Đô thị với ám ảnh ngập lụt: Ảnh hưởng nghiêm trọng từ thời tiết cực đoan

Đăng ngày: 04-07-2019 | Lượt xem: 1962
Với mỗi vùng miền, các đô thị lại có đặc điểm riêng, đi kèm với ảnh hưởng của thiên tai, thời tiết cực đoan mỗi khác.

T8b

Các địa phương cần tiếp tục rà soát, cập nhật, bổ sung các giải pháp ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu.  Ảnh: Hoàng Minh

Đô thị vùng núi cao

Theo một nghiên cứu của Bộ Xây dựng về tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) đến một số đô thị, TP. Lào Cai là điển hình của đô thị vùng núi cao chịu nhiều tác động của thiên tai như lũ quét, sạt lở đất, ngập úng, lốc xoáy, rét đậm rét hại… Trong đó, lũ quét, sạt lở đất và ngập úng là 3 loại hình thiên tai nguy hiểm nhất tại đây do gây thiệt hại lớn về người, phá hoại hoạt động sản xuất/kinh doanh, cơ sở vất chất của người dân và làm gián đoạn sinh hoạt, cũng như các tác hại đi kèm về bệnh dịch, ô nhiễm môi trường, mất điện, nước…

Dựa trên các đánh giá về mức độ và quy mô thiệt hại, cơ sở hạ tầng giao thông là nhóm bị ảnh hưởng nặng nhất, tiếp đến là các công trình thủy lợi và cấp nước, nhà ở của người dân và cuối cùng là các công trình công cộng.

Đô thị ven biển

Việt Nam có 129 đô thị ven biển, phân bố đồng đều dọc theo hơn 3.000 km bờ biển Việt Nam. Tình hình phát triển hệ thống đô thị ven biển hiện nay cũng đang bộc lộ sự mất cân đối do mật độ xây dựng quá cao ở các khu vực thấp ven biển và khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên, làm gia tăng rủi ro do thiên tai gây ra.

Đơn cử, tại TP. Nha Trang (Khánh Hòa), ảnh hưởng của hoàn lưu các cơn bão số 8, số 9 vào cuối năm 2018 làm xuất hiện những cơn mưa cực đoan trong thời gian ngắn. Lượng mưa đo được trong 3 giờ lên đến 235 mm, gây ra đợt lũ quét đầu tiên trong lịch sử thành phố kèm theo sạt lở đất làm thiệt hại nặng nề đến tính mạng và tài sản của người dân.

Ông Đào Công Thiên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa nhìn nhận, trong đợt mưa lũ này, khu vực sạt lở nghiêm trọng nhất không được địa phương xác định có nguy cơ sạt lở đất trước đó nên không có cảnh báo.

Đô thị vùng đồng bằng trũng thấp

Lâu nay, Đồng bằng sông Cửu Long được đánh giá là sẽ chịu tác động nặng nề từ biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Dù là trung tâm động lực phát triển kinh tế của vùng, TP. Cần Thơ cũng phải đối mặt với các vấn đề tương tự như hầu hết các địa phương khác trong khu vực. Do gần như toàn bộ TP. Cần Thơ thấp hơn mực nước biển 1m, lũ theo mùa thường làm ngập lụt 30% diện tích thành phố, nhưng theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, gần đây, đã có năm tăng lên đến 50%, khu vực lõi thành phố thường xuyên bị ảnh hưởng bởi triều cường và mưa lớn trong mùa lũ.

Tình trạng này ngày càng gia tăng do sự biến đổi hình thái của sông Hậu và sự cộng hưởng của quá trình sụt lún đất. Ngoài ra, hệ thống thoát nước trong thành phố nói chung đã cũ và không đủ năng lực tiêu thoát nước khi có mưa lớn, thậm chí nhiều khu vực của thành phố chưa có hệ thống thoát nước. Quá trình đô thị hóa nhanh chóng thiếu kiểm soát, nhu cầu nhà ở tăng cao đột biến đã khiến nhiều kênh rạch tự nhiên bị lấn chiếm, làm giảm đáng kể khả năng thoát nước đô thị.

Theo tính toán của Ngân hàng thế giới, lũ lụt gần đây đã ảnh hưởng đến 2/3 diện tích thành phố và hơn 200.000 người mỗi năm, thiệt hại trực tiếp và gián tiếp cho mỗi hộ gia đình ước tính khoảng 11% thu nhập trung bình các hộ. Tuy vậy, thành phố vẫn chưa có chiến lược hay công cụ cụ thể để quản lý các chi phí này hay giảm thiểu tác động tiêu cực do lũ lụt gây ra.

Khả năng chống chịu với những ảnh hưởng từ thời tiết cực đoan của các đô thị ở Việt Nam đang ở mức rất thấp. Bên cạnh đó, hạ tầng kỹ thuật yếu kém, cập nhật thông tin về khí tượng thủy văn để tích hợp trong xây dựng các quy hoạch đô thị ít được quan tâm, hoặc chỉ trong ngắn hạn, nên nhanh chóng lạc hậu và không thể chống đỡ nổi trước thiên tai ngày một khắc nghiệt.

Theo các chuyên gia khí tượng, không chỉ mùa mưa bão 2019 có diễn biến khó lường mà những năm tới, do tác động của biến đổi khí hậu, các hiện tượng thời tiết cực đoan sẽ ngày càng gia tăng về tần suất và thường khó dự đoán.

Theo Báo TN&MT

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: