Nghệ An: Hạ mực nước hồ thủy điện lớn nhất Bắc Trung Bộ để ứng phó với siêu bão

Đăng ngày: 16-09-2018 | Lượt xem: 900
(TN&MT) - Ngày 15/9, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nghệ An ban hành Công văn số 162/CV-PCTT thông báo về việc công trình thủy điện Bản Vẽ vận hành xả hồ chứa để...

Theo báo cáo Đài khí tượng thủy văn khu vực Bắc Trung Bộ, do ảnh hưởng của cơn bão Mangkhut, sáng 15/9, lưu lượng nước về hồ Bản Vẽ là 468 m3/s. Dự báo trong 24 - 72 giờ tới, lưu lượng nước về lòng hồ tăng từ 800 - 1.000 m3/s.

Để đảm bảo an toàn công trình và vận hành đón lũ, thủy điện Bản Vẽ xả hồ chứa với lưu lượng 600 - 800 m3/s nhằm hạ mực nước của hồ đập từ trên 198m xuống còn dưới 197m. Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nghệ An yêu cầu Đài khí tượng thủy văn khu vực Bắc Trung Bộ và Công ty thủy điện Bản Vẽ dự báo chính xác tình hình mưa lũ, tổ chức xả nước hồ chứa, đảm bảo an toàn, hạn chế thấp nhất ngập lụt hạ du.

Nhà máy thủy điện Bản Vẽ xả hồ chứa với lưu lượng 600 - 800 m3/s để hạ mực nước “đón” lũ

Nhà máy thủy điện Bản Vẽ xả hồ chứa với lưu lượng 600 - 800 m3/s để hạ mực nước “đón” lũ

Còn tại thủy điện Khe Bố ở xã Tam Quang (huyện Tương Dương), ông Đỗ Văn Mạnh – Phó giám đốc nhà máy cho biết, vào chiều ngày 15/9, lượng xả lũ của nhà máy là 875m3/s, tương ứng với lượng nước từ thượng nguồn về. Cũng theo ông Mạnh, lượng nước đổ về chủ yếu là từ Nhà mý thủy điện Bản Vẽ hạ mực nước hồ để ứng phó với cơn bão số 6.

Tại các địa phương vùng hạ du thủy điện như: Thanh Chương, Nam Đàn, Hưng Nguyên, Nghi Lộc, chính quyền đôn đốc bà con thu hoạch nông sản và thủy sản; đẩy mạnh tuyên truyền về mức độ nguy hiểm do ảnh hưởng của mưa sau bão, tích cực vận động bà con chủ động chằng chống nhà cửa, cưa chặt bớt cành cây to trong các khu dân cư. Ban quản lý các hồ chứa cũng chủ động tích nước đảm bảo sản xuất nhưng tránh ngập úng khi thủy điện xả lũ hoặc có mưa lớn.

Tình hình tàu thuyền trên biển cũng đang tích cực vào bờ tránh, trú bão. Toàn huyện Diễn Châu hiện có 1.537 tàu thuyền khai thác hải sản, trong đó có 285 tàu đánh bắt xa bờ. Sau khi có tin về bão Mangkhut, huyện đã chỉ đạo các xã có tàu thuyền đang đánh bắt tại các vùng biển lập tức về nơi trú ẩn an toàn tại các bến cảng. Trong sáng 15/9, hầu hết các tàu đã tìm được bến neo đậu; khoảng 20 tàu cá khác cũng kịp vào bờ trong chiều ngày 15/9.

Các tàu thuyền của ngư dân Nghệ An cơ bản đã vào bờ tránh, trú bão an toàn

Các tàu thuyền của ngư dân Nghệ An cơ bản đã vào bờ tránh, trú bão an toàn

Huyện Quỳnh Lưu có 1.200 tàu thuyền tham gia đánh bắt trên biển, trong đó khoảng hơn 700 phương tiện đánh bắt xa bờ. Để ứng phó với cơn bão Mangkhut, ngay trong sáng 15/9, huyện Quỳnh Lưu đã họp khẩn cấp, chỉ đạo các phòng ban và các xã vùng biển thực hiện nghiêm túc các giải pháp. Theo đó, lãnh đạo huyện Quỳnh Lưu yêu cầu các tiểu ban phụ trách vùng phối hợp với các địa phương ven biển bằng mọi cách huy động 100% phương tiện đang khai thác hải sản ngoài khơi vào khu tránh trú bão an toàn. Đồng thời, quan tâm hệ thống ngập lụt theo phương án phòng chống thiên tai; di dời 2.500 hộ với hơn 11 nghìn nhân khẩu thuộc các xã ven đê biển và 210 hộ với 2.250 nhân khẩu thuộc 3 xã của lưu vực hồ thủy lợi Vực Mấu có nguy cơ bị ngập lụt. Đôn đốc bà con thu hoạch sản phẩm nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản; đẩy mạnh công tác tuyên truyền về mức độ nguy hiểm do ảnh hưởng của cơn bão để bà con chủ động chằng chống nhà cửa, cưa chặt bớt cây cổ thụ không an toàn.

Văn phòng thường trực Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nghệ An cũng đã có công điện số 13 vào hổi 16h ngày 15/9 về việc chủ động ứng phó, hạn chế thiệt hại do bão Mangkhut và mưa lũ gây ra.

Nguồn: Báo TN&MT

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: