Nâng cấp hạ tầng, chủ động ứng phó thiên tai

Đăng ngày: 03-06-2022 | Lượt xem: 1736
Trong 3 năm gần đây (2019 - 2021), Hà Nội thường xuyên phải hứng chịu các loại hình thiên tai, gây ảnh hưởng lớn đến đời sống và sản xuất của người dân.

Từ đầu năm 2022 đến nay, thời tiết tiếp tục diễn biến bất thường. Với nhận định mùa mưa lũ có khả năng đến sớm, việc chủ động công tác ứng phó là đòi hỏi đặt ra cấp thiết.

Kè Sơn Tây, kè Linh Chiểu được xây dựng kiên cố ven sông Hồng góp phần tăng cường năng lực chống lũ, bảo vệ vùng Thủ đô. Ảnh: Lâm Nguyễn

Không thể chủ quan trước thiên tai

Mùa mưa lũ năm 2021, Hà Nội chịu tác động của 5 cơn bão - nhiều nhất trong 3 năm gần nhất; cùng với đó là một số trận mưa lớn, dông lốc sét, sạt lở đất. Thống kê của Chi cục Phòng, chống thiên tai Hà Nội cho biết, các loại hình thiên tai đã khiến 3 người bị chết, gần 100 công trình (nhà ở, trường học, công sở...) bị thiệt hại.

Nông nghiệp cũng chịu ảnh hưởng nghiêm trọng trong mùa mưa bão năm 2021, khi có hơn 400ha lúa của bà con nông dân bị ngập và 800ha rau màu bị mất trắng. Cùng với đó, 1.000 cây xanh cũng đã gãy đổ, và khoảng 120ha nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại. Ước tính thiệt hại về kinh tế khoảng 94 tỷ đồng.

Đáng chú ý, bên cạnh thiệt hại về công trình hạ tầng và sản xuất nông nghiệp, thiên tai năm 2021 còn gây ra 40 sự cố về đê, kè, cống qua đê và sạt lở bờ sông. Bên cạnh đó là rất nhiều sự cố sạt lở mái kênh dẫn, sụt đáy cống, sạt mái bể hút trạm bơm, hoặc vỡ bể xả công trình thủy lợi…

Trước đó, vào các năm 2019 - 2020, trung bình mỗi năm Hà Nội cũng phải hứng chịu ảnh hưởng của 3 cơn bão và hoàn lưu sau bão. Các đợt mưa lớn trong bão đã khiến hàng chục ngàn héc-ta sản xuất nông nghiệp tại các địa phương bị ngập, úng; nhiều công trình hạ tầng, đê điều, thủy lợi bị hư hỏng. Đặc biệt, năm 2019, ghi nhận 1 trường hợp bị chết do cây xanh gãy đổ, đè trúng.

Theo nhận định của Đài Khí tượng thủy văn khu vực Đồng bằng Bắc Bộ, tình hình thời tiết thủy văn năm 2022 tại Hà Nội có thể diễn biến phức tạp, khó lường. Các hiện tượng thời tiết cực đoan như dông lốc sét, bão mạnh, mưa lớn với cường độ mạnh, xảy ra trong thời gian ngắn có thể diễn ra. Điều này thực tế đã diễn ra tại Hà Nội thời gian qua, khi mưa lớn diễn ra liên tục, gây úng ngập nghiêm trọng. Chính vì vậy, nguy cơ thiệt hại do thiên tai trong mùa mưa lũ 2022 là không thể chủ quan.

Lo ngại an toàn công trình phòng, chống

Thực tế những năm qua, Hà Nội đã rất quan tâm, đầu tư nguồn lực lớn nhằm nâng cấp hệ thống các công trình phòng, chống thiên tai. Tính từ năm 2016 đến nay, khoảng 171 tỷ đồng đã được TP giao Sở NN&PTNT Hà Nội để triển khai thực hiện các dự án đầu tư, nâng cấp, tu bổ, duy trì và bảo dưỡng đê điều.

Nguồn vốn thực hiện nhiệm vụ chính là nâng cấp đường hành lang chân đê, gia cố mặt đê các tuyến sông; cải tạo các kho vật tư, điếm canh đê; tu sửa, xây dựng mới kè, cống… Nhờ đó, các tuyến đê từ cấp III đến cấp đặc biệt thuộc địa bàn Thủ đô vẫn được đánh giá là “Đảm bảo đủ khả năng chống lũ với mực nước thiết kế”.

Dù vậy, thực tế hiện trạng công trình phòng, chống thiên tai của Hà Nội vẫn còn nhiều vấn đề đáng quan ngại. Mặt đê một số tuyến sông hiện đang bị hư hỏng nghiêm trọng; điển hình như tuyến đê sông Hồng qua các huyện: Mê Linh, Ba Vì, Thanh Trì, Thường Tín, Phú Xuyên..; tuyến hữu Đáy thuộc huyện Quốc Oai; tuyến Tiên Tân qua huyện Đan Phượng; tuyến tả Tích ở huyện Thạch Thất…

Hơn 45km kè trên các tuyến sông hiện đang có diễn biến sạt lở, cần sửa chữa. 44 điếm canh đê bị hư hỏng cần tu bổ; 95 điếm canh đê bị hư hỏng nặng cần được xây mới. Ngoài ra còn có hơn 70 cống qua đê đang xuống cấp, cần thiết được sửa chữa, xây mới, hoàn triệt…

Cũng theo khảo sát mới đây của Sở NN&PTNT Hà Nội, toàn TP hiện có 38 vị trí đê sát sông có diễn biến sạt lở; 34 khu vực đê với tổng chiều dài lên tới hơn 172km đang xuất hiện nhiều tổ mối. Ngoài ra còn có 130 khu vực cần phải theo dõi diễn biến của mạch đùn, mạch sủi xuất hiện trong lũ…

Những hạn chế về hạ tầng đặt ra đòi hỏi công tác phòng chống cần được tập trung cao độ, nhất là trong cao điểm mùa mưa lũ. Tăng cường công tác kiểm tra, tuần tra canh gác nhằm phát hiện sớm các sự cố công trình để xử lý, ứng cứu ngay từ giờ đầu. Đặc biệt là đối với 4 trọng điểm và 12 vị trí đê điều xung yếu trên địa bàn TP.

Chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại

Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Văn Quyến, mực nước các sông trên địa bàn TP nhiều năm qua xuống thấp, cạn kiệt. Nhiều sông trong thời gian dài không có dòng chảy. Do đó, để bảo đảm an toàn cho hệ thống đê điều, Bộ NN&PTNT cần sớm có nghiên cứu, đưa ra giải pháp bền vững để cải thiện mực nước sông Hồng và các sông nội địa trên địa bàn Hà Nội, nhằm phục vụ đa mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện cảnh quan, môi trường và phòng, chống thiên tai.

Bên cạnh đó, Hà Nội đề nghị các bộ ngành tiếp tục quan tâm, bố trí ngân sách để triển khai thực hiện các giải pháp công trình nhằm xóa bỏ các trọng điểm phòng chống lụt bão, vị trí đê điều xung yếu. Đồng thời, có giải pháp tổng thể, nghiên cứu các ứng dụng, biện pháp cụ thể đối với những khu vực chịu ảnh hưởng của lũ rừng ngang như lưu vực sông Bùi, sông Tích thuộc địa phận các huyện Chương Mỹ, Mỹ Đức, Quốc Oai…

Để giảm thiểu thiệt hại do thiên tai trong năm 2022, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền đề nghị các sở, ngành, quận, huyện, thị xã tập trung rà soát, xây dựng phương án phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn phù hợp vời tình hình, thực tiễn tại địa phương, có tính đến yếu tố bất thường của biến đổi khí hậu và dịch bệnh Covid-19.

Quán triệt công tác chỉ đạo theo nguyên tắc cơ bản “phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả”, và theo phương châm “4 tại chỗ”. Đồng thời, chủ động dự trữ thuốc men, cây con giống, hàng hóa, vật tư thiết yếu để sẵn sàng hỗ trợ, bảo đảm cuộc sống của người dân, cũng như đáp ứng yêu cầu khắc phục sớm hậu quả thiên tai có thể xảy ra.

Trước thực trạng một số đơn vị, địa phương còn có tâm lý chủ quan, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền nhấn mạnh cần tuyệt đối tránh tâm lý này trong ứng phó, tuyệt đối không để “nước đến chân mới nhảy”, nhất là khi thiên tai được dự báo sẽ có những diễn biến phức tạp, khó lường. Đồng thời yêu cầu Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các cấp cần thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở cấp dưới thực hiện đồng bộ các giải pháp trong mùa mưa lũ 2022.

“Đề nghị Bộ NN&PTNT phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan chỉ đạo các đơn vị quyết liệt trong công tác đấu tranh với hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép, ảnh hưởng đến các công trình thoát lũ, đặc biệt là trên hệ thống sông Hồng…” - Chi cục trưởng Chi cục Phòng, chống thiên tai Hà Nội Nguyễn Duy Du.

“Năm 2022, khu vực Đồng bằng Bắc Bộ (bao gồm cả Hà Nội) có khả năng chịu ảnh hưởng của 2 - 3 cơn bão, áp thấp nhiệt đới. Cần đề phòng khả năng xuất hiện bão mạnh, hoặc sự kết hợp giữa bão với các loại hình thiên tai khác. Thêm nữa, dự kiến trong toàn mùa lũ 2022, tại Hà Nội sẽ xuất hiện 3 - 5 đợt lũ, trong đó có 1 - 2 đợt lũ lớn. Đỉnh lũ có thể cao hơn so với năm 2021…” - Ông Nguyễn Văn Bảy- Phó Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn khu vực Đồng bằng Bắc Bộ.

Tùng Nguyễn

https://kinhtedothi.vn/nang-cap-ha-tang-chu-dong-ung-pho-thien-tai.html

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: