Hạn mặn khốc liệt ở ĐBSCL: Lúa thiệt hại ít, cây ăn trái chưa bị ảnh hưởng

Đăng ngày: 21-02-2020 | Lượt xem: 1958
Theo Phó Cục trưởng Cục trồng trọt, mặc dù hạn mặn năm nay rất khốc liệt (hơn cả cùng kỳ 2015-2016) nhưng thiệt hại về lúa thấp hơn, nhờ sự chủ động xuống giống từ sớm.

Ngày 20/2, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh cùng đoàn công tác đến kiểm tra tình hình phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn tại tỉnh Long An và Tiền Giang.

Hạn mặn khốc liệt ở ĐBSCL: Lúa thiệt hại ít, cây ăn trái chưa bị ảnh hưởng - 1

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh (thứ 3 từ trái qua) cùng đoàn công tác thăm một cánh đồng lúa đang chuẩn bị thu hoạch tại huyện Gò Công Tây (Tiền Giang).

Tại buổi khảo sát, ông Lê Thanh Tùng – Phó Cục trưởng Cục trồng trọt cho biết, đến thời điểm hiện tại trên toàn vùng ĐBSCL, diện tích lúa vụ Đông Xuân bị thiệt hại là 23.000 ha. Trong đó, thiệt hại từ trên 70% là khoảng 3500 ha (cùng kỳ năm 2015-2016 thiệt hại là 150.000 ha).

Theo ông Tùng, mặc dù hạn mặn năm nay rất khốc liệt (hơn cả cùng kỳ 2015-2016) nhưng thiệt hại về lúa thấp hơn là nhờ sự chủ động xuống giống để tránh hạn mặn. Đồng thời, năng suất lúa đối với diện tích xuống giống sớm này cũng có tăng lên so với trung bình hàng năm khoảng từ 2-3 tạ/ha.

“Yếu tố bất lợi mà chúng ta được như vậy thì chúng tôi nghĩ đó là sự thắng lợi chung của toàn ngành nông nghiệp cũng như là sự nỗ lực của các địa phương, bà con nông dân. Xu hướng giá lúa cũng đang lên cao so với trung bình của tháng trước, vụ trước, nhiều giống lúa thơm đặc sản tăng từ 800- 1.000 đồng/kg, lúa thường tăng từ 300- 500 đồng. Với xu hướng giá lúa hiện nay cho thấy thu nhập của bà con có sự cải thiện”, ông Tùng nhận định.

Cũng theo ông Tùng, cho đến thời điểm này, khoảng 89 nghìn ha (trong 370 nghìn ha cây ăn quả) dự kiến bị ảnh hưởng của hạn mặn hầu như chưa có những thiệt hại. Tuy nhiên, ông Tùng lưu ý, tình hình hạn mặn vẫn còn cao điểm thêm một tháng nữa nên phải hết sức cảnh giác. Bà con nông dân cần tiếp tục tích trữ nước trong mương vườn, phủ rơm trên gốc cây, tưới nước tiết kiệm để hạn chế ra hoa để cây ăn trái có thể vượt qua hết tháng 3.

Theo vtc.vn

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: