Nhi Sơn tan hoang vì lũ dữ

Đăng ngày: 17-09-2018 | Lượt xem: 793
(TN&MT) - Có lẽ chưa có trận lũ dữ nào mạnh và càn quét các huyện miền Núi Thanh Hóa lại hung dữ đến như thế. Từ Thạch Thành, lên Cẩm Thủy, Bá Thước, Quan Sơn, Quan Hóa; mà nặng nề nhất có...

Đúng 2h30 sáng, chúng tôi bắt đầu xuất phát từ Thành phố Thanh Hóa, đến khoảng 6h sáng đoàn đã có mặt tại Cổng Trời, nơi đây được ví như cửa ngõ để vào trung tâm huyện Mường Lát, bởi từ đây để vào trung tâm huyện còn khoảng 45 km nữa, đường bắt đầu cũng khó khăn hơn.

Những cung đường sạt lở ở Mường Lát

Những cung đường sạt lở ở Mường Lát

Bắt đầu từ Cổng Trời, chúng tôi hành trình về xã Nhi Sơn. Mới đi được khoảng mấy trăm mét, tôi bỗng giật mình vì trước mặt là cả một đống đất to đang nằm ngổn ngang trên đường, ở giữa chỉ để lại một lối đi đủ vừa cho những chiếc xe tải đi qua. Mặc dù tôi cũng biết rằng QL 15C bị đất đá vùi lấp nhiều ngày mới chỉ được thông xe mấy ngày nay, nhưng tôi cũng không tưởng tượng được cả một núi đất đá khổng lồ như thế bỗng dưng đổ ập xuống thì nhà cửa không chỉ bị vùi lấp mà người dân cũng ít có cơ may sống sót.

Người dân xã Nhi Sơn đổ ra đường đón Đoàn cứu trợ

Người dân xã Nhi Sơn đổ ra đường đón đoàn cứu trợ

Càng đi vào sâu thì cảnh tượng đất đá sạt lở xảy ra càng nhiều, chốc chốc lại bắt gặp những tốp thợ sửa đường, những chiếc máy súc, máy đang san, ủi đất, những cảnh sát đang điều khiển giao thông cho người dân và các phương tiện giao thông đi lại trên đường. Nhiều chỗ cả những tảng đá to nặng hàng chục tấn chắn ngang cả đường, có những tảng đá mà qua lời kể của người dân những chiếc máy xúc, máy ủi công suất lớn phải “đánh vật” cả tiếng đồng hồ mới yên vị một nơi mới thông đường cho xe cộ đi lại.

Ngôi nhà gạch của anh Gia Gia Ly bị đất đá vùi lấp

Ngôi nhà gạch của anh Gia Gia Ly bị đất đá vùi lấp

Người đầu tiên chúng tôi gặp là anh Sùng Văn Di A, dân tộc Mông nhà ở bản Chim, xã Nhi Sơn, trông anh gầy gò, ốm yếu, mà không ốm yếu sao được, bởi trong trận lũ vừa qua gia đình anh không những mất ngôi nhà sau nhiều năm tích góp mới xây dựng lên, mà anh còn mất cả 2 người con (một người con trai và một người con dâu) anh rơm rớm nước mắt cho biết: "Hôm đó trời tối, tôi cũng không nghĩ là đất đá sạt lở nhiều đến như thế, cùng lắm một vài hòn đá mồ côi trượt theo dòng nước. Nhưng không ngờ, khi cả nhà đang chìm trong giấc ngủ, tôi nghe có tiếp động lạ, vội nhổm người chạy ra sau nhà tôi phát hiện ra đất đá từ trên đồi cao đang tuôn chảy xuống nhà mình, lúc đó tôi sợ quá không nói được lời nào vội chạy vào nhà cũng chỉ ú ớ không nói nên lời. Lúc này đất đá đã tràn vào nhà, tôi cũng chỉ vớ vội được chiếc áo thoát thân chạy ra ngoài. Sau này mới biết được 2 người con do ngủ say nên chạy không kịp, tôi thương chúng nó quá".

Lợn gà phải đi “lánh lũ” ngay vệ đường

Lợn gà phải đi “lánh lũ” ngay vệ đường

Anh Thau Văn Của, dân tộc Mông ở bản Ké Tế bùi ngùi nói: Năm nay anh 29 tuổi, vợ chồng anh chỉ làm nườn để nuôi 5 người con, trận lũ quét vừa rồi gia đình anh rất may không bị mất người, nhưng ngôi nhà là tài sản lớn nhất của gia đình đã bị đất đá tràn vào gây hư hỏng nặng. Hiện tại nếu như trời mưa gia đình không dám về nhà, vì sợ lúc đó đất đá lại sạt lở bất cứ khi nào, anh và các con đang phải đi ở nhờ. Hôm nào trời nắng, không mưa anh mới dám về nhà để trông nom nhà cửa.

Ngôi nhà sàn bị đất đá vùi lấp

Ngôi nhà sàn bị đất đá vùi lấp

Khác với gia đình anh Sùng Văn Di A, anh Thau Văn Của, gia đình anh Gia Gia Ly, ở bản Lốc Há có ngôi nhà xây bằng gạch được mấy năm trời. Nhìn khung nhà còn trơ ra giữa đống đất đá, anh Ly thương sót: Hôm đất đá sạt lở gia đình anh biết, nhưng không thể làm gì được, anh chỉ nhanh chân lấy được một số đồ đạc ra ngoài. Đến nay do đất đá vùi lấp quá nhiều, gia đình tôi chưa thể vệ sinh được nên đang phải ở nhờ tại nhà văn hóa bản, lợn gà thì nuôi tạm ngay ven đường, cũng không còn cách nào khác anh ạ, anh Ly chia sẻ.

Anh Sùng Văn Di A cùng với tác giả

Anh Sùng Văn Di A cùng với tác giả

Trao đổi với Phóng viên Báo Tài nguyên & Môi trường ông Lâu Mai Dơ, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Nhi Sơn cho biết: xã Nhi Sơn có 6 bản với 558 hộ, 2.767 nhân khâu, gồm 5 dân tộc Mông, Kinh, Thái, Dao và Mường cùng nhau sinh sống. Trong đợt lũ quét vừa qua, xã bị thiệt hại năng nề, tuyết QL 15C đi qua xã bị đất đá bồi lấp nên xã cũng bị chia cắt. Toàn xã có 6 hộ gia đình bị sập nhà hoàn toàn, có 2 người chết. Hiện xã có khoảng 20 hộ gia đình cần di dời để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho người dân.

Người dân đang khắc phục hậu quả

Người dân đang khắc phục hậu quả

Người dân 6 bản trong xã cũng đã được các nhà hảo tâm, các mạnh thường quân quan tâm chia sẻ. Nhất là thời gian qua, xã cũng được anh Nguyễn Văn Thi quan tâm ủng hộ xã 150 tấn xi măng để xây lại ngôi chợ làm chỗ giao thương cho bà con các bản làng, anh Dơ chia sẻ thêm.

Chia tay người dân các bản làng xã Nhi Sơn, lòng tôi cảm thấy bâng khuâng, nếu như không có cơn lũ quét lịch sử này thì giờ đây người dân trong bản đang í ới cùng nhau lên nương, lên rãy, cùng với những cuộn khói lam chiều trên những ngôi nhà sàn khuất sau những dãy núi xa xa. Những đứa trẻ tung tăng đi học về, chúng cũng như thấm mệt mà bố mẹ đang gồng mình khắc phục những khó khăn với lũ dữ. Chúng tôi thầm ước mong sẽ có nhiều tấm lòng hảo tâm hơn nữa hướng về đồng bào lũ lụt Mường Lát nói chung và Nhi Sơn nói riêng để vơi đi những khó khăn vất vả cho đồng bào các dân tộc nơi đây.

Nguồn: Báo TN&MT
 
  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: