Ninh Thuận dồn lực ứng phó mưa lũ

Đăng ngày: 01-12-2020 | Lượt xem: 1495
Liên tiếp từ ngày 28 đến 30-11, trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận có mưa to. Ðến ngày 30-11, tổng dung tích 21 hồ chứa đạt gần 134 triệu mét khối trong số 194,49 triệu mét khối, nhiều hồ chứa đã xả lũ, khiến các vùng trũng, thấp bị ngập nước, tác động tiêu cực đến đời sống người dân và sản xuất. Ninh Thuận đang dồn sức để ứng phó mưa lũ, giảm đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản.

Lực lượng thanh niên xung kích huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận cứu hộ hai công nhân thi công hồ thủy lợi Tân Mỹ và thủy điện tích năng trong lúc vượt tràn đã bị vướng giữa dòng nước tại xã Phước Hòa.

Sáng 30-11, chúng tôi đến những vùng trũng, vùng thấp nhất trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận. Phó Chủ tịch phụ trách UBND huyện Ninh Phước Bạch Văn Nguyên cho biết, mưa lũ trong những ngày qua cùng với việc xả lũ hồ thủy lợi Tân Giang đã gây ngập lụt diện rộng trên địa bàn huyện. Tuy nhiên trước đó, huyện đã chủ động di dời, sơ tán nhiều hộ dân sống ở vùng trũng đến nơi an toàn. Qua kiểm tra sơ bộ ban đầu, hạ tầng và vật nuôi không thiệt hại nhiều, nhưng toàn bộ diện tích lúa (80 ha), 300 trong số 340 ha cây nho, 700 trong số 740 ha cây táo cùng 1.200 trong số 1.500 ha cây rau màu bị ngập nước, ảnh hưởng năng suất và sinh trưởng. Phải đợi nước rút mới xác định được thiệt hại.

Tại huyện Thuận Nam, các xã, ban, ngành cử cán bộ phối hợp trực 24 giờ hằng ngày tại các điểm xung yếu; Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thanh huyện tăng cường thông báo 30 phút một lần trên hệ thống loa phát thanh về tình hình mưa lũ trên địa bàn để người dân biết và thực hiện theo hướng dẫn phòng, tránh do huyện chỉ đạo. Tính đến 7 giờ ngày 30-11, mực nước tại các hồ Tân Giang, Sông Biêu, Suối Lớn… tăng nhanh. Hồ Tân Giang xả lũ với lưu lượng 22,34 m3/giây; hồ CK7 tràn tự do 10 cm.

Phó Trưởng ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Thuận Nam Trần Quốc Hoàn cho biết, toàn huyện có 270 căn nhà tại các xã Phước Nam, Cà Ná và Phước Dinh bị ngập từ 0,3 đến 1,5 m. Trong đó, có 50 căn nhà tại khu vực chợ Sơn Hải, xã Phước Dinh bị ngập từ 1,2 đến 1,5 m. Huyện đã di dời 178 hộ với 709 khẩu thuộc các xã Phước Nam, Nhị Hà, Phước Hà, Phước Minh đến các nhà kiên cố là người thân của bà con trong khu vực.

Hiện tại, nhiều đoạn đường giao thông thuộc tuyến đường ven biển ngang qua địa bàn huyện như: Ðoạn từ ngã tư Từ Thiện đến ngã tư Văn Lâm - Sơn Hải; đường liên thôn Sơn Hải - Vĩnh Trường; tuyến đường liên thôn Vĩnh Trường - Từ Thiện bị sạt lở dài từ 25 đến 30 m; có đoạn cát tràn qua đường dài khoảng 200 m, ảnh hưởng nghiêm trọng đến giao thông. Ðường nội đồng xã Phước Ninh bị sạt lở 450 m; tuyến kênh Chà Vin bị gãy khoảng 10 m. Tổng diện tích lúa và hoa màu bị ngập hơn 383 ha. Các xã đã đặt máy bơm hút nước ngập, đồng thời bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông các khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, khu vực bị chia cắt, bảo đảm an toàn; cắm các biển cảnh báo tại tuyến đường ven biển để người dân biết hạn chế phương tiện qua lại.

Tại huyện Ninh Hải, UBND huyện đã cấp 500 bao cát cho xã Phương Hải hỗ trợ người dân đắp bờ để khắc phục sự cố vỡ kênh cấp 1 từ hồ Nước Ngọt về ao Bầu Tró; bố trí một xe cần cẩu nạo vét thông luồng, thoát lũ tại cầu Lương Cách, xã Hộ Hải khi lượng nước từ hồ Thành Sơn đổ về lớn, làm cản trở dòng chảy. Cử lực lượng Cảnh sát giao thông huyện xử lý thông tuyến xe lưu thông qua tuyến đường ven biển Vĩnh Hy - Bình Tiên bị sạt lở tại khu vực gần Bãi Kinh, xã Vĩnh Hải và đoạn thuộc khu vực làng Vĩnh Hy. Chủ tịch UBND huyện Ninh Hải Nguyễn Thành Phú cho biết, địa phương đã di dời 142 hộ với 463 khẩu sống tại các khu dân cư ven suối, hạ lưu hồ, đập có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn. Có 72 ha lúa và hành tím bị ngập; kênh mương cấp 1 từ hồ Ông Kinh về ao Bầu Tró bị sập 35 m; sạt lở para ngăn lũ tại thôn Mỹ Hòa hơn 5 m, sạt lở tràn ngăn mặn tại thôn Thái An khoảng 10 m và bờ tràn đường vào hồ Ông Kinh bị sạt lở nhiều đoạn. Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện bố trí lực lượng chốt chặn không cho người dân và phương tiện qua lại trong thời gian xả lũ các hồ và đề nghị Sở Giao thông vận tải kịp thời sửa chữa các đoạn sạt lở đường ven biển Vĩnh Hy - Bình Tiên để bảo đảm giao thông.

Những ngày qua, lượng mưa phổ biến tại huyện Thuận Bắc, từ 90 đến 140 mm, cá biệt tại vùng Công Hải là 217,4 mm và Ba Tháp hơn 128,2 mm. Chủ tịch UBND huyện Phạm Trọng Hùng cho biết, địa phương đã ra thông báo về việc mở cửa tràn xả lũ hồ Bà Râu và các phương án thực hiện công tác ứng phó với mưa lũ. Ðến 17 giờ ngày 30-11, lượng nước hồ Sông Trâu đạt hơn 20,16 triệu mét khối so với thiết kế 31,53 triệu mét khối; hồ Bà Râu đạt 4,82 triệu mét khối so với thiết kế 4,67 triệu mét khối, đang mở cửa xả lũ 60 cm với lưu lượng xả 23,65 m3/giây. Từ 20 giờ ngày 30-11, điều chỉnh độ mở cửa xả lũ từ 1,5 đến 2 m, lưu lượng xả lũ: từ 54,78 m3/giây đến 86,46 m3/giây. Các xã đã cử lực lượng thanh niên xung kích và cán bộ chiến sĩ lực lượng vũ trang đến các thôn Mỹ Nhơn, Gò Sạn, Ba Tháp 2 thuộc xã Bắc Phong có 140 hộ dân đang trong tình cảnh nhà bị ngập nước, sử dụng bao dồn cát để đắp kè ngăn nước ngập, đặt máy bơm điện hút nước, tát nước, giúp người dân di chuyển tài sản đến nơi an toàn. Tuyến đường giao thông đi từ xã Công Hải - Phước Chiến (đường tỉnh 706) bị chia cắt trước đó cũng đã được khắc phục, giúp người dân đi lại bình thường.

Tại huyện Bác Ái, tuyến đường đi Phước Bình (tỉnh lộ 707) bị sụt hở hàm ếch; nhiều tuyến tràn tại các xã Phước Bình, Phước Tân, Phước Hòa, Phước Chính, Phước Trung, nước dâng cao, ngập tràn cả đường đi. UBND huyện đã chỉ đạo các xã cử lực lượng xung kích trực chốt không cho người dân qua lại. Các lực lượng xung kích đã kịp thời cứu hộ hai công nhân đang thi công hồ thủy lợi Tân Mỹ trong lúc vượt tràn bị vướng giữa dòng nước thuộc xã Phước Hòa.

Tại TP Phan Rang - Tháp Chàm, để khắc phục tình trạng ngập úng cục bộ các tuyến đường và các khu dân cư phường Thanh Sơn, Phước Mỹ, Ðông Hải, Phủ Hà, Tấn Tài, Ðạo Long, các phường cử lực lượng thanh niên xung kích hỗ trợ người dân và tài sản đến nơi an toàn, đồng thời đặt máy bơm điện hút nước, cơ bản giải quyết được sự cố ngập. Hơn 200 ha trồng táo, nho, lúa và hoa màu thuộc các phường Tấn Tài, Ðạo Long, Mỹ Hải, Văn Hải và xã Thành Hải bị ngập sâu.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Phan Tấn Cảnh cho biết, đến 17 giờ ngày 30-11, mực nước đo được tại các trạm thủy văn đã giảm xuống dưới và xấp xỉ báo động 1, tuy nhiên trời vẫn mưa to, nên khó lường được các tình huống phức tạp. UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành tăng cường bố trí lực lượng trực chốt tại các địa điểm xung yếu và chủ động ứng phó, hạn chế mức thấp nhất thiệt hại do mưa, lũ gây ra. Các địa phương tổ chức kiểm tra, rà soát các hộ dân ở vùng trũng thấp có nguy cơ ngập úng, khu vực bị chia cắt và có phương án để chủ động tiếp tục sơ tán dân đến nơi an toàn; cử lực lượng xung kích ứng trực, treo biển báo trên các tuyến đường giao thông, các cầu tràn qua các tuyến giao thông có nước tràn qua, không cho phương tiện lưu thông, thông báo cho nhân dân không lưu thông qua tràn bị ngập nước lớn; không chăn thả gia súc khu vực ven suối, di dời lên khu vực cao. Ðồng thời, triển khai công tác thống kê đánh giá thiệt hại do mưa lũ gây ra để kịp thời hỗ trợ người dân ổn định đời sống và sản xuất sau khi nước lũ rút.

Chiều 30-11, Sở Giáo dục và Ðào tạo tỉnh Ninh Thuận có Thông báo số 2924/TB-SGDÐT, thông báo đến các cơ sở giáo dục đào tạo trên địa bàn, tiếp tục cho học sinh các cấp được nghỉ học ngày 1-12. Ðồng thời đề nghị các trường học xây dựng kế hoạch tổ chức dạy bù sau mưa lũ, để bảo đảm đúng kế hoạch thời gian năm học.

Theo nhandan.com.vn

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: