Mưa to đến rất to, Đà Nẵng ban hành công điện ứng phó áp thấp nhiệt đới, ngập úng

Đăng ngày: 25-09-2023 | Lượt xem: 1275
Lúc 7 giờ ngày 25-9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 15,2 độ vĩ bắc,110,6 độ kinh đông, cách Đà Nẵng khoảng 300km về phía đông, đông nam với sức gió mạnh nhất cấp 6, giật cấp 8 và đã gây mưa to có nơi mưa rất to trên địa bàn thành phố.

Đêm 24-9, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự thành phố Đà Nẵng ban hành Công điện số 05/CĐ-PCTT đề nghị các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) và ngập úng, lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Họa đồ vị trí và hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới. (Nguồn: Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia).

Họa đồ vị trí và hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới. (Nguồn: Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia).

Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn Trung Trung Bộ, trong 24 giờ tới, ATNĐ di chuyển theo hướng tây với tốc độ 10-15km/giờ. Đến 4 giờ ngày 26-9, vị trí tâm ATNĐ ở vào khoảng 15,6 độ vĩ bắc, 108,9 độ kinh đông, ngay trên vùng biển từ Đà Nẵng đến Quảng Ngãi với sức gió mạnh nhất cấp 6-7, giật cấp 9.

Vùng nguy hiểm trên biển trong 24 giờ tới là từ 13-17,5 độ vĩ bắc, phía tây kinh tuyến 113 độ kinh đông.

Sau đó, ATNĐ đổi hướng di chuyển theo hướng tây tây bắc với tốc độ 10-15km/giờ. Đến 4 giờ ngày 27-9, vị trí tâm ATNĐ ở vào khoảng 16,2 độ vĩ bắc, 106,2 độ kinh đông và suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực Nam Lào.

Do ảnh hưởng của ATNĐ, khu vực phía tây nam của vùng biển Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa), vùng biển phía tây bắc của khu vực giữa Biển Đông có mưa rào và dông mạnh, gió mạnh cấp 6, sau tăng lên cấp 7, giật cấp 9, biển động mạnh.

Vùng biển Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau có gió tây nam mạnh cấp 6, giật cấp 7-8, biển động.

Từ chiều ngày 25-9, vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi (bao gồm cả huyện đảo Cồn Cỏ, Lý Sơn và huyện đảo Cù Lao Chàm) gió mạnh dần lên cấp 6-7, giật cấp 9, biển động mạnh. Từ chiều tối 25-9, ở Vịnh Bắc Bộ gió mạnh dần lên cấp 6, giật cấp 7-8, biển động.

Trong khoảng từ tối 25-9 đến sáng 26-9, vùng ven biển từ Quảng Trị đến Quảng Nam và phía bắc của Quảng Ngãi cần đề phòng có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8; sâu trong đất liền có gió giật cấp 6-7.

Khu vực phía tây nam của vùng biển Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) và vùng biển phía tây bắc của khu vực giữa Biển Đông có sóng biển cao 2-4m.

Từ ngày 25-9 đến ngày 27-9, ở khu vực Trung Trung Bộ có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến từ 100-300mm, có nơi trên 350mm.

Trên địa bàn thành phố thành phố đã có mưa to đến rất to trong sáng 25-9. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Trên địa bàn thành phố thành phố đã có mưa to đến rất to trong sáng 25-9. Ảnh: HOÀNG HIỆP

* Để chủ động đối phó với diễn biến của ATNĐ và mưa lớn, ngập lụt, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự thành phố Đà Nẵng đề nghị Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố và Đài Thông tin duyên hải Đà Nẵng thông báo kịp thời cho các chủ phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của ATNĐ để chủ động phòng tránh, thoát ra khỏi hoặc không đi vào khu vực nguy hiểm; kêu gọi tàu thuyền khẩn trương vào bờ hoặc tìm nơi trú ẩn an toàn.

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố Đà Nẵng chủ động quản lý tàu thuyền ra khơi theo quy định; quản lý chặt chẽ và giữ thông tin liên lạc với các tàu thuyền, phương tiện đang hoạt động trên biển, những tàu thuyền đang hoạt động ven bờ và đang neo đậu tại các bến để kịp thời tổ chức ứng cứu khi cần thiết; phối hợp với lực lượng cảnh sát giao thông đường thủy, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hướng dẫn sắp xếp tàu thuyền neo đậu an toàn tại khu trú tránh bão âu thuyền Thọ Quang và tại các điểm neo đậu tránh, trú bão.

Âu thuyền Thọ Quang đang chuẩn bị đón nhiều tàu, thuyền vào tránh, trú gió mạnh. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Âu thuyền Thọ Quang đang chuẩn bị đón nhiều tàu, thuyền vào tránh, trú gió mạnh. Ảnh: HOÀNG HIỆP

UBND các quận, huyện triển khai phương án phòng, chống ATNĐ, lũ, lũ quét và sạt lở đất; rà soát, sẵn sàng triển khai phương án sơ tán nhân dân theo phương án đã được phê duyệt, lưu ý các khu dân cư đang sống ở những vùng trũng, thấp, vùng ven sông suối, vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét, đặc biệt chú ý nhân dân tại ven sông Yên, Túy Loan, Cu Đê (các xã Hòa Tiến, Hòa Khương, Hòa Bắc, Hòa Liên, Hòa Phú, Hòa Phong, Hòa Sơn), khu vực nam Hải Vân và bán đảo Sơn Trà; tổ chức chốt chặn tại các tuyến đường ngập sâu theo phân cấp quản lý; chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, vật tư, trang thiết bị, nhu yếu phẩm cần thiết theo phương châm “4 tại chỗ”.

Các đơn vị lực lượng vũ trang, UBND các quận, huyện, các sở, ban, ngành kiểm tra, rà soát các khu dân cư, trụ sở cơ quan, nơi làm việc, nơi đóng quân của các đơn vị, tổ chức đánh giá các khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất đá, đồi núi, lũ quét chủ động sơ tán đến nơi an toàn.

Một đoạn đường trong khu dân cư ở phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà bị ngập cục bộ do mưa to. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Một đoạn đường trong khu dân cư ở phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà bị ngập cục bộ do mưa to. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Sở Xây dựng phối hợp UBND các quận, huyện và các đơn vị liên quan chỉ đạo triển khai phương án phòng, chống ngập úng đô thị, khơi thông cống rãnh thoát nước.

Các sở chỉ đạo các chủ đầu tư, ban quản lý dự án đầu tư xây dựng khẩn trương triển khai các biện pháp phòng chống ngập úng do mưa lớn cho công trình và các khu dân cư do công trình đang thi công dở dang.

Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Đà Nẵng tổ chức kiểm tra bảo đảm an toàn các hồ chứa, đặc biệt lưu ý hai hồ chứa Hòa Trung và Đồng Nghệ; vận hành hồ chứa theo đúng quy trình và phương án phòng chống thiên tai đã được phê duyệt; phối hợp với các địa phương thường xuyên kiểm tra, ngăn chặn không cho người dân và phương tiện đi lại trong hồ và tràn xả lũ.

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự các quận, huyện theo dõi chặt chẽ diễn biến của áp thấp nhiệt đới, tin cảnh báo mưa, lũ quét, sạt lở đất để chủ động xử lý các tình huống có thể xảy ra…

Một đoạn đường Vân Đồn vẫn bị ngập dù các cửa thu nước mưa đã được nạo vét những ngày qua. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Một đoạn đường Vân Đồn vẫn bị ngập dù các cửa thu nước mưa đã được nạo vét những ngày qua. Ảnh: HOÀNG HIỆP

HOÀNG HIỆP

Nguồn Đà Nẵng: http://www.baodanang.vn/xa-hoi/202309/mua-to-den-rat-to-da-nang-ban-hanh-cong-dien-ung-pho-ap-thap-nhiet-doi-ngap-ung-3956424/

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: