Một người chết, gần 28.000 nhà dân bị hư hỏng do thiên tai từ đầu năm 2020

Đăng ngày: 30-03-2020 | Lượt xem: 1338
Chiều tối 29/3, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng chống thiên tai đã có công văn gửi UBND các tỉnh, TP khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ (bao gồm cả Hà Nội) đề nghị chủ động các giải pháp ứng phó mưa dông, lốc sét, mưa đá.
Theo Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng chống thiên tai, từ đầu năm 2020 đến nay, tình hình thiên tai diễn biến rất phức tạp, bất thường, đặc biệt là hiện tượng dông lốc, sét, mưa đá ở các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.
Mưa đá xảy ra tại các tỉnh phía Bắc trong dịp Tết Canh Tý.
Thống kê cho thấy, đã xảy ra 4 đợt dông lốc, sét, mưa đá tại 15 tỉnh, TP làm 1 người chết (do sét đánh), 1.130 nhà sập, 27.878 nhà bị thủng, tốc mái, 4.969ha lúa và hoa màu bị hư hỏng. Trong đó thiệt hại nặng nề nhất tại các tỉnh Bắc Kạn, Cao Bằng, Lạng Sơn vào đêm 30 rạng sáng mùng 1 Tết Nguyên đán Canh Tý 2020.
Bản tin thời tiết của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia nhận định, từ nay đến 7/4/2020, khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có khả năng xảy ra mưa to đến rất to và dông, trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Nhằm chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại, Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng chống thiên tai đề nghị các tỉnh, TP theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo thiên tai, thời tiết để thông báo, hướng dẫn kịp thời, thường xuyên cho các cấp chính quyền, Nhân dân chủ động phòng tránh trong những ngày tới.
Tổ chức kiểm tra rà soát nơi ở an toàn của người dân nhất là những khu vực nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất. Sẵn sàng các phương án để chủ động ứng phó khi có tình huống, đặc biệt là bố trí lực lượng xung kích, vật tư phương tiện tại chỗ triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho nhân dân và tổ chức khắc phục hậu quả được nhanh chóng, kịp thời hiệu quả.
Chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với cơ quan thông tin truyền thông, nhất là tuyến thông tin cơ sở tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phổ biến hướng dẫn Nhân dân cách nhận biết, kỹ năng ứng phó lũ quét, sạt lở đất và dông, lốc, sét kèm theo mưa đá như: Gia cố, bảo vệ mái nhà dùng vật liệu dễ bị tốc, vỡ (proximăng, ngói); xem xét việc thu hoạch sớm, hoặc che chắn bảo vệ rau màu, cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện cụ thể tại địa phương để giảm thiểu thiệt hại.
Đối với các khu vực đã xảy ra dông, lốc, sét, mưa đá trong thời gian vừa qua cần tập trung huy động các nguồn lực khẩn trương khắc phục hậu quả giúp dân khôi phục sản xuất và ổn định đời sống.
Theo kinhtedothi.vn
  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: