thiệt hại về kinh tế.

Theo baodongnai.com.vn

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: