Đồng bằng sông Cửu Long: Trước áp lực của thời tiết cực đoan

Đăng ngày: 16-05-2019 | Lượt xem: 1661
Các hiện tượng mưa, nắng thất thường, nước biển lấn sâu vào nội đồng, cùng với sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển thường xuyên xảy ra đã và đang tạo nhiều áp lực cho chính quyền và người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Anh 1 Giong loc DBSCL
Giông lốc làm tốc mái một căn nhà ở TP. Vị Thanh, Hậu Giang

Thời tiết diễn biến phức tạp, khó lường

Đó là thông tin mà nhiều người dân vùng ĐBSCL cho biết khi trao đổi với Phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường. Theo ông Trương Phú Quốc ở ấp 3, xã Vĩnh Thuận Tây, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang, trong vài năm trở lại đây, thời tiết thất thường, nắng gắt hơn, mưa lớn hơn, mặn xâm nhập sâu hơn và đến gần tháng 11 của năm vẫn xuất hiện lũ lớn. “Do thời tiết diễn biến thất thường, mưa bão liên tục, nguồn nước bị ô nhiễm nên cá hay bị bệnh, bị hao hụt nhiều và không đạt năng suất như trước đây” - ông Quốc cho biết.

Đối với những nông dân chuyên trồng lúa cũng thường xuyên đối diện với nguy cơ mất mùa vì thiếu nước, ngập lụt, giông bão. Ông Phan Thiện Khanh ở ấp Vĩnh Khánh B, xã Định Môn, huyện Thới Lai, TP. Cần Thơ cho rằng, trong quá trình sản xuất lúa, bà con nơi đây đang gặp nhiều bất lợi vì nắng nóng kéo dài, thời tiết không còn ổn định như trước, mưa với lưu lượng lớn kèm theo giông lốc, từ đó, các bệnh trên cây lúa phát sinh nhiều hơn thiệt hại cho bà con nông dân.

Tại Hội thảo Nhận định mùa năm 2019 và công tác tuyên truyền, cung cấp thông tin khí tượng - thủy văn - khí hậu phục vụ phòng chống thiên tai do Đài Khí tượng Thủy văn Khu vực Nam Bộ tổ chức cuối tháng 3/2019, ông Lê Hồng Phong, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn cho rằng, những năm gần đây, tình hình thời tiết, khí tượng, thủy văn có nhiều diễn biến hết sức phức tạp. Dưới tác động của biến đổi khí hậu, các thiên tai xảy ra với cường độ ngày càng cao và ngày càng khó dự báo hơn trước, gây thiệt hại năng nề và ảnh hưởng nghiêm trọng tới phát triển kinh tế - xã hội bền vững khu vực Nam bộ nói chung, vùng ĐBSCL nói riêng.

“Trong các tháng mùa khô, nhiều tỉnh, thành vùng ĐBSCL bị nước biển xâm nhập sâu làm thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp, nhiều khu vực thiếu nước ngọt phục vụ sinh hoạt. Số lượng các cơn bão hướng vào vùng ĐBSCL, khu vực trong quá khứ rất ít khi hứng chịu bão, ngày càng nhiều với cường độ khá lớn, gây hậu quả nặng nề tới phát triển kinh tế và đời sống của người dân địa phương” - ông Lê Hồng Phong thông tin.

Theo Đài Khí tượng Thủy văn Khu vực Nam Bộ, trong năm 2018, triều cường vượt mức lịch sử đo được tại Trạm Thủy văn Mỹ Thuận trên sông Tiền là 2,07m, vượt lịch sử 0,04m và tại Trạm Thủy văn Cần Thơ trên sông Hậu là 2,23m, vượt lịch sử 0,08m)…; các đợt nắng nóng, đợt mưa lớn trên diện rộng, dông mạnh kèm theo tố lốc, sét… xảy ra ở nhiều tỉnh gây nhiều thiệt hại về người và tài sản của nhân dân trong khu vực. Đặc biệt, năm 2018, ĐBSCL có đợt lũ lớn sau nhiều năm không có lũ đã ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt và sản xuất của cộng đồng dân cư.

Tại TP. Cần Thơ, ông Nguyễn Quý Ninh, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cho biết, trong năm 2018, tình hình thiên tai xảy ra thường xuyên trên địa bàn thành phố, với 23 đợt lốc xoáy, gần 20 vụ sạt lở đất bờ sông, đặc biệt, gần giữa tháng 10/2018, TP. Cần Thơ đã hứng chịu đợt triều cường vượt mức lịch sử, gây ngập nặng cho các tuyến đường khu vực nội thị TP. Cần Thơ; Cồn Khương, quận Ninh Kiều, làm đảo lộn sinh hoạt, sản xuất của nhiều người dân.   

Từ đầu năm 2019 đến nay, mặc dù, đây là thời điểm mùa khô nhưng tình hình sạt lở đất bờ sông trên địa bàn TP. Cần Thơ vẫn xảy ra. Điển hình như vào ngày 15/4/2019, trên đoạn kênh 7 thuộc ấp Vĩnh Lân, xã Vĩnh Trinh, huyện Vĩnh Thạnh đã xảy ra vụ sạt lở bờ sông với chiều dài khoảng 30m cuốn trôi 4 căn nhà liền kề của người dân, gây thiệt hại trên 1 tỷ đồng. Mới đây, ngày 24/4/2019, tại khu vực Thới Lợi, phường Thới An, quận Ô Môn, TP. Cần Thơ, đã xảy ra một vụ sạt lở bờ sông, ảnh hưởng đến 11 căn nhà của người dân.

Tại tỉnh Hậu Giang, từ đầu năm 2019 đến nay, đã xảy ra tổng cộng 11 điểm sạt lở, trong đó, tập trung ở huyện Châu Thành với 10 điểm, làm mất trên 1.000m2 đất, tổng thiệt hại trên 400 triệu đồng. Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Châu Thành, sạt lở đất bờ sông trên địa bàn huyện tiếp tục tiềm ẩn nhiều rủi ro, diễn biến phức tạp, đặc biệt, trên các tuyến kênh cấp 1, cấp 2 và đầu mùa mưa sạt lở có thể cao hơn trung bình nhiều năm. Ngoài tình trạng sạt lở, các hiện tượng mưa lớn kèm theo giông lốc, xâm nhập mặn cũng xảy ra thường xuyên trên địa bàn huyện Phụng Hiệp, huyện Long Mỹ, TP. Vị thanh, gây nhiều thiệt hại lúa, hoa màu, nhà cửa của người dân.

Tại tỉnh Sóc Trăng, theo báo cáo từ Chi cục Thủy lợi, cuối tháng 3/2019, độ mặn trên sông Đại Ngãi, huyện Long Phú và khu vực Đại Ân 2, huyện Trần Đề cũng cao hơn so với cùng kỳ. Có thời điểm độ mặn đo được trên sông Hậu tại Trần Đề đo được là 18,5g/l, tại Long Phú là 13,5g/l, tại Đại Ngãi là 5,5g/l và trên sông Mỹ Thanh tại Tham Đôn 5,5g/l, tại Thạnh Phú 3,5g/l, gây nhiều khó khăn ch người dân trong việc lấy nước sản xuất, sinh hoạt.

Chủ động thực hiện các giải pháp ứng phó

Nhận định của cơ quan chức năng cho thấy, mùa mưa năm 2019 tại khu vực ĐBSCL bắt đầu muộn hơn so với trung bình nhiều năm, phổ biến từ tuần giữa tháng 5/2019; thời kỳ kết thúc mùa mưa sớm hơn so với trung bình nhiều năm, phổ biến từ tuần đầu tháng 11/2019; nhiệt độ phổ biến cao hơn trung bình nhiều năm; các tháng chuyển mùa vào tháng 5 và tháng 11 cần đề phòng hiện tượng giông, sét, gió giật xảy ra ở nhiều nơi ở Đồng Tháp, Cà Mau,…

Trước tình hình diễn biết ngày càng phức tạp của thời tiết, thủy văn, để giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra, ông Lê Ngọc Quyền, Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn Khu vực Nam Bộ cho rằng, việc nhận định đúng thời kỳ chuyển mùa cũng như thời kỳ bắt đầu mùa mưa, xu thế mưa, số lượng cơn bão, thời gian xuất hiện cũng như độ cao của đỉnh lũ đầu nguồn sông Cửu Long, triều cường ở hạ lưu các sông rất quan trọng, giúp các cấp, các ngành và nhân dân trong khu vực có cái nhìn tổng quan về diễn biến của mùa mưa bão, lũ năm 2019, từ đó đề ra kế hoạch sản, xuất kinh doanh.

Ông Võ Văn Nam, Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật - Sở NN&PTNN Bến Tre cho biết, ngay từ đầu năm 2019, Sở đã có kế hoạch phòng chống hạn, mặn và triển khai đến các Sở, ngành, địa phương biết về công tác phòng chống. Trên cơ sở kế hoạch này, từng địa phương triển khai xuống tuyên truyền về công tác phòng chống hạn mặn trên cây trồng khi có mặn xâm nhập để giảm thiệt hại đến mức thấp nhất cho bà con nông dân.

Ông Nguyễn Văn Kiệt - Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang cho biết, để ứng phó với tình trạng sạt lở, huyện Châu Thành đã tổ chức tuyên truyền nâng cao ý thức phòng chống sạt lở cho người dân, cắm bảng cảnh báo những điểm có nguy cơ sạt lở cao, hạn chế tối đa việc nạo vét lòng kênh và xây dựng lộ giao thông sát mé sông, nghiêm cấm xây dựng nhà ven sông, khuyến khích người dân trồng cây giữ đất chống sạt lở.

Còn ông Nguyễn Quý Ninh, Chi Cục trưởng Chi cục Thủy lợi TP. Cần Thơ cho rằng, nhằm chủ động phòng, chống sạt lở bờ sông, hiện, thành phố đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân phòng chống sạt lở theo phương thức trồng cây, thả lục bình ven sông, dựng cọc tre, cừ tràm, bảo vệ bờ sông; cắm biển cảnh báo, đồng thời, triển khai xây dựng các công trình kè bờ sông Ô Môn, sông Thốt Nốt… để hạn chế sạt lở trên địa bàn.

Theo Báo TN&MT

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: