Nghệ An: Xuống đồng sau 'cơn mưa vàng'

Đăng ngày: 12-08-2020 | Lượt xem: 1937
Hơn 2 tháng nắng hạn, tại Nghệ An, hàng ngàn ha cây trồng khô héo, hơn 10.000 ha lúa khô nẻ đất, trong đó 5.000 ha lúa cháy khô không còn khả năng khôi phục.

Sau cơn mưa lớn do ảnh hưởng của cơn bão số 2, cơn khát của hàng ngàn ha cây trồng đã được giải tỏa, người dân đang tích cực xuống đồng bón phân, chăm sóc với hy vọng ít nhiều có thu nhập để đảm bảo an ninh lương thực.

Do ảnh hưởng của cơn bão số 2 vừa qua, hầu hết trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã có mưa to, lượng mưa đo được ở nơi ít nhất 60 - 80mm, nơi nhiều nhất 100 - 120mm. Đợt mưa này được ví là "cơn mưa vàng" đã cứu được hàng ngàn ha lúa đang khô hạn. Trước bão số 2 hơn 10.000/59.000 ha lúa hè thu đất khô nẻ trắng đồng, trong đó có trên 5.000 ha lúa đã chết khô không còn khả năng hồi phục và còn trên 4.700/22.000 ha lúa mùa chưa có nước để gieo cấy.

Trời ngừng mưa, trên những cánh đồng lúa hè thu ở huyện Nghi Lộc hàng trăm người đi ra đồng vừa thăm lúa, vừa khẩn trương tỉa dặm lại những khóm đã bị chết do hạn. Nhà nào cũng đưa đạm, kali hoặc phân hỗn hợp NPK loại 15-5-20 ra bón thúc cho lúa nhanh chóng hồi phục phát triển trở lại.

Bà Phan Thị Mùi ở xã Nghi Mỹ, huyện Nghi Lộc cho biết, nhà bà gieo cấy 7 sào lúa, gieo cấy xong gặp hạn nặng từ đó tới nay. Trong đó, đã có 3 sào lúa đã chết khô không còn khả năng hồi phục, 4 sào còn lại có tỷ lệ cây bị chết chiếm 20 - 30%. Ngay sau khi thấy lúa đã hồi xanh trở lại, bà ra ruộng để tỉa dặm "tỉa nơi dày, bày nơi thưa" và bón phân thúc ngay với hy vọng vẫn cho thu hoạch để có đủ lương thực nuôi sống cả gia đình.

Nông dân tích cực xuống đồng chăm sóc lúa. Ảnh: Báo Nghệ An.

Theo ông Trần Nguyên Hòa, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Nghi Lộc cho biết: Cơn bão số 2 không ảnh hưởng gì đến sản xuất nông nghiệp và chính hoàn lưu cơn bão này đã đem lại "cơn mưa vàng" cứu được hàng ngàn ha lúa đang chờ chết cháy, chết khô được sống trở lại. Nếu không có "cơn mưa vàng" này thì ngoài 800 ha lúa đã chết khô, còn có 1.880 ha sẽ tiếp tục chết tiếp, vì không còn khả năng cứu vãn. Sau đợt mưa, UBND huyện Nghi Lộc cử cán bộ xuống ngay các xã đôn đốc và chỉ đạo bà con nông dân ra đồng đắp dặm lại bờ vùng, bờ thửa để giữ nước, đề phòng những ngày tới nắng hạn sẽ tiếp tục. Đồng thời tiến hành tỉa dặm lúa và bón thúc ngay cho mỗi sào lúa 2 - 3 kg phân đạm Urê + 3 kg Kali hoặc 7 - 8 kg NPK loại 15-5-20.

Nhờ có mưa vàng, ở một số địa phương, lúa đã xanh trở lại.

Huyện Hưng Nguyên là địa phương chịu ảnh hưởng lớn của đợt nắng nóng và hạn hán nghiêm trọng nhất chưa từng có trong nhiều năm vừa qua. Ông Hoàng Đức Ân, Trưởng phòng NN-PTNT huyện cho biết: Trước ngày chưa có mưa, cả huyện đã có 600 ha lúa hè thu bị chết khô không còn khả năng hồi sinh, 1.900 ha bị ảnh hưởng khá nặng, có tỷ lệ cây bị chết 15 - 20%. Trừ hơn 1.000 ha diện tích lúa hè thu vùng chạy lụt có nước trong đợt nắng hạn vừa qua, hiện lúa đã bắt đầu làm đòng. Số còn lại do ảnh hưởng của nắng nóng và hạn hán kéo dài cây lúa bị kìm hãm phát triển. Thậm chí lúa chưa đẻ nhánh, vì thiếu nước trầm trọng. Vì vậy sau đợt mưa vừa qua, UBND huyện chỉ đạo UBND các xã và HTXNN triển khai ngay các biện pháp như:

Một: Đắp bờ giữ nước tại ruộng, tại các ao hồ, tại các kênh mương để đề phòng nắng nóng và hạn hán có thể tiếp tục xảy ra trong những ngày sắp tới. Vì đợt mưa vừa qua chỉ ở mức 80 - 100mm, nhiều vùng hạn nặng, đất quá khô nẻ, nước mưa thấm nhiều vào đất và nổi lên mặt ruộng không đáng kể.

Hai: Tiến hành tỉa dặm ngay sau khi hết mưa để phân bố lại mật độ giữa chỗ cây lúa chết nhiều, chết ít.

Ba: Phân loại lúa để chăm sóc phù hợp. Đối với diện tích lúa hè thu ít bị ảnh hưởng hạn hán vừa qua, nay lúa bắt đầu làm đòng thì lập tức bón cho mỗi sào 1,5-2 kg đạm Urê + 3-4 kg Kali hoặc 5-7 kg phân NPK loại 15-5-20. Đối với loại lúa bị khô hạn nặng sinh trưởng và phát triển kém, nhờ có mưa mới có nước thì tiến hành bón phân thúc nhanh để cây hồi phục, phát triển, đẻ thêm nhánh. Bình quân mỗi sào bón 4-5 kg đạm Urê + 2-3 kg Kali hoặc 10-12 kg phân NPK loại 15-5-20.

Bốn: Không chủ quan, sau đợt mưa này, trời nắng nóng trở lại, khả năng dễ xuất hiện sâu cuốn lá, sâu đục thân và rầy nâu phá hoại trên diện rộng. Vì vậy, UBND huyện đã giao cho Trung tâm Chuyển giao kỹ thuật của huyện theo dõi chặt chẽ, dự báo kịp thời các loại sâu bệnh xuất hiện để thông báo đến tận các cơ sở sản xuất và bà con nông dân tiến hành các biện pháp phòng trừ kịp thời.

Ông Nguyễn Văn Đệ, Giám đốc Sở NN-PTNT Nghệ An cho biết: Đợt mưa vừa rồi đã cứu vãn hàng ngày ha lúa hè thu và vụ mùa, trên từng cánh đồng đã trở lại màu xanh tươi, hy vọng lúa vẫn cho năng suất khá. Sở đã phân công và giao nhiệm vụ cho từng phòng ban, các trung tâm, chi cục trực thuộc sở huy động tất cả cán bộ của đơn vị mình xuống cùng phối hợp với cán bộ kỹ thuật của các huyện, thành, thị về tận từng xã, phường để chỉ đạo bà con nông dân chăm sóc lúa...

Theo nongnghiep.vn

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: