Huyện Điện Biên: Sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng do nắng nóng kéo dài

Đăng ngày: 20-05-2019 | Lượt xem: 1135
Trước các diễn biến bất thường của thời tiết, đặc biệt là nắng nóng kéo dài đã tác động tiêu cực, gây thiệt hại đến sản xuất nông nghiệp của huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên.

Năm 2019, thời tiết của tỉnh Điện Biên nói chung và huyện Điện Biên nói riêng biến đổi thất thường, khác so với nhiều năm. Số ngày rét ít, số ngày nắng, giờ nắng nhiều với nền nhiệt độ cao hơn so cùng kỳ sản xuất vụ Đông xuân các năm trước, số ngày mưa, lượng mưa cũng ít, bắt đầu từ khoảng cuối tháng 3 và cực điểm vào đầu tháng 4/2019 kéo dài đến bây giờ. Trên địa bàn huyện Điện Biên liên tiếp xảy ra các đợt nắng nóng kéo dài, nhiệt độ cao, đã làm tình trạng khô hạn kéo dài, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện.

Nhiều diện tích lúa nước không phát triển được do nắng nóng, khô hạn kéo dài.
Nhiều diện tích lúa nước không phát triển được do nắng nóng, khô hạn kéo dài.

Ông Chu Văn Bách, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Điện Biên cho biết: Nhiều năm rồi không bị hạn nặng như năm nay, tình trạng này kéo dài đã dẫn đến năng suất, sản lượng cây trồng vụ xuân hè bị sụt giảm. Tính đến nay, diện tích lúa ruộng Đông xuân trên địa bàn huyện Điện Biên bị thiệt hại do thiếu nước tưới tổng là 209,3ha, trong đó 67,3ha bị thiệt hại 100% (mất trắng không có khả năng tận thu); diện tích bị thiệt hại 30-70% vẫn còn khả năng thu hoạch là 142ha (tại các xã: Thanh Nưa, Noong Hẹt, Thanh Chăn, Mường Phăng, Pá Khoang).

Do nắng nóng kéo dài nên các hộ dân chỉ thực hiện gieo được khoảng 960ha ngô nương, nhưng tỷ lệ nẩy mầm cũng thấp hơn so với mọi năm do không có mưa. Đến nay, cây đã sinh trưởng và cho bắp nhưng cho năng suất và sản lượng thấp, một số diện tích ngô dù trổ bắp nhưng ít hạt.

Bà Lò Thị Biên, bản Pa Lếch, xã Thanh chăn, huyện Điện Biên chia sẻ: Vì tròi nắng nóng kéo dài, lại không mưa nên vườn ngô của gia đình không thể hấp thụ được phân đạm, còi cọc, không thể trổ bắp, cháy sém từng đám. Trong một tuần tới, nếu trời mưa thì may ra có thể vớt vát, còn trời tiếp tục nắng nóng thì vụ ngô này coi như chịu lỗ.

Ngoài ra, các cây màu khác như cây lạc, đậu, đỗ các loại, cây sắn các hộ trên địa bàn huyện đã thực hiện trồng khoảng 65% diện tích toàn huyện (tương đương 1.895ha) cũng bị hiện tượng thối hom, không nẩy mầm do nắng nóng. Qua thống kê từ các xã, diện tích sắn bị thiệt hại khoảng 300ha, tập trung tại các xã có diện tích trồng sắn lớn như xã Núa Ngam, Hẹ Muông, Mường Nhà, Na Tông, Phu Luông, Mường Lói.   Nắng nóng cũng làm ảnh hưởng đến quá trình gieo trồng, năng suất, sản lượng và thu hoạch các loại rau nhưng chưa có thiệt hại lớn.

Cùng với đó, nắng nóng kéo dài đã gây ra 34 vụ cháy rừng trên địa bàn toàn huyện Điện Biên, làm cho 102,42ha rừng bị cháy trong đó: 58,36ha rừng phòng hộ, 44,06ha rừng sản xuất bị cháy.

Diện tích lúa tại xã Thanh An, huyện Điện Biên kém phát triển, năng suất thấp.
Diện tích lúa tại xã Thanh An, huyện Điện Biên kém phát triển, năng suất thấp.

Ông Chu Văn Bách cho biết: Để ứng phó với những tác hại do nắng nóng gây ra, UBND huyện đã chỉ đạo các xã cần theo dõi chặt chẽ bản tin dự báo, cảnh báo của các cơ quan chuyên ngành ở Trung Ương và Đài Khí tượng Thủy văn về diễn biến tình hình thời tiết, thông tin kịp thời đến người dân để có phương án điều chỉnh sản xuất phù hợp, kịp thời và cung cấp đủ nước cho cây trồng, nhất là khu vực có nguy cơ cao xảy ra cháy rừng. Tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng, biện pháp phòng, tránh nắng nóng cho người dân để chủ động ứng phó; tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao ý thức trách nhiệm trong công tác phòng, chống cháy nổ, sử dụng tiết kiệm điện nước, bảo vệ môi trường trên các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là các đài phát thanh cơ sở để người dân biết và thực hiện.

Bên cạnh đó, vận động người dân tiếp tục gieo trồng các loại cây rau màu với các diện tích đất có nước tưới.Phối hợp với Trạm Khuyến nông, Trạm Bảo vệ thực vật, Trạm Thú y huyện tổ chức kiểm tra, đánh giá chi tiết về tình hình, tiến độ sản xuất các cây trồng vụ xuân hè trên địa bàn toàn huyện, nhất là những khó khăn, tồn tại để đề xuất giải pháp giúp các địa phương khắc phục. Phòng NN&PTNT huyện cũng đã đã chỉ đạo UBND các xã kiểm tra, rà soát chính xác số liệu thiệt hại, hoàn thiện hồ sơ gửi theo quy định về phòng để thẩm định, tham mưu cho UBND huyện xem xét phương án hỗ trợ kịp thời cho người dân để người dân ổn định cuộc sống.

Theo Báo TN&MT

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: