Hạn, mặn khốc liệt tại Cà Mau - Bài cuối: Dốc toàn lực ứng phó

Đăng ngày: 19-02-2020 | Lượt xem: 2064
Trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt, các tình huống thiên tai xảy ra thường xuyên. Tỉnh Cà Mau đang dốc toàn lực để hạn chế đến mức thiệt hại do biến đổi khí hậu nói chung cũng như tình trạng hạn mặn đang diễn ra khốc liệt.

Thay đổi từ ý thức sản xuất của người dân

Chú thích ảnh
Độ mặn tăng cao khiến nhiều diện tích canh tác lúa - tôm của tỉnh Cà Mau bị thiệt hại. Ảnh: Thế Anh/TTXVN

Trong vụ mùa năm 2019, toàn tỉnh Cà Mau xuống giống được hơn 37.436 ha lúa trên đất nuôi tôm. Tuy nhiên, tình trạng hạn, mặn đến sớm hơn so với cùng kỳ nhiều năm trước đã khiến hơn 16.000 ha lúa bị thiệt hại. Cụ thể, huyện Thới Bình thiệt hại hơn 8.050 ha, U Minh 8.090 ha, Cái Nước 105 ha và Trần Văn Thời khoảng 308 ha.

Đáng chú ý, dù chỉ mới bước vào đầu mùa khô nhưng nhiều diện tích lúa - tôm của người dân rơi vào tình cảnh mất trắng do hạn hán, xâm nhập mặn. Trong số diện tích lúa - tôm bị thiệt hại vụ mùa này, có đến 12.797 ha bị thiệt hại trên 70%, tức là người dân gần như mất trắng hoàn toàn.

Các ấp Quyền Thiện, Hữu Thời, Sáu La Cua thuộc xã Biển Bạch Đông, huyện Thới Bình là khu vực có nhiều diện tích lúa - tôm bị thiệt hại nhất. Hầu hết những hộ có diện tích lúa bị thiệt hại không tuân theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương trong việc thay đổi cơ cấu giống mới ngắn ngày…

Ông Nguyễn Thành Điền, Trưởng ấp Sáu La Cua, xã Biển Bạch Đông chia sẻ, toàn ấp có gần 600 ha đất canh tác lúa mùa, theo thống kê đến nay đã bị thiệt hại khoảng 70% diện tích. Trong vụ lúa mùa vừa qua, ấp đã vận động người dân thay đổi giống lúa mới để canh tác nhưng nhân dân vẫn lo ngại giống lúa mới khó tiêu thụ, không có đầu ra nên không chuyển đổi. 

Ông Trịnh Hoàng Cung, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Dân Phát (xã Biển Bạch Đông) đánh giá, do Hợp tác xã mới thành lập nên năm 2019, đa số xã viên đều sản xuất theo tập quán cũ, chủ yếu sử dụng giống lúa dài ngày. Trước thời tiết diễn biến bất thường như hiện nay, đa số người dân canh tác đều bị thiệt hại, có nhiều diện tích lúa bị mất trắng. Vụ mùa tới, Hợp tác xã sẽ làm việc với các đơn vị để cung cấp giống lúa ST24 - giống lúa ngắn ngày cho người dân. 

Ông Lý Minh Vững, Phó Chủ tịch UBND huyện Thới Bình cho biết, diện tích lúa bị thiệt hại phần lớn tập trung tại những ruộng lúa sản xuất giống dài ngày (giống Một bụi đỏ). Bởi giống lúa này có thời gian sinh trưởng dài, dễ thiệt hại do gặp thời tiết nắng nóng, độ mặn tăng cao. Hiện nay, phần lớn người dân đã có sự chuyển biến về nhận thức trong việc chuyển đổi giống sản xuất. Người dân cam kết sẽ chuyển sang sản xuất giống lúa ST24 - giống lúa đã được bao tiêu đầu ra sản phẩm thông qua việc Hợp tác xã ký kết với doanh nghiệp thu mua lúa nguyên liệu.

Theo dự báo của các ngành chuyên môn, tình hình hạn hán năm nay sẽ khốc liệt hơn mùa khô 2015 - 2016, thiệt hại về sản xuất cũng nặng nề hơn. Chia sẻ về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử cho rằng: Nông dân Cà Mau đã có nhiều bài học từ sự chủ quan trước những cảnh báo, điều này cần được hạn chế tối đa trong thời gian tới. Do đó, tất các cấp, ngành cần chủ động thực hiện nhiều giải pháp ứng phó mạnh mẽ hơn nữa với tình hình hạn mặn trong thời gian tới.

Chủ động triển khai nhiều giải pháp

Chú thích ảnh
Hoa màu của nông dân huyện Trần Văn Thời đang đối diện với nguy cơ thiếu nước tưới tiêu. Ảnh: Thế Anh/TTXVN

Trước tình hình hạn, mặn diễn biến khó lường, UBND tỉnh Cà Mau đã có văn bản hỏa tốc chỉ đạo các địa phương xây dựng phương án điều tiết nước phù hợp với điều kiện nguồn nước cụ thể, có xét đến phương án ưu tiên nước ngọt phục vụ sản xuất tại một số vùng, khu vực nhất định. Các địa phương thống kê diện tích lúa, hoa màu bị thiệt hại, đánh giá nguyên nhân, đối chiếu quy định hiện hành để hướng dẫn lập thủ tục đề nghị hỗ trợ khôi phục sản xuất theo quy định. 

Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với các sở, ngành, địa phương khẩn trương rà soát, thống kê, đánh giá, phân loại cụ thể từng trà lúa, hoa màu... Qua đó, ngành có những giải pháp phù hợp hướng dẫn chính quyền địa phương và người dân nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do hạn mặn gây ra, trong đó, lưu ý đến các giải pháp kỹ thuật sát với tình hình, điều kiện cụ thể...

Các đơn vị thường xuyên kiểm tra vị trí đê xung yếu, cống đập, kịp thời xử lý, khắc phục sự cố, tránh để nước mặn xâm nhập vào vùng ngọt hóa. Riêng đối với nước ngọt phục vụ sinh hoạt, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với các sở, ngành, đơn vị và địa phương khẩn trương điều tra, thống kê, phân loại từng nhóm cụ thể. 

Tại các vị trí lộ giao thông đang bị sụt lún, địa phương phải cắm biển cảnh báo và dự báo những nơi có nguy cơ sụt lún, sạt lở. Cùng với đó,  các địa phương, đơn vị chủ động hướng dẫn nhân dân thực hiện các biện pháp phòng, chống; kiểm tra thống kê khu vực gặp khó khăn về giao thông (do kênh khô, chưa có lộ…) để có biện pháp xử lý kịp thời.

Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau chỉ đạo tăng cường thực hiện biện pháp phòng, chống cháy rừng, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình, dự án theo kế hoạch. UBND tỉnh đã thành lập nhiều đoàn khảo sát, kiểm tra thực tế tại các địa phương để có giải pháp chỉ đạo khắc phục hạn hán, xâm nhập mặn. Theo đó, tại các buổi khảo sát, các đoàn chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền nhằm tạo sự đồng thuận, sẻ chia của người dân trong việc phân phối, sử dụng nguồn nước ngọt còn lại rất ít dưới các tuyến kênh để cứu lúa, cứu hoa màu đang ở giai đoạn sinh trưởng.

Lãnh đạo tỉnh đề nghị Trung tâm Nước sạch và Môi trường nông thôn tỉnh khẩn trương khảo sát từng trường hợp thiếu nước một cách cụ thể trên tinh thần kịp thời, hiệu quả, bền vững; kêu gọi hỗ trợ, cùng với nguồn lực của tỉnh, quyết tâm không để người dân không có được nước sạch sinh hoạt trong mùa khô.

Các huyện thành lập ngay Ban Chỉ đạo phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn; chủ động phòng ngừa dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, kể cả trên người trong mùa nắng nóng, tình trạng thiếu nước sinh hoạt… Ngành chức năng chủ động, khuyến cáo để người dân đăng ký sản xuất giống lúa ngắn ngày ST 24 cho vụ mùa tới.

Thực hiện các ý kiến chỉ đạo trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng phương án ứng phó cho từng loại cây trồng, vật nuôi cụ thể. Đối với các trà lúa hiện nay, Sở chỉ đạo cơ quan chuyên môn hướng dẫn người dân biện pháp chăm sóc đồng ruộng trong điều kiện khô hạn; kiểm tra công trình đê, đập, bờ bao, cống, bọng… tuyệt đối không để nước mặn xâm nhập vào vùng ngọt hóa…

Đối với nghề nuôi trồng thủy sản, ngành Nông nghiệp và chính quyền các địa phương cần tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân thả giống đúng lịch; lưu ý không thả giống khi độ mặn trong ao lên cao trên 35‰ nên thả giống qua giai đoạn ươm có kích cỡ lớn để rút ngắn thời gian nuôi. 

Đối với công tác phòng chống cháy rừng, cơ quan chuyên môn đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật và các biện pháp kỹ thuật để phòng cháy chữa cháy rừng. Đặc biệt là cần kiểm tra phương án phòng chống cháy rừng của các đơn vị chủ rừng, UBND các xã, thành lập tổ đội quần chúng tham gia phòng cháy chữa cháy rừng tại cộng đồng dân cư nơi có rừng.

Cà Mau là tỉnh duy nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long không có nước ngọt bổ sung từ thượng nguồn sông Mê Kông, sản xuất chủ yếu lệ thuộc vào nguồn nước mưa. Do đó, mỗi khi bước vào mùa khô, tình trạng thiếu nước phục vụ sản xuất lại diễn ra, kéo theo nhiều hệ luỵ khác là sụt lún, sạt lở đất trên diện rộng, ảnh hưởng lớn đến đời sống, giao thương hàng hóa... của người dân trong vùng. 

Đây là vấn đề lớn và không chỉ riêng của tỉnh Cà Mau. Trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, các tình huống thiên tai sẽ diễn ra thường xuyên hơn. Tỉnh Cà Mau đã đề ra nhiều giải pháp đối phó, tuy nhiên đây vẫn là các giải pháp tình thế. Vì vậy, về lâu dài, tỉnh cần phối hợp với các ngành chức năng nghiên cứu, quy hoạch lại sản xuất cho phù hợp với diễn biến của khí hậu.

Theo TTXVN

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: