Hạn mặn sẽ đến sớm từ 1 đến 2 tháng ở một số tỉnh ĐBSCL

Đăng ngày: 10-12-2019 | Lượt xem: 1198
Hạn hán và xâm nhập mặn sẽ đến sớm hơn từ 1 đến 2 tháng tại một số tỉnh khu vực ĐBSCL, nhiều nơi xâm nhập mặn vào sâu từ 60-70 km.

Đây là một trong những nội dung được đưa ra tại Hội thảo Đối thoại quốc gia về hạn hán “Hành động sớm đối với loại hình thiên tai hạn hán, xâm nhập mặn các tỉnh phía Nam” do Tổng cục Phòng chống thiên tai chủ trì tổ chức tại TP. Cần Thơ hôm nay (10/12).

han man se den som tu 1 den 2 thang o mot so tinh dbscl hinh 1
Dự báo hạn hán và xâm nhập mặn đến sớm từ 1 đến 2 tháng tại một số tỉnh khu vực ĐBSCL.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, tổng lượng mưa từ tháng 6 đến tháng 10 tại khu vực thượng lưu sông Mê Công thấp hơn khoảng 35-40% so với trung bình hàng năm. Hiện tại, mực nước tại các trạm trên dòng chính của sông Mê Công ở mức thấp từ 0,5 đến 3 m.

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn nhận định, khả năng thiếu hụt nước về ĐBSCL khoảng 3,4 tỷ m3 từ tháng 12 năm nay đến tháng 2/2020. Như vậy, hạn hán và xâm nhập mặn ở ĐBSCL sẽ đến sớm và xảy ra ở các tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Hậu Giang, Long An và Kiên Giang. Cụ thể, Sông Vàm Cỏ xâm nhập từ 60-70km; các cửa sông Cửu Long xâm nhập từ 40-55km; Sông Cái Lớn xâm nhập từ 45-47km.

Tại Hội thảo, Viện Khoa học thủy lợi miền Nam nhận định, lũ về ĐBSCL giảm, khó có thể xảy ra lũ lớn, và trong tương lai 99% số năm chỉ có lũ vừa và nhỏ; quy luật mặn thay đổi so với các năm trước đây; dự báo mặn xâm nhập sớm hơn bình quân hàng năm từ 1 đến 2 tháng sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp sản xuất nông nghiệp và nước sinh hoạt của người dân.

Ông Nguyễn Trường Sơn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục phòng chống thiên tai cho biết, hạn hán, xâm nhập mặn lịch sử năm 2016 đã ảnh hưởng đến 18 tỉnh, thành phố Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và ĐBSCL; hơn 2 triệu người bị ảnh hưởng và hơn 500.000 hộ dân thiếu nước sạch, 277.000 ha lúa, hoa màu và gần 39.000 ha cây công nghiệp bị thiệt hại, thiệt hại về kinh tế trên 15.700 tỷ đồng.

Ông Sơn cũng cho rằng, theo dự báo thì tình trạng hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trong mùa khô 2019 - 2020 sẽ nghiêm trọng, xâm nhập mặn ở khu vực ĐBSCL sẽ đến sớm hơn so với trung bình nhiều năm. Vì vậy, cần phải chủ động điều chỉnh cơ cấu mùa, vụ, chuyển đổi sinh kế để thích ứng và đầu tư cơ sở hạ tầng để kiểm soát, ứng phó với loại hình thiên tai này.

"Tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn sẽ khốc liệt hơn, trước tình trạng chúng ta thấy rằng biến đổi khí hậu, nước biển dâng, sụt lún tại ĐBSCL và đặc biệt là việc kiểm soát nguồn nước của thủy điện của các quốc gia trên thượng nguồn, rất khó để chủ động được. Muốn giảm thiểu được mức độ bị động cần phải có hành động rất sớm", ông Sơn cho hay./.

Theo vov.vn

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: