Người dân Quảng Trị chật vật chạy lũ, cuộc sống bị đảo lộn

Đăng ngày: 09-10-2020 | Lượt xem: 1911
Theo người dân Quảng Trị, đợt mưa lũ này có thể là lớn nhất trong khoảng 10 năm trở lại đây, nước lũ nhấn chìm hầu khắp các khu dân cư thuộc huyện Triệu Phong như Triệu Long, Triệu Giang, Triệu Thuận.

Nhiều khu vực tại tỉnh Quảng Trị bị ngập sâu trong nước. (Ảnh: Thanh Thủy/TTXVN)

Đợt mưa lớn liên tiếp trong những ngày qua đã gây ngập lụt trên diện rộng ở tỉnh Quảng Trị khiến người dân phải chật vật ứng phó. Toàn tỉnh đã và đang dồn sức khắc phục thiệt hại do mưa lũ gây ra.

Chạy lũ trong đêm

Đến sáng 9/10, toàn tỉnh Quảng Trị đã có gần 13.800 hộ với trên 46.000 người bị ngập lụt, trong đó huyện Triệu Phong bị ảnh hưởng nặng nề nhất khi có gần 3.150 hộ với trên 9.400 người bị ngập sâu trong nước lũ từ 1-2m.

Tại các xã dọc theo hai bên bờ sông Thạch Hãn thuộc huyện Triệu Phong như: Triệu Long, Triệu Giang, Triệu Thuận…, nước lũ nhấn chìm hầu khắp các khu dân cư.

Ngày 7/10 anh Đoàn Quang Huy, 46 tuổi trở về nhà ở thôn Dương Lệ Đông, xã Triệu Thuận sau giờ làm việc ở thành phố Đông Hà. Thế nhưng đến sáng 8/10, anh Huy đã không thể ra khỏi nhà do nước lũ từ sông Thạch Hãn cuồn cuộn đổ về, khiến đường bị ngập các phương tiện giao thông không thể đi lại.

Cách duy nhất để anh Huy di chuyển là dùng ghe thuyền, bởi nước lũ đã dâng cao đến 1,5m.

Ngồi trên chiếc ghe, anh Đoàn Quang Huy chia sẻ đợt mưa lũ này có thể là lớn nhất trong khoảng 10 năm trở lại đây. Nước lũ đột ngột dâng cao chỉ trong vài giờ từ rạng sáng ngày 8/10 cho đến nay. Nhiều hộ đã phải thức trắng đêm để di chuyển tài sản đến nơi khô ráo tránh lũ. Với những việc thật cần thiết như mua lương thực và nhu yếu phẩm, người dân mới phải dùng ghe thuyền di chuyển ra ngoài nhà.

Thành phố Đông Hà có địa hình khá cao nhưng cũng đã có đến trên 2.400 hộ với hơn 9.000 người bị ngập lụt.

Trong ngày 8/10. lũ trên sông Hiếu đoạn qua thành phố Đông Hà lên quá nhanh khiến nhiều hộ bất ngờ và có phần bị động ứng phó với lũ.

Lũ trên sông Hiếu đã vượt báo động 3 là 0,69m, vượt đỉnh lũ lịch sử năm 1983 là 0,11m khiến toàn bộ 8 phường ở thành phố Đông Hà đều có điểm bị ngập lụt. Địa phương này đã di dời tại chỗ hơn 700 người ra khỏi vùng ngập sâu để đảm bảo an toàn.

Dọc hai bên bờ sông Hiếu, nước lũ đục ngầu, chảy xiết đã bao phủ cả một vùng rộng lớn.

Bà Lê Thị Sen ở bên bờ Bắc sông Hiếu thuộc phường Đông Thanh, thành phố Đông Hà cho biết nước lũ lên quá nhanh khiến gia đình chỉ kịp di chuyển những tài sản lớn, đồ dùng cần thiết đến chỗ an toàn. Trong những ngày qua, nước lũ ngập sâu khiến cuộc sống của người dân bị đảo lộn, chật vật.

Ở hai huyện miền núi Đakrông và Hướng Hóa, công tác sơ tán dân ra khỏi vùng bị ngập sâu, lũ quét, sạt lở đất được thực hiện sớm nhất. Từ ngày 7/10 đến nay, lực lượng công an, bộ đội biên phòng và chính quyền địa phương đã huy động tối đa phương tiện, hỗ trợ hàng nghìn hộ dân di chuyển tài sản và sơ tán đến nơi an toàn.

Với nghề nuôi trồng thủy sản, đợt mưa lũ này đã gây thiệt hại lớn với gần 540ha ao hồ bị ngập sâu gần như mất trắng, tập trung ở các huyện ven biển như: Triệu Phong, Hải Lăng, Gio Linh.

Ông Võ Văn Dũng ở thôn An Hà, xã Triệu Phước cho biết do ở vùng thấp trũng gần biển, nước lũ ở thượng nguồn các con sông đổ về khiến người dân không kịp thu hoạch các đối tượng nuôi. Người dân gần như bất lực nhìn dòng lũ cuốn trôi những ao hồ nuôi tôm, cá.

Mưa lũ ở Quảng Trị đã làm 2 người chết và 7 người mất tích. Mặc dù đã được cảnh báo nhưng một số người dân vẫn chủ quan dẫn đến hậu quả đáng tiếc.

Ông Lê Quang Lam - Chánh Văn phòng Thường trực Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Quảng Trị cho biết các tai nạn đáng tiếc chủ yếu do tâm lý chủ quan, nhiều người cố tình đi qua sông suối, cầu tràn trong lúc nước lũ chảy xiết và dâng cao.

Một nghịch lý là có mưa lũ lớn nhưng mực nước ở các hồ chứa tại Quảng Trị vẫn thấp phổ biến từ 50-60% so với dung tích thiết kế. Nguyên nhân là do các hồ chứa ở Quảng Trị chủ yếu ở vùng trung du, trong khi mưa lớn tập trung ở vùng miền núi. Do đó, thông tin về việc hồ chứa xả lũ gây lụt lớn là không có cơ sở.

Theo Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Trị, đến sáng 9/10, lượng mưa đo được trên địa bàn tỉnh phổ biến từ 500-700mm, một số nơi đã vượt 1.000mm như: Hướng Linh trên 1.172mm, Vĩnh Ô hơn 1.008mm.

Mưa lớn kéo dài từ ngày 7/10 đến nay, khiến lũ trên các sông ở Quảng Trị đều lên nhanh và đạt đỉnh phổ biến ở mức trên báo động 2 đến báo động 3, có nơi trên báo động 3.

Dồn sức ứng phó với mưa lũ

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng cho biết mưa lũ đã gây ngập lụt, chia cắt nhiều địa phương gây thiệt hại nặng nề. Ngay từ đầu đợt mưa này, tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo các đơn vị, lực lượng, chính quyền địa phương tập trung ứng phó.

Tỉnh dừng tất cả các hoạt động chưa cấp thiết, cho học sinh nghỉ học, di dời người dân, ưu tiên tập trung lực lượng tìm kiếm người mất tích.

Trong những ngày qua, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Trị đã phối hợp với chính quyền địa phương huy động tối đa lực lượng, phương tiện để ứng cứu, di dời người dân và tài sản, đồng thời tổ chức tìm kiếm cứu nạn.

Bộ đội Sư đoàn 968 thu dọn bùn đất tại Trường học ở xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ. (Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN)

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Trị đã huy động gần 700 cán bộ và chiến sỹ lực lượng thường trực, trên 3.880 dân quân, 23 ca nô, 15 ôtô các loại trực tiếp tham gia ứng cứu người dân.

Trong khi đó, Bộ đội Biên phòng và Công an tỉnh Quảng Trị cũng đã huy động hàng trăm cán bộ chiến sỹ, các loại phương tiện để thực hiện công tác di dời người và tài sản, điều tiết và đảm bảo trật tự an toàn giao thông.

Từ đêm 8/10 đến nay, tỉnh Quảng Trị phối hợp với các lực lượng cứu nạn của Trung ương, tập trung cứu nạn hàng chục thuyền viên trên các tàu bị mắc cạn hoặc trôi dạt. Tuy nhiên, do thời tiết xấu nên công tác này gặp nhiều khó khăn.

Mưa lũ cũng đã làm cho các tuyến đường liên xã ở hai huyện miền núi Đakrông và Hướng Hóa, Quốc lộ 9, Đường Hồ Chí Minh nhánh Tây bị sạt lở mái taluy ở một số điểm.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng đã yêu cầu ngành giao thông vận tải huy động tối đa phương tiện máy móc giải tỏa đất đá sạt lở đảm bảo lưu thông thông suốt an toàn cho người và phương tiện.

Để người dân không chủ quan trong ứng phó với mưa lũ, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng vừa có công điện yêu cầu các đơn vị, địa phương tổ chức rà soát, huy động lực lượng tại chỗ di dời khẩn cấp người dân ở khu vực có nguy cơ bị ngập sâu, chia cắt, nhất là vùng thấp trũng, ven sông suối.

Lực lượng chức năng tuyên truyền, vận động những hộ dân ở các khu vực nguy hiểm chủ động di dời đến nơi an toàn, không được chủ quan, lơ là, trường hợp cần thiết phải tổ chức cưỡng chế để bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân; chủ động hỗ trợ lương thực, thực phẩm, bố trí chỗ ở tạm cho các hộ phải di dời, không để người dân bị đói, rét.

Tuy nhiên, công tác ứng phó với mưa lũ ở Quảng Trị cũng gặp nhiều khó khăn. Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Trị Hoàng Nam cho biết khó khăn nhất là phương tiện di chuyển trong điều kiện ngập lụt trên diện rộng còn thiếu, ảnh hưởng đến việc di dời dân.

Do đó, các địa phương cần huy động ghe thuyền làm phương tiện đi lại ở những địa bàn ngập sâu để kịp thời di dời và hỗ trợ người dân./.

Theo vietnamplus.vn

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: