Miền Trung khẩn trương cứu người bị nạn, lũ lớn ở Quảng Bình

Đăng ngày: 19-10-2020 | Lượt xem: 1461
Mưa lớn trong 2 ngày qua tại các tỉnh miền Trung, nước nước lũ trên các sông dâng cao, gây ngập nặng trên diện rộng.

Đến trưa nay, trong khi lũ trên các sông ở Thừa Thiên Huế, Quảng Trị đang xuống thì tại Quảng Bình, lũ tiếp tục dâng cao, gây ngập nặng toàn tỉnh.

 Đặc biệt, lũ trên sông Kiến Giang đã vượt mức lũ lịch sử năm 1979, hơn 70.000 ngôi nhà dân bị ngập nặng, có nhà ngập đến đến tận mái. Các tuyến giao thông ở Quảng Bình tê liệt, phương tiện qua lại trên các tuyến Quốc 1A và đường Hồ Chí Minh bị ách tắc.

Lũ lớn, nhiều nhà dân ở Quảng Bình ngập sâu từ 1-5 m.

Đến trưa nay, mực nước trên các sông ở Quảng Bình vượt báo động 3. Đặc biệt, lũ trên sông Kiến Giang, huyện Lệ Thủy đã vượt mức lũ lịch sử năm 1979 gần 1m. Toàn tỉnh hơn 70.000 ngôi nhà ngập chìm trong nước, nhiều nhà ngập sâu đến tận mái. 2 người thiệt mạng do lũ là Hoàng Văn Quân, (20 tuổi) và em trai Hoàng Văn Quý (16 tuổi) ở xã Thanh Thủy, huyện Lệ Thủy. Trên đường đi tránh lũ, không may thuyền bị lật khiến 2 anh em tử vong.

Ông Đặng Đại Tình, Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình cho biết, lũ đang lớn và diễn biến phức tạp: “Toàn huyện ngập 92% hộ dân bị ngập, bà con lên nóc máy nhà cả, một số hộ nhà bị trôi, bị ngập, bị sập rất nhiều hết sức khó khăn. Sáng nay, huyện đang tiếp tục cứu trợ, cứu hộ, cứu nạn để làm sao trong ngày hôm nay cố gắng di dời dân lên các vùng cao nhất. Hiện nay mực nước vẫn lên cao. Về việc 2 cháu bé bị mất, huyện đã chỉ đạo xã phối hợp với gia đình viếng đưa tang cháu, tiến hành thăm hỏi, động viên gia đình".

Lũ trên sông Kiến Giang vượt báo động 3 hơn 1 mét, nhấn chìm nhiều nhà dân ở huyện Lệ Thủy, Quảng Bình.

 Đến sáng nay, toàn bộ tuyến giao thông ở Quảng Bình bị tê liệt, các phương tiện không thể qua lại trên quốc lộ 1A; đoạn qua các huyện Lệ Thủy, huyện Quảng Ninh bị ngập sâu, có đoạn ngập cả mét. Tuyến đường Hồ Chí Minh bị sạt lở nhiều đoạn, trong đó ngập sâu tại khu dân cư Troóc, huyện Bố Trạch. Rạng sáng nay, cơ quan chức năng tỉnh Quảng Bình đã cứu được 18 người, trong đó có 5 phụ nữ và 1 trẻ em trên 1 chiếc xe khách bị lũ cuốn trôi, khi đến đoạn Ngầm Khe Gát, thuộc thị trấn Nông trường Việt Trung trên đường Hồ Chí Minh.

Nhà bị ngập, 2 cháu bé ở đội 3 Phan Xá, xã Xuân Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình phải lên mái nhà lánh nạn.

Ông Phạm Quang Hải, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Quảng Bình cho biết: “Hiện toàn bộ 100% tuyến đường ngập hết, bao gồm cả là Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh. Tất cả các tỉnh lộ và Quốc lộ đều tắc. Khu vực thành phố cũng bị ngập. Phương tiện tập trung cho ứng cứu nhưng cũng đi quanh thành phố chứ không thể đi lại được".

Tại tỉnh Quảng Trị, mưa lũ đã làm 56 người chết và mất tích. Hiện lũ trên các sông đang rút nhưng vẫn còn mức cao, tiếp tục gây ngập sâu ở các huyện vùng trũng. Đến trưa nay, tỉnh Quảng Trị vẫn còn 7 người đi làm rẫy ở xã Hướng Việt bị mất tích 3 ngày nay chưa tìm thấy. Trong khi đó, đường Hồ Chí Minh nhánh Tây đi qua các xã Hướng Phùng, Hướng Việt, huyện Hướng Hóa sạt lở nghiêm trọng. Đến nay, đã tìm thấy 19 thi thể cán bộ, chiến sĩ của Đoàn kinh tế Quốc phong 337 bị vùi lấp. Các thi thể được đưa về thành phố Đông Hà. Công tác tìm kiếm tại hiện trường vẫn tiếp tục.

Do mưa lũ dài ngày, lại mất điện trên diện rộng nên cuộc sống người dân vùng lũ Quảng Trị đang gặp khó khăn. Ông Hà Sĩ Đồng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, cùng một lúc xảy ra nhiều sự cố. Ở miền núi thì sạt lở đất, vùi lấp nhiều người, nhiều điểm; ở đồng bằng nhiều vùng ngập sâu nên tỉnh phải chia làm nhiều mũi để tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ và cứu trợ người dân: “Chúng tôi  khuyến cáo bà con không đi làm nương rẫy, vào những vùng nguy cơ sạt lở, cắm các biển báo. Đặc biệt, ở những vùng thấp, vùng trũng, chúng tôi tiếp tục di dời dân. Những vùng đang bị chia cắt, chúng tôi tiếp tục tiếp tế lương thực, thực phẩm, thuốc men".

 Tại tỉnh Quảng Nam, mưa lớn 2 ngày qua tiếp tục uy hiếp, gây sạt lở, chia cắt, ngập lụt các khu vực dân cư tại địa bàn các huyện vùng núi. Quốc lộ 14B đất đá tràn ra mặt đường, phương tiện đi lại khó khăn. Tại huyện miền núi cao Bắc Trà My, tắc đường đoạn qua xã Trà Sơn bị ngập sâu 1,5 m. Còn tại huyện miền núi cao Tây Giang, tuyến đường ĐT606, tuyến ĐH1 từ xã Tr’hy-Axan sáng nay tiếp tục sạt lở, có điểm sạt lở với khối lượng khoảng 50.000 m3 đất đá.

Ông Lê Hoàng Linh, Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang cho biết, đã di dời khẩn cấp 18 ngôi nhà tại huyện nằm trong vùng có nguy hiểm. Theo ông Lê Hoàng Linh, hiện nay có hơn 1.000 hộ dân ở 3 xã Ga Ri, Ch’Om, A Xan bị cô lập vì tuyến đường lên các xã này bị sạt lở, chỉ có thể đi bộ qua: “Hiện nay, các đường giao thông trục chính bị sạt lở, di chuyển hết sức vất vả vì sạt lở nhiều điểm, nhiều tuyến, may ra chỉ có thể đi bộ. Hiện nay, huyện đang chỉ đạo trong ngày nay và ngày mai chở 30 tấn gạo, 1 tấn muối, nửa tấn cá khô và các nhu yếu phẩm khác để dự trữ trong trường hợp bị ách tắc giao thông nhiều ngày"./.

Theo vov.vn

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: