Lũ qua sạt lở tới

Đăng ngày: 26-10-2023 | Lượt xem: 1259
Sau các trận mưa lũ vừa qua, các khu vực bờ sông Hương, sông Bồ đi qua các địa phương xuất hiện hàng chục điểm sạt lở. Các địa phương triển khai giải pháp an toàn trước mắt và đề xuất thi công các công trình ứng phó thiên tai.

Sạt lở khu vực Long Hồ Hạ 2, phường Hương Hồ, TP. Huế

Theo người dân xã Hương Thọ (TP. Huế), thời điểm mưa lớn cộng với việc điều tiết lũ, khiến sông Hữu Trạch (thượng nguồn sông Hương) nước rất lớn và chảy mạnh, đã làm sạt lở nhiều điểm qua các thôn La Khe Trẹm, Thạch Hàn, Hải Cát. Cụ thể, đợt mưa vừa qua đã làm xuất hiện 2 điểm sạt lở bờ sông ở thôn La Khe Trẹm, Thạch Hàn trên chiều dài khoảng 30m cuốn nhiều cây cối, đất đá rơi xuống sông. Sạt lở khu vực này làm nguy cơ mất ổn định bờ sông, ảnh hưởng đến diện tích đất sản xuất của người dân.

Ngoài ra, mưa lớn cũng làm sạt lở đập Hố Lấu, gây sụt trượt tuyến đường liên xã Hải Cát. Đặc biệt, trên tuyến đường này có 2 cầu Mụ Đúc, Mụ Dũ vốn xuống cấp nhiều năm, nay sạt lở thêm mố cầu gây mất an toàn giao thông trên tuyến.

Ông Lê Văn Thìn, Chủ tịch UBND xã Hương Thọ cho biết, hiện nay địa phương đã triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn như cắm biển báo, thông báo cho người dân và cấm phương tiện ô tô qua các cầu nhằm đảm bảo an toàn. Đối với các điểm sụt mố, xuống cấp 2 cây cầu thì UBND TP. Huế có chủ trương đầu tư xây dựng với tổng vốn khoảng 3,9 tỷ đồng. Về lâu dài, các điểm sạt lở cần có sự khảo sát, nghiên cứu đầu tư nhằm ổn định bờ sông, bảo vệ diện tích đất sản xuất.

Theo thống kê của Phòng Kinh tế TP. Huế, trên tuyến sông Hương về khu vực hạ nguồn, mưa lũ đã gây sạt lở hạ tầng, bờ sông, đường dân sinh hàng chục điểm thuộc các phường, xã Hương Hồ, Hương Long, Thủy Bằng (TP. Huế) gây thiệt hại khoảng 12 tỷ đồng, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của nhiều hộ gia đình sinh sống hai bên bờ sông.

Đơn cử, tuyến đường vào thôn La Khê (Thủy Bằng) sạt lở 4 đoạn khoảng 80m. Khu vực Long Hồ Thượng 2, Long Hồ Hạ 2 (phường Hương Hồ), sạt lở khu vực sông Hương, sông Bạch Yến trên tổng chiều dài khoảng 60m, có nơi ăn sâu vào khoảng 20m. Khu vực tổ dân phố Nham Biều, Lựu Bảo (phường Hương Hồ) sạt lở đất chiều dài khoảng gần 40m…

Ông Nguyễn Cửu Tổng (TDP Long Hồ Hạ 2, phường Hương Hồ) cho biết, sống ở đây nhiều năm nhưng chưa thấy năm nào khu vực sông Bạch Yến sạt lở mạnh như thế này. Trận mưa lớn giữa tháng 10 đã làm nước lũ từ thượng nguồn đổ về mạnh, bờ sông sạt lở, ăn sâu vào đất vườn trên chiều dài khoảng 50m, ngang 20m, nhiều cây ăn qua bị cuốn xuống sông. Với tốc độ sạt lở như hiện tại, về lâu dài sợ ảnh hưởng đến căn nhà của gia đình. Những ngày qua, gia đình huy động nhân lực khẩn trương đóng cọc tre, kè đá, đắp đất để gia cố tạm thời khu vực sạt lở cạnh nhà. Về lâu dài, gia đình đề xuất chính quyền có giải pháp nhằm đảm bảo an toàn.

UBND phường Hương Hồ cho biết, sau đợt mưa lớn vừa qua, địa phương này đã xuất hiện 7 điểm sạt lở ven sông Hương và sông Bạch Yến, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của nhiều hộ gia đình sinh sống hai bên bờ sông. Bên cạnh đó, còn nhiều điểm sạt lở đường dân sinh, cống, bờ kè… tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.

Ông Trần Đình Long, Phó Chủ tịch UBND phường Hương Hồ cho biết, hiện nay phường đã cử cán bộ đi kiểm tra, nắm tình hình và cắm bảng cảnh báo nguy hiểm tại các điểm sạt lở; kịp thời hỗ trợ người dân di dời tài sản, vận động người dân thực hiện các biện pháp gia cố, khắc phục tạm thời nhằm đảm bảo an toàn trước mắt. Địa phương cũng đã báo cáo UBND TP. Huế cùng các cơ quan chức năng để tiến hành khảo sát, đánh giá, và có hướng đầu tư lâu dài nhằm ứng phó thiên tai.

Theo thống kê của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, toàn tỉnh có gần 40 điểm sạt lở bờ sông với tổng chiều dài hơn 21km. Riêng đợt mưa lớn vừa qua, bờ sông Hương tiếp tục sạt lở với chiều dài khoảng 5 km; sông Bồ bị sạt lở đoạn qua thị xã Hương Trà, huyện Phong Điền, Quảng Điền với chiều dài khoảng 9,5km; các sông Ô Lâu, Bạch Yến, Bù Lu, Nước Ngọt, Phú Bài và sông Vực cũng bị sạt lở với tổng chiều dài hơn 5km.

Trong các năm qua bằng nhiều nguồn vốn của Trung ương, địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác trên địa bàn tỉnh, đã đầu tư khoảng hơn 80km kè bờ sông ứng phó sạt lở, trong đó sông Hương 30km; sông Bồ 26km; sông Ô Lâu 6,6km và một số sông khác trên địa bàn toàn tỉnh. Việc đầu tư các dự án chống xói lở bờ sông đã làm ổn định cuộc sống người dân, bảo vệ đất đai, cây cối, hoa màu và một số công trình cơ sở hạ tầng trên địa bàn toàn tỉnh.

Trong các năm 2021-2023, UBND tỉnh tiếp tục triển khai mộ số dự án kè chống sạt lở sông Huơng, sông Bồ, sông Ô Lâu, đi qua các địa phương. Đồng thời, đề xuất nguồn vốn xây dựng khoảng 60km kè bảo vệ bờ sông bị sạt lở trên địa bàn tỉnh với kinh phí khoảng 600 tỷ đồng, ưu tiên xử lý các đoạn sạt lở nặng trên sông Hương các đoạn qua TP. Huế (8km), sông Bồ (4km) với kinh phí khoảng 150 tỷ đồng.

Xuất hiện 10 điểm sạt lở bờ biển

Do ảnh hưởng liên tiếp của không khí lạnh tăng cường, bão số 4, tiếp tục bão số 5 gây mưa lũ, sóng cao, triều cường, đã làm bờ biển tại các khu vực đã sạt lở trước đây tiếp tục sạt lở nặng thêm. Trong đó, có một số khu vực nặng như bờ biển Phong Hải, Điền Hòa huyện Phong Điền sạt lở với chiều dài khoảng 1,5km; thôn Thái Dương Hạ Bắc, xã Hải Dương, TP. Huế với chiều dài khoảng 600m, ăn sâu vào bờ từ 3-5m và đoạn tiếp giáp gần chân kè giao thông đi lên phía Bắc với chiều dài 150m, ăn sâu vào bờ từ 3-5m. Sạt lở nặng bờ biển khu vực Phú Thuận, huyện Phú Vang với chiều dài khoảng 1,2km, ăn sâu vào bờ từ 5-7m có nơi hơn 15m.

Bài, ảnh: HÀ NGUYÊN

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/kinh-te/lu-qua-sat-lo-toi-134244.html

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: