Hạn mặn khốc liệt, nguy cơ cháy rừng cao

Đăng ngày: 10-03-2020 | Lượt xem: 2401
Thời điểm này, các địa phương ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang phải vất vả đối phó với tình trạng hạn gay gắt và mặn xâm nhập sâu. Trong khi nắng nóng, khô hạn diễn biến phức tạp, rất nhiều diện tích rừng của các địa phương vùng Tây Nam Bộ có nguy cơ cháy rất cao.

Đồng ruộng khô cằn vì hạn mặn.

 

Độ mặn cao, lấn sâu vào đất liền

Hạn mặn tại ĐBSCL cho đến giờ ước thiệt hại khoảng 29.700 hecta, chiếm 7% diện tích vụ Đông Xuân. Tại Tiền Giang, theo lãnh đạo Chi cục Thủy lợi tỉnh này, nước mặn từ cửa sông Tiền, sông Vàm Cỏ đã lấn sâu vào nội đồng và từ hướng sông Hàm Luông (tỉnh Bến Tre) lấn sang địa bàn tỉnh Tiền Giang. Hiện trên sông Tiền, độ mặn 2,9 phần ngàn đã tiến sâu vào cù lao Ngũ Hiệp, cách biển 81km. Độ mặn 3,1 phần ngàn cũng tiến sâu vào sông Hàm Luông, cách cửa biển 75km. Riêng sông Vàm Cỏ, độ mặn 7,6 phần ngàn đã vào đến thành phố Tân An, cách cửa biển 75km.

Với độ mặn cao, lấn sâu vào các nhánh sông chính như hiện nay, tình trạng khan hiếm nước sinh hoạt và sản xuất còn diễn ra trong thời gian tới. Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Lê Văn Hưởng cho biết từ trước Tết Nguyên đán 2020, tỉnh đã chủ động trong việc đối phó với tình trạng hạn mặn. Nước được lấy tại vùng ngọt hóa Gò Công đưa vào kênh để dự trữ. Để cấp nước sinh hoạt cho người dân, tỉnh đã thi công và vận hành 8 giếng khoan bổ cấp nguồn nước cho khu vực nhà máy nước Đồng Tâm và Bình Đức. Đồng thời mở 42 vòi nước công cộng cho người dân các huyện phía đông sử dụng nước miễn phí…

Ảnh hưởng nặng nề phải kể đến vùng  chuyên canh đặc sản sầu riêng ở huyện Cai Lậy. Khoảng gần 1 tháng qua, các nhà vườn ở huyện này đã phải mua từng sà lan nước ngọt về để tưới sầu riêng. Theo bà con ở đây cho biết thì trung bình 1 tuần họ phải mua một sà lan nước ngọt từ thượng nguồn về với giá 7 triệu đồng (khoảng 150m3) để tưới cho sầu riêng. Với khoản chi phí quá lớn như vậy người dân cũng chỉ dám tưới cầm cự chờ độ mặn giảm rồi tính tiếp chứ không thì lỗ vốn vì tiền thu hoạch không đủ tiền nước tưới. Trong khi đó, người dân phía giáp biển hơn như Gò Công Đông, Tân Phú Đông... lâu nay vẫn phải sử dụng nước kênh mương để sinh hoạt, nhưng nguồn nước này hiện đã cạn kiệt và bắt đầu nhiễm mặn.

Hiện nay, hầu hết các nhà máy nước ở Bến Tre đã bị nhiễm mặn, nước máy người dân sử dụng đều chỉ có thể tắm giặt chứ không dùng nấu nướng được. Việc sản xuất hoa màu đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng… Vụ lúa đông xuân năm nay, mặc dù ngành nông nghiệp tỉnh Bến Tre đã khuyến cáo không nên xuống giống nhưng xót ruột vì đồng ruộng bỏ không, nhiều nông dân vẫn tự ý gieo sạ hơn 5.200 ha, chủ yếu tại hai huyện Ba Tri và Giồng Trôm. Và do  ảnh hưởng của hạn, mặn nên lúa sinh trưởng chậm với tổng diện tích lên tới 4.856 ha.

Tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn kéo dài đã khiến mực nước trên hệ thống kênh tại tỉnh Cà Mau chỉ còn từ 0,5 - 1m. Các kênh mương nội đồng đã khô cạn khiến đời sống người dân ở nhiều nơi bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Hiện tại tại toàn tỉnh đã có hơn 18.000ha lúa bị thiệt hại, trên 900 vị trí sụp, lún ven kênh rạch và gần 22km đường giao thông…Tỉnh cũng đang  cân nhắc công bố tình huống khẩn cấp do thiên tai để có những giải pháp ứng phó phù hợp. UBND tỉnh Cà Mau đã phải “cầu cứu” đến các chuyên gia tư vấn giúp tỉnh bàn giải pháp ứng phó.

Hiện mặn cũng xâm nhập hầu hết các địa bàn tỉnh Sóc Trăng, ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất và sinh hoạt của người dân. Theo ông Nguyễn Thành Dũng, Giám đốc Trung tâm Nước sạch vệ sinh nông thôn Sóc Trăng thì ảnh hưởng hạn hán xâm nhập mặn, mùa khô năm 2019 - 2020 dẫn đến tình trạng thiếu nước sinh hoạt của người dân nông thôn. Qua thống kê, toàn tỉnh có 73 xã thuộc 10 huyện, thị xã với khoảng 26.572 hộ dân bị ảnh hưởng thiếu nước sinh hoạt.

Cùng với hạn mặn, nhiều địa phương có nguy cơ cháy rừng rất cao.

Nguy cơ cháy rừng rất cao

Nắng nóng gay gắt, hanh khô kéo dài nhiều ngày qua đã làm hàng ngàn hecta rừng trên địa bàn tỉnh An Giang được cảnh báo có nguy cơ cháy ở cấp V – cấp cảnh báo cực kỳ nguy hiểm. Trong đó, tại vùng Bảy Núi, nơi chiếm trên 43% tổng diện tích rừng. Trong khi đó, các đồi núi khu vực Tịnh Biên, Tri Tôn đã khô héo vì nắng gay gắt. Những ngày qua, cùng với việc tăng cường tuần tra, kiểm soát địa bàn thì theo ông  Chau Si Na, Phó Hạt trưởng, Hạt Kiểm lâm liên huyện Tịnh Biên – Châu Đốc, lực lượng kiểm lâm đã chuẩn bị các biện pháp PCCC rừng như: Thông báo cho các chủ rừng và tổ chức cá nhân thực hiện xây dựng phương án phòng cháy chữa cháy rừng, triển khai bố trí các dụng cụ phòng cháy chữa cháy đến Ban chỉ huy các xã, phối hợp Cảnh sát PCCC kiểm tra kế hoạch thực hiện PCCC của các chủ rừng…

Theo thông tin cảnh báo nguy cơ cháy rừng của Cục Kiểm lâm, tỉnh Bình Thuận đang có cấp cảnh báo nguy cơ cháy rừng cấp IV (rất nguy hiểm) và cấp V (cực kỳ nguy hiểm). Trước tình hình này, UBND tỉnh yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố thông báo cho các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình trên địa bàn thực hiện nghiêm việc đăng ký thời gian đốt xử lý thực bì trồng rừng và đốt nương làm rẫy cho UBND cấp xã để theo dõi, hướng dẫn nhằm kiểm soát chặt chẽ quá trình sử dụng lửa.

UBND các huyện, thị xã chỉ đạo UBND cấp xã, chủ rừng thực hiện tốt công tác quản lý, giám sát chặt các hoạt động canh tác nương rẫy; hướng dẫn người dân về kỹ thuật phát dọn thực bì, tuyệt đối không đốt nương, làm rẫy trong những ngày thời tiết khô hanh. Đặc biệt,  tuyên truyền sâu rộng để mỗi người dân hiểu, chấp hành và thực hiện, không dùng lửa trong rừng, ven rừng, dùng lửa để dọn thực bì trong những ngày khô hanh, có dự báo cấp cháy rừng cao, nhằm hạn chế thấp nhất cháy rừng xảy ra.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có Chỉ thị về việc tăng cường các biện pháp cấp bách  về phòng cháy, chữa cháy rừng. Trước đó, khi bắt đầu bước vào mùa khô 2019 - 2020, Tổng cục  Lâm nghiệp đã yêu cầu Chi cục Kiểm lâm địa phương thường xuyên cập nhật thông tin về cảnh báo cháy rừng, phát hiện nguy cơ cũng như đám cháy sớm được cảnh báo trên website của Cục Kiểm lâm để ứng phó kịp thời, giảm thiểu thiệt hại nhất.

Theo daidoanket.vn

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: