Người “bắt mạch” trời ven sông Đà

Đăng ngày: 29-10-2019 | Lượt xem: 4590
Chàng trai trẻ Lê Ngọc Tuấn, sinh năm 1987, Trạm trưởng Trạm Môi trường Vạn Yên là một trong 3 cán bộ vừa đoạt giải Nhì (giải cao nhất) tại Hội thi quan trắc viên giỏi lần thứ X của Đài KTTV khu vực Tây Bắc vừa tổ chức tháng 9/2019.

Chúng tôi tìm gặp Lê Ngọc Tuấn đúng lúc Tuấn đang chuẩn bị cho một “ốp” quan trắc hàng ngày. Tốt nghiệp Đại học TN&MT Hà Nội chuyên ngành Khí tượng, năm 2013, Tuấn đã đăng ký dự thi lên khu vực Tây Bắc và nhận công tác tại Trạm Than Uyên, tỉnh Lai Châu. Đến tháng 11/2017, Tuấn được điều về nhận nhiệm vụ tại Trạm Môi trường Vạn Yên (xã Tân Phong, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La) và gắn bó với mảnh đất ven sông Đà này tới nay.

 

Nói về công việc hàng ngày, Lê Ngọc Tuấn cho biết: Cũng như những quan trắc viên khác, ngày nào cũng vậy, cứ đều đặn 4 “ốp”: 1 giờ sáng, 7 giờ sáng, 13 giờ, 19 giờ, tôi sẽ tiến hành đo đạc, quan trắc các yếu tố khí tượng, gồm: nhiệt độ gió, đất, không khí, quan sát mây, đo mưa, quan sát thời tiết hiện tại… Không có ngày nghỉ, hay lễ, tết. Và để chuẩn bị cho “ốp” 1 giờ sáng thì phải dậy từ trước đó 30 phút.

“Đây cũng là khung giờ vất vả nhất với người quan trắc. Rồi những lúc mưa gió, bão lũ thì căn cứ lượng mưa và nhiệm vụ được giao, chúng tôi sẽ phải tăng giờ trực để có thông số đo lượng mưa từng giờ, phục vụ kịp thời công tác dự báo. Nhìn qua, thì công việc không có quá nhiều vất vả, nhưng cái cần nhất là sự tỉ mỉ, cần mẫn với nghề và sự chính xác về thời gian. Bởi chỉ cần lệch một khung giờ thôi, nhiều khi cũng ảnh hưởng nghiêm trọng tới kết quả dự báo” – Tuấn nói.

 

Nhớ lại về Hội thi quan trắc viên vừa trải qua, Tuấn kể: Hội thi diễn ra trong 2 ngày, với 3 phần thi gồm Lý thuyết, thực hành và phỏng vấn trực tiếp về chuyên môn. Tôi nhận thấy hội thi rất ý nghĩa, bởi mỗi người ở một trạm khác nhau, xa xôi, cách trở, đây là cơ hội được gặp gỡ, trao đổi, trau dồi kinh nghiệm. Hôm thi trời mưa phùn, nhưng mọi người đều rất vui, hào hứng, nỗ lực hết mình để đạt kết quả cao nhất. Song, do bị “thiếu điểm” ở phần thi lý thuyết, tôi và 02 đồng chí nữa cùng đạt giải nhì ở mảng khí tượng. Hội thi không có giải nhất. Còn phần thực hành nghiệp vụ đều hoàn thành ở mức tối đa.

Những người quan trắc viên của ngành KTTV, vốn được gọi là những người bác sỹ âm thầm, lặng lẽ “bắt mạch” thời tiết. Bất kể mưa, nắng, hay mùa đông rét mướt, gió, bão, họ luôn chăm chỉ, tận tụy với nghề, để có những thông số quan trắc chuẩn xác nhất.

 

“May mắn là hai vợ chồng tôi cùng công tác trong ngành khí tượng thủy văn, nên có thể thông cảm và sẻ chia cho nhau. Nhưng mới đầu, vợ tôi công tác ở Sơn La, còn tôi công tác tận Than Uyên. Mãi tới cuối năm 2017, được lãnh đạo Đài tạo điều kiện, gia đình tôi mới được đoàn tụ tại Trạm Vạn Yên nơi đây. Tôi phụ trách mảng khí tượng, còn vợ tôi là mảng thủy văn môi trường” – Tuấn cười.

Cũng như các trạm khác, Trạm Môi trường Vạn Yên nằm gọn bên cạnh bến phà Vạn Yên, cách xa khu dân cư và chợ. Để từ Trạm Môi trường Vạn Yên về trung tâm huyện Phù Yên mất gần 50km và để lên thành phố Sơn La là gần 160km. Mỗi khi mùa mưa đến, đoạn đường này bị sạt sụt liên tục, cũng là một khó khăn với những quan trắc viên nơi đây.

Năm 2018 vừa qua, đoạn đường từ trung tâm huyện ra Trạm còn bị cô lập hàng tuần do mưa lũ gây sập cầu. Thế nhưng, vượt qua tất cả, những người con của ngành khí tượng vẫn kiên trì, bền bỉ, gắn bó trọn vẹn với nơi đây, chỉ bởi lòng yêu nghề, vì mong ước giản dị có thể góp một phần công sức mang đến những bản tin dự báo, cảnh báo chính xác nhất cho người dân.

Theo Báo TN&MT

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: