Hạn mặn khốc liệt bủa vây ĐBSCL

Đăng ngày: 26-02-2020 | Lượt xem: 2396
Hạn hán ở khu vực ĐBSCL đang diễn ra gay gắt và dự báo sẽ duy trì ở mức cao hơn trong thời gian còn lại của mùa khô.

Lúa sắp thu hoạch bị khô héo ở ấp Xẻo Chích, thị trấn Châu Hưng, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu

Xót xa lúa chết, tôm không lớn

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, hiện độ sâu xâm nhập mặn tại vùng 2 sông Vàm Cỏ từ 100 - 110km; sông Cổ Chiên 68km; Hàm Luông 75km; sông Hậu 66km; vùng ven biển Tây trên sông Cái Lớn 61km. Trong thời gian tiếp theo của mùa khô, ở vùng các cửa sông Cửu Long, xâm nhập mặn sẽ tiếp tục lên cao theo các kỳ triều cường.

Nhìn 5 công lúa Đông Xuân 3 tháng tuổi đang bị thiếu nước trầm trọng trên nền đất khô quánh, đặc cứng, ông Võ Văn Lâm (ngụ xã Bình Phú, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh) buồn bã: “Hạn mặn kéo dài, toàn bộ số lúa này thiếu nước không ngậm sữa được thì coi như là mất trắng. Năm ngoái một công đất, nhà tôi thu hoạch được khoảng 40 dạ lúa. Năm nay, mong kiếm một dạ cũng khó, nhiều nhà bỏ ruộng không trồng cho khỏi hao công”.

Chị Nguyễn Thị Nguyệt (hộ nuôi tôm ở xã Vĩnh Trạch, TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu) cho biết, mấy năm trước thu hoạch cũng có lời chút đỉnh nhưng năm nay do thời tiết quá nóng, tôm thả chậm lớn, chi phí cao nhưng giá thành lại giảm mạnh. “Nhà tôi có 6ha, nhưng chỉ làm khoảng 2ha, chi phí cải tạo ao nuôi hơn 100 triệu đồng, đó là chưa tính tiền con giống cũng vài chục triệu đồng nữa. Còn lại 4ha để đó chờ khi mưa xuống, thời tiết mát mẻ lại mới dám cải tạo để thả tiếp”, chị Nguyệt chia sẻ.

Theo ông Phạm Minh Truyền, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Trà Vinh, hạn hán, ngập mặn đã làm cho hơn 5.100ha lúa của hơn 6.700 hộ dân trên địa bàn bị thiệt hại, nhiều vườn cây ăn trái và hoa màu bị ảnh hưởng.

Ngập mặn cũng làm nhiều diện tích lúa của người dân ở huyện Vĩnh Lợi, Hồng Dân, Phước Long của tỉnh Bạc Liêu sắp thu hoạch héo úa, năng suất giảm mạnh.

Ngoài ra, nhiều tuyến đường giao thông có nguy cơ bị chia cắt vì sạt lở, sụt lún do ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn. Tại Cà Mau, một số cống ngăn mặn đã bị soi mọi, rò rỉ đáy; đã có hơn 900 vị trí ven kênh, rạch và đường giao thông ven kênh, rạch bị sụt lún, sạt lở với chiều dài gần 22km (trong đó, có tuyến đường Tắc Thủ - Vàm Đá Bạc và tuyến đê biển Tây). Nguyên nhân bước đầu được nhận định là do hiện nay đang vào mùa khô, đoạn tuyến đi qua khu vực ngọt hóa, mực nước dưới kênh, rạch bị hạ xuống rất thấp, trong khi lòng kênh sâu, dẫn đến mất ổn định nền đường.

Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh Cà Mau đã có hơn 18.000ha lúa bị thiệt hại, gần 43.000ha rừng (có diện tích Vườn Quốc gia U Minh Hạ) đang trong tình trạng báo động nguy cơ cháy.

Còn tại Kiên Giang, trên sông Cái Lớn độ mặn xâm nhập sâu nhất khoảng 47km; trên sông Cái Bé, độ mặn xâm nhập sâu nhất khoảng 30km. Tình hình này khiến 600ha lúa năng suất giảm từ 30-70%.

Kiểm tra thực tế tình trạng hạn mặn ở ĐBSCL mới đây, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đánh giá, nguy cơ hạn, mặn năm nay có thể khốc liệt hơn năm 2015 - 2016.

Thiếu nước ngọt trầm trọng

Keyword đầu tiên có dấu
Tuyến đường Tắc Thủ - Vàm Đá Bạc (Cà Mau) bị sụt lún nghiêm trọng, do mực nước dưới kênh rạch bị hạ xuống rất thấp, dẫn đến mất ổn định nền đường

Không chỉ cây lúa bị “đói” nước, mà người dân cũng đang thiếu trầm trọng nước sinh hoạt do hạn mặn. Theo số liệu của Bộ NN&PTNT, hiện có khoảng 79.700 hộ dân ĐBSCL đang gặp khó khăn về nước sinh hoạt. Trong đó, Bến Tre 12.700 hộ, Sóc Trăng 24.400 hộ, Kiên Giang 11.300 hộ, Cà Mau 20.100 hộ, Bạc Liêu 3.300 hộ, Long An 7.900 hộ, Trà Vinh 5.780 hộ.

“Từ trước Tết, nước bắt đầu bị nhiễm mặn. Mọi người phải sử dụng nước mưa, nước bình để nấu ăn. Mọi năm làm gì có tình trạng này”, chị Kim Xuyến (ngụ ấp Phú Phong, xã Bình Phú, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh) nói.

Ông Phạm Minh Truyền, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Trà Vinh cho biết, ứng phó hạn mặn, địa phương đã xây dựng lịch thời vụ theo hướng điều chỉnh vụ Hè Thu, Đông Xuân; chuyển đổi cơ cấu từ trồng lúa sang trồng cây cạn; khuyến cáo người dân trồng màu và trồng cây ăn trái áp dụng biện pháp trữ nước ngọt. Đồng thời, triển khai nạo vét, thu gom lục bình trên các tuyến kênh, rạch nhằm khơi thông dòng chảy, giúp điều hòa nguồn nước, giảm độ mặn; kéo dài tuyến ống cấp, cung cấp nước sinh hoạt cho nhiều hộ dân hơn nữa…

Còn theo ông Nguyễn Ngọc Hè, Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, để ứng phó ngập mặn, Cần Thơ tập trung triển khai các biện pháp lấy nước chủ động như: Nạo vét cửa lấy nước các trạm bơm, cống, kênh mương, lắp đặt và vận hành các trạm bơm dã chiến; tích trữ nước trong các ao, hồ, vùng trũng thấp, kênh rạch…

 

Nguyên nhân do đâu, ứng phó thế nào?

Theo chuyên gia độc lập về sinh thái ĐBSCL Nguyễn Hữu Thiện, nguyên nhân hạn mặn là do hiện tượng El Nino diễn ra trên toàn lưu vực sông Mekong làm cho lượng mưa thấp, mực nước sông Mekong hạ thấp kỷ lục ngay trong mùa lũ.

Bên cạnh đó, tình trạng hạn mặn của ĐBSCL hiện nay gay gắt hơn trước đây cũng một phần vì hệ thống tự nhiên của khu vực đã bị thay đổi. Các đê bao khép kín khắp nơi chiếm không gian hấp thu lũ, nước lũ ít vào được ruộng, vườn nên tăng ngập các thành phố và chảy ra biển trong mùa nước. Đến mùa khô khi dòng Mekong yếu thì bản thân ĐBSCL đã không còn nhiều nước, nên mặn lấn sâu hơn.

Theo chuyên gia này, cần phân biệt năm cực đoan và tình hình chung để có ứng xử cho phù hợp. Với những năm cực đoan thì ứng phó theo năm cực đoan và cách ứng phó tốt nhất là né thời vụ hơn là đương đầu với hạn mặn cực đoan, để tránh thiệt hại. Về lâu dài phải theo tư duy “thuận thiên” từ Nghị quyết 120 của Chính phủ, giảm bớt một vụ lúa để có thể hấp thu nước lũ, tăng lượng nước để cân bằng mặn-ngọt trong mùa khô. Với vùng ven biển thì nên chuyển dần sang canh tác theo mặn theo mùa, phù hợp với quy luật thiên nhiên.

Theo baogiaothong.vn

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: