Hàng nghìn tấn cam Hà Giang rụng la liệt, nông dân thiệt hại nặng nề

Đăng ngày: 14-02-2020 | Lượt xem: 1627
Theo báo cáo của Sở NN&PTNT tỉnh Hà Giang, huyện Bắc Quang và Quang Bình là 2 địa phương thiệt hại nặng nhất do cam rụng. Trong đó, huyện Bắc Quang là 7.000 tấn và huyện Quang Bình khoảng 1.200-1.300 tấn.

Ông Nguyễn Đức Vinh, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hà Giang, cho biết khoảng 1 tuần nay, cam ở huyện Bắc Quang và Quang Bình trên địa bàn đã bị rụng ồ ạt, gây thiệt hại lớn cho bà con. Sở đã kiểm tra và báo cáo khẩn với UBND tỉnh về tình hình này, đồng thời kiến nghị một số giải pháp hỗ trợ.

Theo báo cáo của Sở NN&PTNT tỉnh Hà Giang, huyện Bắc Quang và Quang Bình là 2 địa phương thiệt hại nặng nhất. Trong đó, huyện Bắc Quang là 7.000 tấn và huyện Quang Bình khoảng 1.200-1.300 tấn. Nhiều hợp tác xã và các nhà vườn thiệt hại khoảng 30-40%, thậm chí có vườn lên đến 70%.

 

ảnh 1

Hai huyện Bắc Quang và Quang Bình của tỉnh Hà Giang đã bị rụng khoảng 10.000 tấn cam (ảnh Giang Hiệp)

Qua kiểm tra thực địa, Sở NN&PTNT nhận thấy, tại vùng trồng cam sành của hợp tác xã Anh Tài, huyện Bắc Quang tỉ lệ rụng bình quân ước khoảng 41%. Đối với các vườn cam có độ tuổi 6 - 10 năm, tỉ lệ rụng bình quân là 30%, có vườn rụng đến 70%. Ước số lượng cam bị rụng của HTX này tương đương 590 tấn.

Tại vùng trồng cam sành của hợp tác xã cam VietGAP xã Vĩnh Hảo, huyện Bắc Quang tỉ lệ trung bình quân ước khoảng 40,3%, có vườn lên đến 70%, số lượng cam bị rụng tương đương 1.210 tấn...

 

ảnh 2

Nguyên nhân hàng đầu là do mưa lớn kéo dài đúng dịp cam đã chín mọng (ảnh Giang Hiệp)

“Trên cơ sở đi kiểm tra thực tế tại 4 vùng trồng cam và thông tin phản ánh của các tổ cam tại huyện Bắc Quang cho thấy, tỷ lệ cam sành bị rụng trên địa bàn huyện Bắc Quang tính đến thời điểm ngày 12/2/2020 ước khoảng 33,7%, và sẽ còn tiếp tục rụng trong những ngày tới”- báo cáo của Sở NN&PTNT Hà Giang nêu.

 

ảnh 3

Số lượng cam rụng quá lớn, người dân thu dọn không xuể nên chất đầy góc vườn (ảnh Giang Hiệp)

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Hà Giang, nguyên nhân hàng đầu là do mưa lớn kéo dài, đồng thời kèm theo có sương muối. Đáng nói, ngay mùng 1 Tết Nguyên đán còn có mưa đá. Việc thay đổi thời tiết đột ngột làm cho quả cam bị sốc nước, qua kiểm tra cho thấy một số quả trên cây bị rạn vỏ gây nấm mốc làm cam bị thối và rụng.

Ngoài ra, do sức mua giảm vì tạm đóng cửa biên giới, xe vận chuyển hàng hóa 2 chiều không có nên người dân để nhiều quả trên cây. Bên cạnh đó, một số vườn tự để quả bán muộn với mục đích được giá cao.

Sở NN&PTNT Hà Giang đề nghị UBND huyện Bắc Quang, Quang Bình chỉ đạo các chủ vườn khẩn trương dọn sạch toàn bộ số cam bị rụng và đào hố chôn xử lý bằng vôi và chế phẩm, sau đó vùi lấp kín để tránh ảnh hưởng đến môi trường. Thu hoạch theo hình thức tỉa quả theo cây để tránh gây áp lực về dinh dưỡng.

UBND huyện Bắc Quang, Quang Bình và Vị Xuyên rà soát, thống kê cụ thể các hộ bị thiệt hại để đề xuất hỗ trợ, khôi phục sản xuất theo Nghị định số 02/2017/NĐ-CP.

Chỉ đạo rà soát, thống kê số hộ đã được vay vốn có nhu cầu giãn nợ để tái sản xuất, các hộ bị thiệt hại nhưng chưa được vay vốn có nhu cầu vốn để đầu tư cho sản xuất cam sành năm 2020 báo cáo UBND tỉnh xem xét và chỉ đạo cụ thể.

Trước tình trạng cam của bà con bị rụng la liệt, gây thiệt hại lớn, UBND tỉnh Hà Giang vừa có văn bản gửi UBND huyện Bắc Quang, Quang Bình, và các Sở Công Thương, NN&PTNT, Tài chính tập trung tiêu thụ cam và xử lý cam bị rụng cho nông dân.

Theo đó, ông Nguyễn Minh Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang yêu cầu trực tiếp Chủ tịch UBND 2 huyện Bắc Quang và Quang Bình chịu trách nhiệm chủ động tìm kiếm thị trường và thực hiện các giải pháp để tiêu thụ sản phẩm cam cho người dân;

Riêng Chủ tịch UBND huyện Bắc Quang được giao trách nhiệm làm đầu mối tiêu thụ sản phẩm cam vào Vinmart tiếp tục đẩy mạnh giải pháp để tiêu thụ sản phẩm cam vào thị trường này.

Rà soát, tổng hợp chính xác diện tích, nguyên nhân cam bị rụng, trong đó cần làm rõ số lượng cam của những hộ tự có khả năng tiêu thụ, những hộ chờ đợi cam lên giá không cần đến sự hỗ trợ tiêu thụ của Nhà nước (để làm rõ trách nhiệm) gửi Sở NN&PTNT và Sở Công Thương trước ngày 25/2/2020.

Bên cạnh đó, lãnh đạo tỉnh Hà Giang cũng giao cho Sở Tài chính chủ trì phối hợp với Sở NN&PTNT, các cơ quan có liên quan thẩm định mức độ thiệt hại, nhu cầu kinh phí hỗ trợ; đề xuất UBND tỉnh nguồn kinh phí hỗ trợ theo quy định hiện hành.

Theo anninhthudo.vn

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: