Phòng tránh thiên tai ảnh hưởng tới sản xuất và đời sống trong thời kỳ chuyển mùa

Đăng ngày: 09-05-2021 | Lượt xem: 1527
Thời tiết tại TP Cần Thơ và khu vực ĐBSCL đã bước vào mùa mưa. Nhiều cơn mưa lớn bắt đầu xuất hiện, tưới mát ruộng đồng, giảm oi bức và khô hạn, xâm nhập mặn. Theo các nhà khoa học đây là thời gian chuyển mùa, từ mùa khô sang mùa mưa, các trận mưa lớn có khả năng xảy ra cần đề phòng lốc xoáy, sấm sét xuất hiện, gây thiệt hại sản xuất, tài sản và tính mạng con người...

 

Mưa lớn xuất hiện trên địa bàn TP Cần Thơ vào cuối tháng 4-2021, gây ngập nghẹt đường phố trên địa bàn quận Ninh Kiều.

 

Mưa lớn xuất hiện trên địa bàn TP Cần Thơ vào cuối tháng 4-2021, gây ngập nghẹt đường phố trên địa bàn quận Ninh Kiều.

Mới đây, vào lúc 13 giờ trưa 6-5-2021, trên địa bàn huyện Cờ Đỏ (TP Cần Thơ) xuất hiện cơn mưa lớn làm giảm oi bức, khô hạn trên địa bàn. Tuy nhiên, cơn mưa lớn đã kèm theo gió mạnh làm tốc mái hoàn toàn căn nhà của ông Trần Văn Long, ở ấp Thới Xuyên, xã Thới Đông. Rất may, cơn mưa lớn, gió mạnh không gây thương tích về người. Bà Trần Thị Nhung Em, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Trưởng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) huyện Cờ Đỏ, cho biết: “Hằng năm, khi mùa mưa đến, ban chỉ huy PCTT-TKCN các cấp trên địa bàn huyện tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân phòng, chống thiên tai, chằng chống nhà cửa… để hạn chế thiệt hại do mưa giông gây ra. Tuy nhiên, hằng năm huyện Cờ Đỏ đều bị ảnh hưởng thiên tai, mưa giông. Trận mưa giông gây tốc mái nhà trưa 6-5, chính quyền địa phương đã kịp thời huy động lực lượng hỗ trợ gia đình bị thiệt hại sửa chữa nhà cửa, giúp người dân ổn định chỗ ở, an toàn trong mùa mưa bão…”.

Những cơn mưa lớn trái mùa vào cuối tháng 4 và đầu mùa mưa tháng 5-2021 xuất hiện trên địa bàn TP Cần Thơ và nhiều địa phương trong khu vực ĐBSCL đã rửa sạch đường phố, tưới mát vườn cây, ruộng rẫy sau nhiều ngày nắng nóng, oi bức. Tuy nhiên, ở TP Cần Thơ, các cơn mưa lớn làm nhiều tuyến đường ở các quận nội ô, như: Ninh Kiều, Cái Răng, Bình Thủy, Ô Môn... bị ngập nước, ảnh hưởng an toàn giao thông. Nguyên nhân, do một số tuyến đường có hệ thống thoát nước nhỏ hẹp, bị rác thải che lấp miệng hố ga, cản trở dòng chảy... Theo Ban Chỉ huy PCTT-TKCN TP Cần Thơ, đây là cơn mưa góp phần hạn chế tình trạng khô hạn thiếu nước tại các huyện đầu nguồn, khu vực sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, mưa đầu mùa này cần cảnh giác gió mạnh, lốc xoáy xuất hiện, gây sập, tốc mái nhà cửa, hư hại ruộng rẫy…

Cơn mưa lớn kèm theo lốc xoáy ngày 30-5-2020 trên địa bàn TP Cần Thơ làm 32 căn nhà sập, 151 căn nhà bị tốc mái, sét đánh làm chết 1 người… Nhiều hộ gia đình phải rơi vào cảnh khó khăn. Chính quyền địa phương và ban chỉ huy PCTT-TKCN các cấp phải huy động lực lượng, phương tiện, vật tư hỗ trợ người dân dọn dẹp, sửa chữa nhà cửa, tổ chức di dời người dân đến nơi ở an toàn… Mùa mưa năm 2020, TP Cần Thơ xảy ra 33 đợt mưa lớn kèm theo lốc xoáy, làm chết 2 người, bị thương 5 người, sập 59 căn nhà, tốc mái xiêu vẹo 575 căn nhà, thiệt hại tài sản khoảng 5,073 tỉ đồng; xảy ra 4 đợt sét đánh, làm chết 4 người... Các ngành chức năng, chính quyền địa phương kịp thời triển khai ứng cứu, hỗ trợ, giúp người dân bị thiệt hại khắc phục hậu quả, ổn định cuộc sống...

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, mùa mưa bão trong năm nay sẽ chính thức bắt đầu tháng 5-2021. Các cơn mưa xuất hiện trước khoảng thời gian này là mưa trái mùa và chuyển mùa. Một hiện tượng thời tiết dễ nhận thấy trong thời gian chuyển mùa là xen kẽ những ngày mưa là những ngày nóng oi bức có xuất hiện những cơn mưa đột ngột và thường kèm theo lốc xoáy và sấm sét, thậm chí có cả vòi rồng...

Để chủ động ứng phó với các hiện tượng thời tiết này, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN TP Cần Thơ yêu cầu các địa phương tuyên truyền, hướng dẫn người dân chằng chống nhà cửa an toàn để phòng các hiện tượng mưa kèm theo giông, lốc xoáy trong thời điểm đầu mùa mưa, chuyển mùa; chặt tỉa cây xanh trên vỉa hè, khu vực gần nhà, nhằm tránh mưa giông đổ ngã gây nguy hiểm; kiểm tra, gia cố các khu vực sạt lở, có nguy cơ sạt lở; khai thông cống rãnh, hạn chế ngập nghẹt do mưa lớn, rác thải lấp kín hố ga thoát nước; tăng cường tuyên truyền, nhắc nhở phụ huynh không cho trẻ em tắm mưa trong những cơn mưa trái mùa, đầu mùa, nhằm tránh tác hại nếu mưa axít có thể xảy ra... Ông Nguyễn Quý Ninh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT-TKCN TP Cần Thơ, cho biết: “Mưa kèm theo lốc xoáy thường xảy ra vào buổi chiều và tối trong thời gian thời tiết chuyển mùa cho đến khi kết thúc mùa mưa. Hiện tượng này xuất hiện cục bộ trong thời gian ngắn nên rất khó dự báo. Để chủ động phòng tránh, các địa phương cần chủ động kiểm tra, gia cố các công trình, chằng chống nhà cửa, nhất là đối với các nhà cấp 4, nhà mái tôn, vách lá; tổ chức chặt tỉa cây xanh trên vỉa hè, hạn chế đổ ngã gây nguy hiểm...”.

Theo Ban Chỉ huy PCTT-TKCN TP Cần Thơ, để phòng tránh sét đánh, khi xây dựng các công trình dân dụng, công nghiệp, các công trình hạ tầng khác, đơn vị và người dân cần phải bố trí các thiết bị chống sét (cột thu lôi).  Khi có hiện tượng thời tiết mây giông (chuẩn bị mưa), người dân đang đi ngoài đường hoặc đang làm việc ngoài đồng trống phải khẩn trương về nhà hoặc tìm các nơi trú ẩn an toàn. Tuyệt đối không nên trú ẩn tập trung đông người dưới gốc cây cao, nơi trống trải, đồng thời phải tránh xa các vật dụng làm bằng kim loại như hàng rào sắt, xe đạp, xe gắn máy, cột điện, cột ăng - ten, cột thu lôi, nông cụ sản xuất... Đặt biệt, khi có nhiều người không nên đứng chung, không đứng ở những nơi có địa hình cao. Nếu như cảm thấy tóc bị dựng lên (như cảm giác điện khi sờ tay trước mặt tivi) thì đều đó có nghĩa là có thể bị sét đánh bất cứ lúc nào, lập tức cúi người xuống và lấy tay che tai, không nằm xuống đất hay đặt tay lên đất...

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, từ đầu tháng 5-2021 đến nay, mưa xuất hiện hầu khắp trên các địa phương vùng ĐBSCL, với lũy tích lượng mưa trung bình từ 60-80mm. Lũy tích lượng mưa lớn nhất ghi nhận được tại An Minh (tỉnh Kiên Giang), Giá Rai (Bạc Liêu) lên đến trên 200mm. Khu vực ĐBSCL bắt đầu bước vào mùa mưa, tuy nhiên trong thời điểm mùa khô chuyển sang mùa mưa xuất hiện những trận mưa đầu mùa thường kèm theo lốc xoáy, sấm sét có khả năng gây thiệt hại nặng nề về nhà cửa, hoa màu, sản xuất nông nghiệp tại các địa phương trong vùng.

Theo Báo Cần Thơ

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: