ĐBSCL: Dồn sức phòng chống hạn mặn

Đăng ngày: 13-12-2019 | Lượt xem: 1224
Theo nhận định của Tổng cục Khí tượng thủy văn và Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, tình hình xâm nhập mặn mùa khô năm 2019-2020 đến sớm và nặng hơn so với trung bình nhiều năm.

Các tỉnh ĐBSCL cần khẩn trương nạo vét thủy lợi tích trữ nước

Ngay trong tháng 12-2019, ranh mặn 4g/lít sẽ xâm nhập vào đất liền ở các địa phương ven biển từ 20 - 30km; sau đó, mặn tiếp tục tấn công mạnh hơn 40 - 67km, gây ảnh hưởng đến khả năng lấy nước ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt. Trước tình hình trên, các tỉnh ĐBSCL đang gấp rút triển khai nhiều giải pháp ứng phó. 

Ngày 12-12, tỉnh Vĩnh Long có cuộc họp với các sở ngành chức năng và địa phương để bàn về phòng chống hạn mặn mùa khô năm 2019-2020. Ông Nguyễn Văn Lợi, Phó Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Vĩnh Long, cho biết: Trong 38 năm qua chưa có năm nào tỉnh chịu ảnh hưởng xâm nhập mặn như những ngày qua, trong tháng 12-2019, độ mặn vào vàm Vũng Liêm khá cao.

Theo quy luật nhiều năm, Vĩnh Long chịu ảnh hưởng xâm nhập mặn từ tháng 2 đến tháng 5, cao điểm độ mặn thường xuất hiện trong tháng 3, tháng 4. Tuy nhiên, những năm gần đây quy luật này đã biến đổi, mặn xâm nhập sớm hơn, độ mặn cao hơn, thời gian kéo dài và ước thiệt hại sẽ nghiêm trọng hơn.

Trước tình hình trên, tỉnh Vĩnh Long yêu cầu các ngành chức năng khẩn trương nạo vét hệ thống thủy lợi, đắp đập, đê bao ngăn mặn; đồng thời trữ ngọt, bố trí trạm, máy bơm cấp nước tưới; đảm bảo cho sản xuất vụ đông xuân và vụ hè thu… 
Ở Bến Tre, độ mặn trên các sông chính trong tỉnh đột ngột tăng ở mức cao và xâm nhập sâu trong những ngày qua. Cụ thể, hiện nay độ mặn đo được tại các con sông chính như: Cửa Đại, Hàm Luông, Cổ Chiên khoảng 4‰; trong đó độ mặn cách cửa sông khoảng 47km vào đến địa bàn xã Quới Sơn, huyện Bình Đại. Ngoài ra, độ mặn 1‰ cũng đã xâm nhập đến xã An Khánh, Tiên Long (huyện Châu Thành); xã Tân Thiềng, Phú Sơn (huyện Chợ Lách)… Dự báo độ mặn xâm nhập sâu vào đất liền trong thời gian tới. 
Theo ông Bùi Thanh Liêm, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Chợ Lách (Bến Tre), khả năng xâm nhập mặn trên địa bàn huyện rất cao. Hiện ngành chức năng huyện đã khuyến cáo người dân trồng hoa tết có giải pháp tích trữ nước ngọt để tưới, tránh bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn. Trong khi đó, Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Bến Tre lưu ý, hiện cấp độ rủi ro thiên tai do xâm nhập mặn trong tuần này xấp xỉ cấp 2.
Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam dự báo, trong những tháng tiếp theo, dòng chảy từ thượng lưu sông Mê Công về đồng bằng có khả năng ở mức thấp kỷ lục; do đó, tình hình xâm nhập mặn sẽ tiếp tục diễn biến rất nghiêm trọng. Dự báo, tỉnh Bến Tre sẽ gặp khó khăn về nguồn nước ngọt ngay từ tháng 1-2020. Trước tình hình trên, tỉnh Bến Tre đang có kế hoạch điều hòa, phân phối nguồn nước hợp lý để đảm bảo cung cấp cho sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt trong mùa khô 2019-2020. Tại công trình hồ chứa nước Kênh Lấp, huyện Ba Tri, sẽ đảm bảo tích trữ nguồn nước theo thiết kế và chất lượng để phục vụ sinh hoạt, sản xuất. Ngoài ra, ngành chức năng cũng khuyến cáo nông dân xuống giống theo đúng lịch thời vụ và phù hợp với khả năng đáp ứng nguồn nước của từng vùng.
Tại Cà Mau, ông Nguyễn Long Hoai, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh, cho biết: UBND tỉnh Cà Mau đã ban hành kế hoạch phòng chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn. Hiện ngành chức năng triển khai các giải pháp nhằm hạn chế đến mức thấp nhất các thiệt hại có thể xảy ra, góp phần ổn định sản xuất, đời sống của người dân. Do sản xuất và sinh hoạt của người dân nông thôn phụ thuộc hoàn toàn vào nước mưa và nước ngầm, không có nước ngọt bổ sung trong mùa khô. Khi hạn hán đến sớm, nguồn nước mặt cạn kiệt, nước mặn xâm nhập sâu vào nội đồng, dẫn đến mực nước và chất lượng nước ngầm giảm sút.
Theo số liệu thống kê, tỷ lệ hộ dân thiếu nước và chưa chủ động được nguồn nước sinh hoạt ở tỉnh khoảng 20.000 hộ; trong đó có khoảng 13.500 hộ dân tại một số khu vực chưa tiếp cận được nguồn nước nối mạng và không có nguồn nước ngầm để khai thác sẽ thiếu hụt nước sinh hoạt nghiêm trọng. Đối với vùng sản xuất lúa đông xuân (tập trung tại tiểu vùng II và III, phía Bắc Cà Mau) dù hệ thống thủy lợi cơ bản khép kín. Tuy nhiên, chủ yếu trữ nước mưa, không có nguồn nước ngọt bổ sung vào mùa khô. Do đó, khi hạn hán sớm và nặng hơn trung bình nhiều năm, sẽ khiến hệ thống kênh rạch khô cạn nhanh, nước mặn xâm nhập nội đồng, dẫn đến thiếu nguồn nước ngọt.
Trước tình hình trên, UBND tỉnh Cà Mau chỉ đạo đẩy mạnh các biện pháp phòng chống thiệt hại; các tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư cần chủ động thực hiện. Tăng cường khuyến cáo người dân sử dụng nước sinh hoạt tiết kiệm; chủ động dự trữ nước mưa, hạn chế tối đa việc khai thác nước ngầm tại khu vực đã có công trình cấp nước tập trung; xử lý và lấp giếng khoan hư hỏng, không sử dụng để tránh nguy cơ ô nhiễm nguồn nước ngầm. Đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình cấp nước tập trung, tại khu vực khan hiếm nguồn nước ngọt theo kế hoạch được duyệt, góp phần giải quyết tình trạng khó khăn về nước sinh hoạt tại các khu vực này.

Theo saigondautu.com.vn

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: