Đồng bằng sông Cửu Long: 39.000 ha lúa bị thiệt hại do hạn mặn

Đăng ngày: 12-03-2020 | Lượt xem: 3248
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến nay, tổng thiệt hại do hạn mặn gây ra tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long vào khoảng 39.000 ha đối với lúa vụ mùa 2019 và đông xuân 2019-2020.

Nhiều diện tích lúa ở ĐBSCL bị chết do khô hạn. (Ảnh: K.V) 

Cụ thể, hạn mặn đã làm ảnh hưởng trên 30% năng suất, khoảng 39.000 ha, bao gồm vụ mùa 16.000 ha và đông xuân 23.000 ha, chiếm khoảng 1,2% tổng diện tích gieo trồng, bằng 9,6% diện tích bị ảnh hưởng năm 2015-2016. Vụ đông xuân 2019-2020 toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long xuống giống được 1,54 triệu ha lúa, đến nay đã thu hoạch 1 triệu ha.

Hiện các diện tích cây ăn trái chưa bị ảnh hưởng do được bảo vệ của hệ thống đê bao, bờ bao. Tuy nhiên, nguồn nước ngọt được tích trữ phục vụ tưới cây tại nhiều nơi đang dần cạn kiệt, nếu xâm nhập mặn kéo dài đến tháng 4 sẽ có nhiều diện tích bị ảnh hưởng.

Theo dự báo của cơ quan chức năng, trong tháng 3, xâm nhập mặn sẽ tiếp tục tăng cao, đặc biệt đợt từ ngày 07 đến 15/3 ở cửa các sông. Cụ thể, tại cửa sông Vàm Cỏ (Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây) phạm vi ảnh hưởng sâu nhất 100-110 km, thấp hơn 15-16 km so với mức sâu nhất năm 2016; sông cửa Tiểu, cửa Đại có phạm vi ảnh hưởng sâu nhất khoảng 60 km, sâu hơn 8-10 km so với mức sâu nhất của năm 2016; sông Hàm Luông có phạm vi ảnh hưởng sâu nhất khoảng 78 km, sâu hơn khoảng 5 km so với mức sâu nhất của năm 2016; sông Cổ Chiên phạm vi ảnh hưởng sâu nhất khoảng 70 km, sâu hơn khoảng 5 km so với mức sâu nhất của năm 2016; sông Hậu (Cửa Định An, Trần Đề) phạm vi ảnh hưởng sâu nhất khoảng 70 km, sâu hơn 6 km so với mức sâu nhất năm 2016; sông Cái Lớn phạm vi ảnh hưởng sâu nhất khoảng 62-65 km, thấp hơn khoảng 3 km so với mức sâu nhất năm 2016. Trong thời gian tiếp theo của mùa khô, xâm nhập mặn dự báo còn lên cao theo các kỳ triều cường.

Do các hồ chứa ở thượng nguồn chưa tăng lượng xả, xâm nhập mặn có thể sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao đến tháng 4. Các địa phương cũng như hộ dân đã phải vận chuyển nước ngọt từ nơi khác về để tưới cho cây ăn trái. Đồng thời, mỗi địa phương cũng đã phải tìm ra giải pháp ứng phó hiệu quả đối với thực trạng hạn mặn gay gắt đã được cảnh báo từ trước.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đề xuất các giải pháp lâu dài phòng chống hạn mặn cho Đồng bằng sông Cửu Long. Đó là đầu tư lắp đặt thiết bị giám sát độ mặn tự động để kịp thời thông tin, chủ động triển khai các biện pháp ứng phó phù hợp với từng giai đoạn, nhất là ứng phó với tác động của thời tiết cực đoan. Ưu tiên nguồn lực đầu tư xây dựng hoàn thiện khép kín các hệ thống thủy lợi đã có, nạo vét các kênh trục chuyển nước, xây dựng các trạm bơm cột nước thấp trên kênh, xây dựng hạ tầng thủy sản…để chủ động kiểm soát triều, xâm nhập mặn; cải tạo các cửa cống lấy nước hiện có ở vùng ảnh hưởng triều, bảo đảm chủ động vận hành lấy nước ngọt, nước mặn và tiêu thoát nước.

Các dự án đề nghị ưu tiên là: Cái Lớn - Cái Bé giai đoạn 2; hoàn thiện hệ thống thủy lợi Bắc Bến Tre, Nam Bến Tre, Nam Măng Thít, Bảo Định, Nhật Tảo - Tân Trụ,… , đồng thời khuyến khích chuyển đổi mạnh cơ cấu cây trồng, đặc biệt vùng không chủ động nguồn nước, thường xuyên xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn sang phát triển nông nghiệp đa dạng (thủy sản -cây ăn quả - lúa), đáp ứng nhu cầu của thị trường, chuyển từ phát triển theo số lượng sang chất lượng.

Xây mới, nâng cấp, sửa chữa các công trình cấp nước tập trung, trong đó tỉnh Cà Mau 30 công trình, Sóc Trăng 3 công trình, Kiên Giang 5 công trình; mở rộng, kéo dài tuyến ống cấp nước cho cho các hộ dân khu vực lân cận, trong đó tỉnh Long An mở rộng cho 32.350 hộ dân, Bến Tre mở rộng 40 km đường ống, Kiên Giang mở rộng cho 7.880 hộ dân, Tiền Giang mở rộng 200 km đường ống. Xây dựng các hồ trữ nước ngọt từ hệ thống sông, kênh cụt tại các tỉnh Trà Vinh, Long An, Bến Tre, Hậu Giang. Ngoài ra, việc khai thác nước ngầm tại các khu vực nguồn nước ngầm phải bảo đảm về chất lượng, trữ lượng…/.

Theo dangcongsan.vn

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: