Mưa lũ cục bộ, nhiều tỉnh miền núi phía Bắc thiệt hại nặng

Đăng ngày: 30-05-2019 | Lượt xem: 909
Mùa mưa lũ lại đến, nỗi lo sợ bị lũ cuốn trôi, vùi lấp… đè nặng lên tâm trí mỗi người dân miền núi phía Bắc. Tại nhiều địa phương, một số người dân vẫn đang sống trong vùng nguy hiểm và cần được di dời khẩn cấp.

Nhiều ngôi nhà của người dân ở Hà Giang bị hỏng hoàn toàn do thiên tai. Ảnh: N.L

Mưa lũ đầu mùa khiến 6 người chết và bị thương

Theo báo cáo nhanh ngày 29/5 của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, những ngày qua, mưa lớn gây thiệt hại về người, tài sản và sản xuất tại một số tỉnh miền núi phía Bắc.

Tại Hà Giang, mưa lớn trên địa bàn các huyện Xín Mần, Hoàng Su Phì, Bắc Mê, Quang Bình, Mèo Vạc vào sáng 27/5 đã làm 4 người bị thương, hư hại 34 nhà; 8.760m3 đất đá đường giao thông bị sạt lở. Ước tính tổng thiệt hại khoảng 2,3 tỷ đồng.

Ở tỉnh Cao Bằng, mưa lớn trên địa bàn các huyện Nguyên Bình, Trùng Khánh, Bảo Lâm làm một người chết; ngập nước 14 nhà và 155ha lúa; một số tuyến đường giao thông liên thôn, liên xã bị sạt lở.

Trong khi đó tại Yên Bái, mưa to kèm lốc xoáy trong đêm 28/5 đã khiến một người chết, 47 ngôi nhà bị tốc mái, 4 công ty bị tốc mái nhà xưởng. Nạn nhân tử vong được xác định là ông Hoàng Văn Ngọc (SN 1967, dân tộc Tày, trú tại thôn Bồ 3, xã Chấn Thịnh, huyện Văn Chấn). Ông Ngọc bị lũ cuốn trôi tại suối Khe Liếng thuộc địa bàn xã Chấn Thịnh.

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia đưa ra cảnh báo, từ 31/5 đến ngày 2/6 có khả năng xuất hiện trở lại một đợt mưa lớn diện rộng ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Trên nền mưa lớn trong những ngày qua và mưa lớn có khả năng xảy ra trong 2-4 ngày tới, lũ quét, sạt lở đất tiếp tục có khả năng rất cao xảy ra ở vùng núi phía Bắc.

Chủ động ứng phó với diễn biến mưa lũ bất thường

Để chủ động ứng phó với diễn biến mưa lũ bất thường, cực đoan có thể sẽ xảy ra, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai vừa có văn bản đề nghị các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa, lũ, lũ quét, sạt lở đất để chủ động ứng phó.

Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai đề nghị Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh kiểm tra, rà soát nhà ở không an toàn, các khu dân cư ở ven sông, suối, hạ lưu các hồ, đập, vùng trũng thấp, vùng ven sông suối, ngoài bãi sông, khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ quét để chủ động sơ tán dân đến nơi an toàn.

Đồng thời, tổ chức tuần tra kiểm tra, canh gác các công trình phòng, chống thiên tai, đê điều, hồ chứa, công trình đang thi công. Kiểm soát, hướng dẫn giao thông tại các khu vực bị ngập, sạt lở; Duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu. Đối với các tỉnh biên giới, cần theo dõi chặt chẽ tình hình mưa lũ phía thượng nguồn để chủ động các biện pháp đảm bảo an toàn cho người và tài sản.

Bên cạnh đó, chỉ đạo đài truyền hình, hệ thống đài truyền thanh và các cơ quan thông tấn, báo chí địa phương tăng cường thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn kĩ năng ứng phó tới chính quyền các cấp cơ sở, cộng đồng, người dân về diễn biến mưa, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất trên cơ sở các ấn phẩm, tài liệu tuyên truyền do Ban Chỉ đạo gửi về các địa phương.

Cần sớm di dời người dân ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở

Sau những vụ lũ quét, sạt lở khiến nhiều người chết và mất tích, người dân tại một số tỉnh miền núi luôn sống trong tâm lý lo sợ khi mùa mưa bão về. Đơn cử như tại bản Pa Xa Xá (xã Pa Thơm, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên), 62 hộ dân với gần 300 nhân khâu đang phải sống cạnh những vách núi cao hàng chục mét, đe dọa tài sản tính mạng của bà con nơi đây.

Ông Lò Văn Tô (người dân bản Pa Xa Xá) chia sẻ: “Vài năm trở lại đây, mỗi khi mùa mưa lũ đến, gia đình tôi và người dân trong bản luôn sống trong lo âu, sợ hãi vì đá có thể lăn xuống bất cứ lúc nào. Cách đây khoảng 3 năm, trong một đêm khi cả nhà đang ngủ, đá lắn từ trên núi xuống lao thẳng nhà tôi khiến một cột nhà bị trượt ra khỏi trụ. Cũng may là cả gia đình không sao. Đến bây giờ, cứ mỗi khi trời mưa lớn, kéo dài cả gia đình lại sơ tán sang UBND xã hay Đồn Biên phòng để lánh tạm”.

Theo chân ông Lò Văn Sinh, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự xã Pa Thơm đến khu vực thường xuyên xảy ra đá lăn, chúng tôi ghi nhận tại hiện trường vẫn còn rất nhiều tảng đá có kích thước lớn, có nguy cơ sạt trượt bất cứ lúc nào. Trong khi đó, toàn bộ 62 hộ dân bản Pa Xa Xá nằm trọn trong cung sạt lở, đá lăn.

Ông Quàng Văn Biên - Phó Chủ tịch UBND xã Pa Thơm cho biết: “Việc di chuyển người dân ở bản Pa Xa Xá là cấp thiết để bảo đảm an toàn tài sản, tính mạng cho bà con. Tuy nhiên đến nay, người dân vẫn chưa di chuyển đến nơi an toàn vì dân bản Pa Xa Xá chỉ đồng ý di dời đến ở khu vực đồi Phắc Ven cho gần trung tâm xã lại thuận tiện nhiều mặt như con em đi học gần, không xa diện tích canh tác sản xuất cũ. Hiện địa phương đang bàn bạc để có phương án cụ thể”.

Hạn chế tối đa hậu quả từ thiên tai bão lũ

Theo thống kê, riêng năm 2018 đã có 9 cơn bão và 4 áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng đến nước ta, trong đó có 5 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp tới các vùng đất liền Việt Nam. Thiệt hại do thiên tai trong năm 2018 cả nước là hơn 20.000 tỷ đồng; đối với mạng lưới của VNPT là khoảng 79 tỷ đồng. Để chuẩn bị tốt nhất công tác phòng chống thiên tai, bão lũ năm 2019, VNPT đang tiến hành kiểm tra bảo dưỡng củng cố mạng lưới các thiết bị mạng đảm bảo an toàn các tuyến trục quốc gia, quốc tế; Sẵn sàng cơ chế chính sách và truyền thông kịp thời đảm bảo quyền lợi khách hàng trong vùng thiên tai…
 

Theo giadinh.net.vn

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: