Mưa trắng trời, miền Trung triển khai hàng loạt biện pháp khẩn để ứng phó

Đăng ngày: 17-10-2023 | Lượt xem: 694
Hiện nay thời tiết khu vực Trung Trung Bộ chuyển biến xấu, đêm 16 và rạng sáng 17/10, những cơn mưa rất to tiếp tục đổ xuống địa bàn các tỉnh, thành phố: Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng Quảng Nam, Quảng Ngãi…
Do thời tiết chuyển biến xấu, sáng sớm ngày 17/10, Sở GDĐT thành phố Đà Nẵng phát thông báo khẩn cho trẻ mầm non, học sinh tiếp tục nghỉ học đến khi thông báo mới – Ảnh: VGP/Thế Phong

Do thời tiết chuyển biến xấu, sáng sớm ngày 17/10, Sở GDĐT thành phố Đà Nẵng phát thông báo khẩn cho trẻ mầm non, học sinh tiếp tục nghỉ học đến khi thông báo mới – Ảnh: VGP/Thế Phong

Theo Đài Khí tượng thủy văn khu vực Trung Trung Bộ, hiện nay, trên vùng biển ngoài khơi Trung Trung Bộ đang tồn tại vùng áp thấp kèm theo mưa. Dự báo trong 24 giờ tới, vùng áp thấp di chuyển theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được 5-10 km và có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới. Đến 4h ngày 18/10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 16,4 độ Vĩ Bắc; 109,2 độ Kinh Đông, trên vùng biển ngoài khơi Trung Trung Bộ. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (39-49 km/giờ), giật cấp 8. Sóng biển cao từ 2-3 m.

Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh cấp 6, giật từ cấp 8): Từ vĩ tuyến 13,5 đến 18,0 độ Vĩ Bắc; phía tây kinh tuyến 112,5 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh và sóng lớn. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp 3.

Đà Nẵng tiếp tục cho học sinh nghỉ học

Do thời tiết chuyển biến xấu, sáng sớm ngày 17/10, Sở GDĐT thành phố Đà Nẵng phát thông báo khẩn cho trẻ mầm non, học sinh tiếp tục nghỉ học đến khi thông báo mới. Trường Chính trị thành phố Đà Nẵng và một số cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng cũng vừa thông báo cho học viên, sinh viên nghỉ học trong ngày 17/10.

Để chủ động ứng phó với thiên tai, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự thành phố Đà Nẵng đề nghị lãnh đạo các sở, ngành, Chủ tịch UBND các quận, huyện tiếp tục theo dõi các bản tin thời tiết, chú ý đề phòng mưa lũ lớn, tiếp tục rà soát các khu dân cư đang sống ở những vùng trũng, thấp, vùng ven sông suối, vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét.

Sẵn sàng triển khai phương án phòng, chống mưa lớn, ngập lụt, lũ quét và sạt lở đất; triển khai phương án sơ tán người dân, nhất là tại các khu vực trọng điểm, xung yếu, thường xuyên xảy ra ngập lụt, sạt lở đất…; quản lý chặt chẽ, ngăn chặn người dân và phương tiện đi lại, du lịch tự phát, đánh bắt thủy sản trên sông, suối, ao, hồ, tại các vùng trũng thấp, ngập lũ, qua ngầm tràn, rừng, núi và các khu vực có nguy cơ sạt lở, nguy hiểm; quản lý và bảo vệ trẻ em trong những ngày mưa lũ để đảm bảo an toàn.

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố Đà Nẵng, Đài Thông tin Duyên hải Đà Nẵng thông báo kịp thời cho các chủ phương tiện, tàu thuyền còn đang hoạt động trên biển biết tin về vùng áp thấp để chủ động phòng tránh, không đi vào khu vực nguy hiểm.

Nước lũ ngập một số tuyến đường trên địa bàn Quảng Nam – Ảnh: VGP/Thế Phong

Nước lũ ngập một số tuyến đường trên địa bàn Quảng Nam – Ảnh: VGP/Thế Phong

Quảng Nam công bố danh sách đường dây nóng cứu hộ cứu nạn

Ông Phạm Viết Tích, Phó Trưởng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Quảng Nam cho biết, để chủ động ứng phó với diễn biến của vùng áp thấp có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới, Ban Chỉ huy đã có công điện đề nghị Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Sở NN&PTNT, các huyện, thị xã, thành phố ven biển theo dõi chặt chẽ diễn biến của vùng áp thấp.

Yêu cầu các địa phương quản lý chặt chẽ các phương tiện ra khơi; tổ chức kiểm đếm, thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của vùng áp thấp để chủ động phòng tránh.

Chủ động tổ chức công tác đảm bảo an toàn tàu thuyền (bao gồm ghe thuyền các xã bãi ngang ven biển, hoạt động gần bờ, tàu du lịch,…), các biện pháp đảm bảo an toàn cho người và tài sản của nhân dân vùng ven biển, trên đảo, trên các lồng bè và khu vực nuôi trồng thủy, hải sản; các tàu vận tải, hoạt động du lịch trên các đảo và ven biển. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để kịp thời xử lý khi có tình huống.

Tỉnh Quảng Nam cũng công bố danh sách đường dây nóng của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN cấp huyện, cấp xã trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh. Khi cần sự hỗ trợ khẩn cấp trong công tác ứng phó với thiên tai, mưa lũ, cứu nạn, cứu hộ, người dân hãy gọi đến các số điện thoại của thành viên Ban Chỉ huy PCTT&TKCN cấp huyện, cấp xã tại địa phương nơi mình đang có mặt để được giúp đỡ.

Ông Trương Xuân Tý, Chánh văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh cho biết, từ chiều nay (17/10) đến ngày 19/10, các sông trên địa bàn tỉnh Quảng Nam khả năng xuất hiện một đợt lũ. Trong đợt lũ này, biên độ lũ lên ở thượng lưu đạt từ 3,0 – 5,0 m, hạ lưu đạt từ 1,0 – 2,5 m. Đỉnh lũ trên sông Vu Gia ở mức báo động (BĐ) 1 đến dưới BĐ2, sông Thu Bồn ở mức BĐ1 đến dưới BĐ2, sông Tam Kỳ ở mức BĐ1 đến BĐ2.

Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực miền núi; ngập úng tại các vùng thấp trũng ven sông và các khu tập trung đông dân cư.

Thừa Thiên Huế xả điều tiết hồ Bình Điền, Tả Trạch để đón các đợt lũ tới

Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết từ chiều tối ngày 17/10 đến sáng ngày 18/10, các huyện ven biển gồm Phú Lộc, Phú Vang, Quảng Điền và vùng ven biển của thành phố Huế có gió giật cấp 4-5.

Từ ngày 17/10 đến ngày 18/10 trên vùng biển và vùng biển ngoài khơi tỉnh Thừa Thiên Huế có gió mạnh cấp 5, vùng gần tâm vùng thấp (sau mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới) có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7-8; biển động. Sóng biển cao 2-3 m. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do gió mạnh, sóng lớn trên biển: Cấp 3.

Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trên vùng biển của tỉnh Thừa Thiên Huế đều có nguy cơ chịu tác động của mưa dông, gió mạnh, sóng lớn do ảnh hưởng của vùng thấp (sau mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới) này.

Theo thông tin dự báo của Đài KTTV tỉnh từ ngày 17-18/10 trên địa bàn tỉnh có mưa to đến rất to, lượng mưa phổ biến từ 100-250 mm có nơi trên 350 mm.

Để chuẩn bị sẵn sàng đón các trận lũ trong thời gian tới, Trưởng Ban Ban chỉ huy PCTT&TKCN lệnh vận hành điều tiết hồ chứa thủy điện Bình Điền qua tràn và tuabin với lưu lượng tăng dần, tránh đột biến khoảng từ 70 – 200 m3/s. Điều chỉnh vận hành tùy theo tình hình lưu lượng thực tế đến hồ. Thời gian bắt đầu tăng dần lưu lượng: Lúc 13h ngày 17/10.

Trước đó, chiều 16/10, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên Huế chỉ đạo vận hành điều tiết hồ chứa nước Tả Trạch qua tràn xả sâu và tuabin với lưu lượng tăng dần, tránh đột biến khoảng từ 180 – 280 m3/s. Điều chỉnh vận hành tùy theo tình hình lưu lượng thực tế đến hồ. Thời gian bắt đầu tăng dần lưu lượng từ 15h ngày 16/10.

Ông Nguyễn Đình Đức, Phó Trưởng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên Huế cho hay, tỉnh vừa ban hành công điên ứng phó với vùng áp thấp, mưa lớn, gây ngập lũ. Theo đó, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN yêu cầu Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, Cảng vụ Hàng hải Thừa Thiên Huế, Chi cục Thủy sản, Đài Thông tin duyên hải Huế tăng cường thời lượng thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của vùng áp thấp để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm; hướng dẫn bảo đảm an toàn cho tàu thuyền, phương tiện hoạt động trên biển và tại nơi neo đậu tránh trú (bao gồm cả tàu cá, tàu vận tải, tàu du lịch).

UBND các huyện, thị xã và thành phố Huế triển khai công tác ứng phó với vùng áp thấp, mưa lớn, phân công lãnh đạo xuống các địa bàn trọng điểm để trực tiếp chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra công tác ứng phó tại cơ sở; rà soát kiên quyết sơ tán người dân tại những nơi nguy hiểm, nhất là khu vực ven biển, cửa sông, ven phá, trên lồng bè, chòi canh nuôi thủy hải sản, khu dân cư có nguy cơ bị ảnh hưởng của gió mạnh, sóng lớn, khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ quét, ngập lụt (chú ý ưu tiên sơ tán trước các đối tượng dễ bị tổn thương, phụ nữ mang thai, người già yếu,…); triển khai phương án ứng phó mưa lũ tại cấp xã theo phương châm 4 tại chỗ.

Sở Giao thông Vận tải kiểm tra chỉ đạo các nhà thầu thi công có phương án đảm bảo an toàn cho các công trình đang thi công: Cầu Nguyễn Hoàng, cầu cửa Thuận An, đê chắn sóng cảng Chân Mây…, triển khai phương án chống va trôi tàu thuyền, sà lan đang thi công ảnh hưởng đến an toàn các công trình cầu đường bộ, đường sắt xung yếu trên địa bàn tỉnh.

Theo baochinhphu.vn

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/xa-hoi/617943-mua-trang-troi-mien-trung-trien-khai-hang-loat-bien-phap-khan-de-ung-pho.html

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: