Gần 80.000 hộ dân thiếu nước do hạn hán, xâm nhập mặn ăn sâu vào đất liền

Đăng ngày: 14-02-2020 | Lượt xem: 1564
Nước về đồng bằng sông Cửu Long sụt giảm nghiêm trọng khiến hạn hán, xâm nhập mặn ăn sâu vào đất liền. Dù mới đầu tháng 2/2020 nhưng đã có khoảng 80.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt.

Bộ NN&PTNT vừa báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình thiên tai hạn, mặn khốc liệt ở miên Trung và Nam bộ cùng những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khu vực này.

Theo đó, Bộ NN&PTNT cho biết, trên lưu vực sông Mê Kông năm 2019-2020 thuộc năm ít nước, lưu lượng về đồng bằng sông Cửu Long bị thiếu hụt nghiêm trọng so với trung bình nhiều năm (TBNN), thậm chí thấp hơn cả năm 2015-2016 (năm xuất hiện xâm nhập mặn kỷ lục).

Xâm nhập mặn đã xuất hiện ở mức cao đột biến từ tháng 12/2019, ranh mặn 4 g/lít ở các cửa sông Cửu Long sâu nhất đến 57 km (sông Hàm Luông), sâu hơn TBNN  là 24km, sâu hơn năm 2015 là 17 km. Trong tháng 1/2020, xâm nhập mặn đã tăng cao hơn cả đợt hạn mặn năm 2016.

 

ảnh 1

Gần 30.000 ha lúa Mùa và Đông Xuân thiếu nước 

Bộ NN&PTNT dự báo, hạn mặn tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long còn lên cao trong tháng 2/2020, như vùng sông Vàm Cỏ, mặn có thể xâm nhập vào phạm vi 100km, vùng sông Cửu Long sẽ xâm nhập sâu hơn đỉnh năm 2016 khoảng 4km…

“Trong thời gian tiếp theo của mùa khô, ở vùng các cửa sông Cửu Long, xâm nhập mặn sẽ tiếp tục lên cao theo các kỳ triều cưòng. Cụ thể, từ ngày 21- 27/2, ranh mặn vào sâu cao nhất khoảng 55km, giảm khoảng 20 km so với đợt xâm nhập mặn giữa tháng 2/2020; từ ngày 7-15/3 xâm nhập mặn ở mức rất cao, ranh mặn 4g/lít ở mức 80 km, sâu hơn 5 km so với đợt xâm nhập mặn giữa tháng 2/2020. Ở vùng các sông Vàm cỏ và sông Cái Lớn, xâm nhập mặn sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao đến hết tháng 4/2020”- báo cáo của Bộ NN&PTNT nhận định.

Trong khi đó, hạn mặn đã gây thiệt hại cho vụ lúa Mùa và Đông Xuân 2019-2020 tổng cộng khoảng gần 29.700 ha.

Đặc biệt, hiện nay, có khoảng 79.700 hộ dân đang gặp khó khăn trong thời gian diễn ra hạn, mặn về nước sinh hoạt (Bến Tre 12.700 hộ, Sóc Trăng 24.400 hộ, Kiên Giang 11.300 hộ, Cà Mau 20.100 hộ, Bạc Liêu 3.300 hộ, Long An 7.900 hộ).

Do vậy, cần có các giải pháp đế khắc phục kịp thời, lãnh đạo Bộ NN&PTNT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành liên quan phối hợp với Bộ NN&PTNT, hỗ trợ các địa phương tiếp tục tăng cường công tác phòng, chống hạn hán, thiếu nước xâm nhập mặn, bảo đảm hạn chế thấp nhất thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp và không để người dân thiếu nước sinh hoạt.

Đồng thời, xem xét đưa nội dung liên quan đến việc hỗ trợ kinh phí thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn vào Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2020 để bảo đảm đủ cơ sở pháp lý hỗ trợ từ nguồn ngân sách dự phòng cho các địa phương. Cụ thể về nội dung này, Bộ NN&PTNT sẽ có báo cáo gửi Văn phòng Chính phủ để tổng hợp báo cáo Chính phủ.

Ngoài ra, về lâu dài, Bộ NN&PTNT cho rằng, cần khuyến khích chuyển đổi mạnh cơ cấu cây trồng, đặc biệt vùng không chủ động nguồn nước, thường xuyên xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn sang phát triến nông nghiệp đa dạng, đáp ứng nhu cầu của thị trường, chuyển từ phát triển theo số lượng sang chất lượng...

Bộ NN&PTNT sẽ đề xuất Ngân hàng Thế giới hỗ trợ dự án cấp nước và vệ sinh nông thôn cho các tỉnh thường xuyên chịu ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn, trong đó có khu vực đồng bằng sông Cửu Long; phối hợp với Bộ Xây dựng thực hiện dự án cấp nước cho các đô thị khu vực đồng bằng sông Cửu Long (có mở rộng cho khu vực nông thôn).

Theo anninhthudo.vn

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: