Dự báo tác động và dịch vụ- xu hướng mới của ngành khí tượng thủy văn

Đăng ngày: 05-04-2021 | Lượt xem: 822
Trong những năm gần đây, các hiện tượng khí tượng thủy văn (KTTV) nguy hiểm như: bão, lũ lụt, sạt lở đất… có xu hướng gia tăng về tần suất, cường độ và tính trái quy luật. Hàng năm, những ghi nhận thiệt hại về người và tài sản của nhân dân do thiên tai tàn khốc để lại vẫn còn. Vì vậy, thông tin dự báo sớm về thời tiết nguy hiểm và thiên tai KTTV càng cần thiết cho công tác ứng phó.

Có thể thấy rằng, công tác dự báo-cảnh báo sớm các hiện tượng thời tiết nguy hiểm đã – đang và sẽ được nâng cao, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh việc chất lượng dự báo – cảnh báo được nâng lên, độ chính xác về không gian, thời gian và phạm vi ảnh hưởng của các hiện tượng thời tiết cũng được nâng cao rõ rệt, thì có một sự thật rằng: chất lượng dự báo tăng lên không đồng nghĩa với việc sẽ giảm được hoàn toàn các thiệt hại do thiên tai để lại. Nguyên nhân chủ yếu là do các dự báo-cảnh báo thời tiết đưa ra chưa tính được hết các rủi ro sẽ tác động đến từng nhóm đối tượng. Bên cạnh đó, việc xác định được tác động cuối cùng đến từng nhóm đối tượng cụ thế để đưa vào các bản tin dự báo-cảnh báo thời tiết, các dự báo viên-những người trong ngành KTTV cần sự hợp tác chặt chẽ, có hiệu quả với các ban ngành trong mọi lĩnh vực của xã hội. Ví dụ như hiện tượng mưa lớn, cảnh báo đưa ra là rất nguy hiểm với các hệ thống hồ trữ nước đang đầy, nhưng sẽ là ít nguy hiểm với những cánh đồng đang khô hạn…. Vậy, dự báo dựa trên tác động là như thế nào? Tại sao dự báo dựa trên tác động là xu hướng tất yếu trong thời gian tới?

Dự báo dựa trên tác động là việc chuyển đổi từ việc nói lên thời tiết sẽ xảy ra như thế nào (ví dụ như: mưa 50mm/24 giờ, gió cấp 6-cấp 7…) thành việc nói lên thời tiết sẽ gây ra tác động như thế nào (ví dụ như: mưa 50mm/24 giờ sẽ làm ngập các đường trong đ\ô thị, gió mạnh làm gãy những cành cây nhỏ…).

Chính vì vậy, bên cạnh việc dự báo về các hiểm họa thời tiết, các dự báo viên cần: Dự báo những tác động của thời tiết với các đối tượng cụ thể trong xã hội. Xác định mức độ cảnh báo dựa trên mức độ dễ bị tổn thương của một số đối tượng, tại những khu vực nhất định. Truyền đạt những cảnh báo này bằng ngôn ngữ đơn giản, dễ hiểu cho các bên liên quan và công chúng.

Công cụ cần thiết để dự báo dựa trên tác động phát huy được hiệu quả đó chính là ma trận cảnh báo cấp độ rủi ro. Theo hướng dẫn số 1150 của tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO), ma trận cảnh báo thể hiện 4 cấp độ rủi ro tương ứng với 4 màu: xanh – vàng - cam – đỏ. Đối với xác suất dự báo tương ứng: rất thấp – thấp – trung bình – cao; đối với khả năng tác động tương ứng: rất ít – ít –đáng kể - nghiêm trọng.

Cụ thể cho 4 cấp tác động được xác định như sau: Minimal- rất ít: Các hiện tượng xảy ra hàng ngày, có tác động nhưng xảy ra ở quy mô nhỏ, không hoặc ít nguy hiểm.  Minor – ít: Các hiện tượng gây ra sự cố cục bộ, có gián đoạn nhỏ, hầu như mọi việc ít thay đổi, có thể xảy ra một vài trường hợp ứng cứu khẩn cấp. Significant – đáng kể: Các hiện tượng làm gián đoạn các thói quen và hoạt động hàng ngày, quả tải trong thời gian ngắn với các trường hợp ứng cứu khẩn cấp. Severe- nghiêm trọng: Các hiện tượng xảy ra trên diện rộng, làm gián đoạn kéo dài đối với các hoạt động và thói quen hàng ngày, quả tải trong thời gian dài với các trường hợp ứng cứu khẩn cấp.

Ma trận cảnh báo cho phép các dự báo viên và các bên liên quan (quản lý thiên tai) xác định mức độ tác động có khả năng xảy ra nhất với một khu vực cụ thể. Việc xây dựng ma trận cảnh báo cần dựa trên kiến thức và kinh nghiệm của các dự báo viên và các bên liên quan.

Xu hướng dự báo dựa trên tác động và dịch vụ cảnh báo là rất cần thiết vì nó giúp mọi người hiểu rõ hơn các mối nguy hiểm có thể ảnh hưởng đến họ như thế nào để đảm bảo các hành động phù hợp. Các cảnh báo chỉ được đưa ra khi các hiện tượng thời tiết nguy hiểm có khả năng tác động đến một khu vực nhất định. Các cảnh báo đưa ra có tính đến tính dễ bị tổn thương cho các khu vực cụ thể; do đó, với cùng một hiện tượng thời tiết nguy hiểm, các khu vực khác nhau với khả năng chống chịu khác nhau sẽ có những cảnh báo khác nhau. Việc xác định được cấp độ rủi ro cho từng khu vực cụ thể sẽ giúp nâng cao chất lượng dự báo, nâng cao năng lực ứng phó, phòng chống thiên tai, giảm thiểu được tối đa những thiệt hại do thiên tai gây ra. Chính vì lợi ích hết sức thiết thực đó, có thể khẳng định một lần nữa: dự báo dựa trên tác động và dịch vụ cảnh báo là một trong những xu hướng dự báo, cảnh báo ngành KTTV đang hướng tới.

 Đài KTTV khu vực Đông Bắc- Tạp chí Khí tượng Thủy văn

 

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: