Phối hợp thực hiện nhiệm vụ về khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu

Đăng ngày: 21-07-2020 | Lượt xem: 1563
Ngày 21/7, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành chủ trì cuộc họp và nghe báo cáo về các nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2021-2025 các lĩnh vực khí tượng thuỷ văn và biến đổi khí hậu.

Sông Cánh Hòm ở vùng đông huyện Gio Linh, Quảng Trị khô cạn, trơ đáy. Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN

Sau khi nghe báo cáo từ các đơn vị, Thứ trưởng Lê Công Thành đề nghị Tổng cục Khí tượng Thủy văn và Cục Biến đổi khí hậu cần thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực đơn vị phụ trách, đẩy mạnh công tác xã hội hóa đối với lĩnh vực khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, nghiên cứu, đề xuất những kế hoạch cụ thể về khung dịch vụ khí hậu, lập hội đồng khoa học về Khí tượng Thủy văn.

"Tổng cục Khí tượng Thủy văn  và Cục Biến đổi khí hậu có những nhiệm vụ chung, có liên quan chặt chẽ với nhau, do vậy khi làm kế hoạch phải làm rõ các nhiệm vụ chuyên môn; cần có sự phối hợp chặt chẽ trong việc thực hiện các công tác chuyên môn theo chức năng và nhiệm vụ được giao. Lấy phát triển khí tượng hải văn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn 5 năm tới".  Thứ trưởng Lê Công Thành nhấn mạnh.  

Báo cáo kế hoạch nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2021-2025 trong lĩnh vực khí tượng thủy văn, Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn - Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hồng Thái cho biết, trong 5 năm tới, ngành Khí tượng Thủy văn tập trung đầu tư thiết bị theo hướng đồng bộ, hiện đại và tự động hóa. Với chủ trương đó, ngành đã xác định những định hướng cụ thể trong công tác dự báo, cảnh báo, công tác thông tin, dữ liệu, quản lý mạng lưới trạm và điều tra, khảo sát khí tượng thủy văn.

Cụ thể, trong công tác dự báo cảnh báo, ngành Khí tượng Thủy văn chú trọng xây dựng hệ thống chuyên dụng phân tích và dự báo bão, áp thấp nhiệt đới. Phát triển hệ thống dự báo mô hình số trị trong dự báo nghiệp vụ, trong đó tập trung kiểm soát và đánh giá chất lượng dữ liệu đầu vào, sản phẩm dự báo đầu ra, đồng hóa số liệu, dự báo định lượng mưa… ở các thời hạn dự báo từ cực ngắn đến dự báo dài.

Đồng thời, xây dựng, cập nhật bộ số liệu chuẩn khí tượng thủy văn quốc gia; phát triển khung dịch vụ khí hậu toàn cầu tại Việt Nam, tăng cường các dự báo sớm, dài hạn diễn biến khí hậu quy mô mùa đến một năm. Xây dựng, cập nhật phân vùng rủi ro thiên tai, cấp độ rủi ro thiên tai, lập bản đồ cảnh báo thiên tai, đặc biệt là các thiên tai liên quan đến bão, nước dâng do bão, lũ, lũ quét, sạt lở đất, hạn hán, xâm nhập mặn. Xây dựng hệ thống giám sát và cảnh báo lũ quét, sạt lở đất thời gian thực cho các khu vực vùng núi, trung du trên toàn quốc, chi tiết đến cấp huyện.

Ngoài ra, ngành hướng tới xây dựng công nghệ cảnh báo ngập lụt đô thị, khu công nghiệp trọng điểm, ưu tiên cho khu vực thành phố trực thuộc trung ương; xây dựng công cụ cảnh báo, dự báo chi tiết phạm vi ngập lụt, độ sâu ngập lụt vùng hạ lưu các lưu vực sông và hạ lưu các hồ chứa. Xây dựng công nghệ hiện đại dự báo sóng, dòng chảy, nước dâng do bão và ngập lụt ven bờ, triều cường, lan truyền chất ô nhiễm và vật thể trôi chi tiết cho các đảo, vùng ven bờ biển, cửa sông và tuyến hàng hải…

Đối với công tác thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn, ông Trần Hồng Thái cho biết, 5 năm tới sẽ tập trung nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin; hoàn thiện và nâng cấp hệ thống tích hợp dữ liệu khí tượng thủy văn tập trung. Số hóa toàn bộ kho tư liệu; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu đồng bộ, hiện đại, sử dụng các công nghệ dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo và các kiến trúc của khoa học, công nghệ 4.0 để quản lý, khai thác, chia sẻ và thực hiện dịch vụ khí tượng thủy văn; xây dựng kho lưu trữ tư liệu chuẩn…

Theo Tổng cục trưởng Trần Hồng Thái, ngành Khí tượng Thủy văn xác định tiếp tục đầu tư phát triển mạng lưới trạm quan trắc khí tượng thủy văn tập theo hướng hiện đại hóa, tự động hóa thông qua hình thức đầu tư công kết hợp với hình thức xã hội hóa là nhiệm vụ trọng tâm. Cùng với đó, tích hợp, lồng ghép mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường quốc gia với mạng lưới trạm khí tượng thuỷ văn tập quốc gia để giảm bớt sự đầu tư chồng chéo, không hiệu quả. Điều tra, khảo sát, đánh giá thiệt hại và hậu quả do thiên tai gây ra trên toàn quốc, phục vụ đánh giá tổng thể rủi ro thiên tai, đa thiên tai…

Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu Tăng Thế Cường cho biết, trong giai đoạn tới, đơn vị xác định hoàn thiện thể chế, chính sách, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật là nhiệm vụ trọng tâm. Cục tập trung xây dựng 2 Nghị định của Chính phủ, 3 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 10 Thông tư của Bộ trưởng. Cụ thể là Nghị định Chính phủ quy định lộ trình và phương thức giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; quản lý, loại trừ các chất làm suy giảm tầng ô-dôn, chất gây hiệu ứng nhà kính; Nghị định Chính phủ quy định hệ thống trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ các-bon trong nước.

Một số Thông tư của Bộ Tài nguyên và Môi trường về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon, thích ứng biến đổi khí hậu, kinh tế và thông tin biến đổi khí hậu được xây dựng trong giai đoạn tới có thể kể đến như: Thông tư hướng dẫn thực hiện báo cáo giảm nhẹ phát thải khí nhà kính của các Bộ, ngành, địa phương; ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật kiểm kê quốc gia khí thải nhà kính; hướng dẫn đánh giá tác động, tình trạng dễ bị tổn thương, rủi ro, tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu…

Theo TTXVN

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: