Điều tiết nguồn nước, giảm khô hạn mùa khô 2020

Đăng ngày: 13-12-2019 | Lượt xem: 1189
Trong 6 tháng tới, nguồn nước trên các sông suối trên toàn quốc tiếp tục thiếu hụt nhiều. Mùa khô năm 2019-2020, tình hình khô hạn, thiếu nước có nguy cơ cao xảy ra tại một số tỉnh khu vực Tây Bắc, Đông Bắc, các tỉnh ven biển Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên, đặc biệt gay gắt ở khu vực Nam Bộ.

Ông Vũ Đức Long - Phó Giám đốc Trung tâm KTTV Quốc gia cung cấp thông tin về điều tiết nước mùa khô năm 2019-2020

Cung cấp thông tin về tình hình thiếu nước và điều tiết nước mùa vụ 2019-2020, Phó Giám đốc Trung tâm dự báo KTTV Quốc gia Vũ Đức Long cho biết, trong 6 tháng tới, nguồn nước trên các sông suối trên toàn quốc được nhận định là tiếp tục thiếu hụt nhiều. Mùa khô năm 2019-2020, tình hình khô hạn, thiếu nước có nguy cơ cao xảy ra tại một số tỉnh khu vực Tây Bắc, Đông Bắc, các tỉnh ven biển Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên, đặc biệt là khu vực Nam Bộ.

Cụ thể, khu vực Bắc Bộ được nhận định là nguồn nước tiếp tục thiếu hụt so với trung bình nhiều năm (TBNN), thiếu hụt nhiều nhất tập trung trong tháng 12/2019 và tháng 01/2020 (thiếu hụt từ 20-40%); khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên nguồn nước cũng được nhận định là tiếp tục thiếu hụt từ 30-60%, một số sông thiếu hụt trên 70%, tại một số sông ở ven biển Trung Bộ khả năng xuất hiện mực nước thấp nhất lịch sử.

Khu vực Nam Bộ, dòng chảy trên sông Mekong về ĐBSCL từ tháng 12/2019-2/2020 là rất hạn chế (khả năng thiếu hụt từ 30-45% so với TBNN), tổng lượng nước về ĐBSCL khoảng 26 tỷ mthiếu hụt so với TBNN khoảng  3,5 tỷ m3.  Từ tháng 12/2019 đến tháng 2/2020, sẽ xảy ra thiếu nước và xâm nhập mặn ở ĐBSCL ở mức sớm hơn, sâu hơn và gay gắt hơn so với trung bình nhiều năm.

Hiện tại, dung tích trữ nước của các hồ thủy điện lớn trên lưu vực sông Hồng đang thiếu hụt so với yêu cầu tối thiểu theo Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng, các thủy điện lớn sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc cấp nước phục vụ đổ ải vụ Đông Xuân năm 2019-2020.

Theo thông báo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trên cơ sở nhu cầu dùng nước, đảm bảo tiết kiệm nước và điều kiện thực tế vận hành cấp nước, lịch  lấy nước  phục vụ  gieo cấy lúa vụ Đông Xuân 2019-2020 sẽ theo 3 đợt, tổng thời gian là 18 ngày. Mực nước tại trạm thủy văn Hà Nội được duy trì từ  1,4-2,0 m tùy theo các đợt lấy nước trong tháng 1-2/2020. Để đạt được giá trị mực nước này dự kiến tổng lượng nước  cần cung cấp từ 3 hồ Hòa Bình, Tuyên Quang và Thác Bà là khoảng 4,0 tỷ m3.

Ông Vũ Đức Long cho biết, ngay từ các tháng đầu mùa mưa lũ năm 2019, Tổng cục KTTV đã nhận thấy nguy cơ về vấn đề thiếu hụt mưa, thiếu hụt dòng chảy trong mùa lũ trên các lưu vực sông trên toàn quốc nói chung và sông Mekong nói riêng. Do đó, Tổng cục đã chỉ đạo đến các đơn vị trực thuộc trong đó có Đài KTTV Nam Bộ, các Đài KTTV thuộc khu vực ĐBSCL thường xuyên quan trắc, theo dõi và liên tục cập nhật nhận định diễn biến tình hình khí tượng, thủy văn, khả năng xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trong mùa khô năm 2019- 2020 ở các vùng trên cả nước; đặc biệt, tình hình xâm nhập mặn khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Triển khai công tác điều tra khảo sát đo mặn sớm hơn…, chủ động trong công tác giám sát, dự báo, cảnh báo sớm thiên tai.

Cụ thể, trong các bản tin dự báo mùa của Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia, Đài KTTV khu vực và các Đài KTTV tỉnh liên tục có các thông tin cảnh báo về nguy cơ thiếu nước và xâm nhập mặn. Các bản tin này đã được tăng cường ban hành 1 tháng/lần (theo quy định 2 tháng/lần). Các thông tin nhận định về hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn đã được gửi kịp thời đến Ban chỉ đạo Trung ương về PCTT, Tổng cục Phòng chống thiên tai, các cơ quan ở Trung ương, địa phương và các cơ quan truyền thông.

Khuyến cáo đến các địa phương, theo ông Vũ Đức Long, các địa phương không nên chủ quan trước các hiện tượng thiên tai xảy ra, không nên so sánh thiên tai nào là cần quan tâm và thiên tai nào là không cần quan tâm. Hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn thường diễn ra từ từ, khó nhận biết như bão, lũ. Tuy nhiên, khi đã xảy ra thì thường xảy ra trên diện rộng, khó ứng phó. Địa phương cũng cần chủ động cập nhật các bản tin dự báo thời tiết, khí hậu và các hiện tượng cực đoan phục vụ việc ra quyết sách ứng phó với thiên tai và chỉ đạo sản xuất. Ví dụ như việc cập nhật các bản tin dự báo mùa vào kế hoạch và chỉ đạo sản xuất của địa phương theo kế hoạch. Bên cạnh đó, các địa phương cần thực hiện các giải pháp ứng phó và giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra. Ví dụ như, chủ động tích nước phục vụ tưới tiêu khi xảy ra khô hạn.

Theo baochinhphu.vn

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: