Quảng Nam: Mưa lớn vẫn kéo dài, tăng cường công tác chỉ đạo ứng phó mưa lũ

Đăng ngày: 09-10-2020 | Lượt xem: 1496
Tính đến thời điểm hiện tại, tỉnh Quảng Nam đã tổ chức di dời, sơ tán 150 hộ dân. Mưa lớn kéo dài những ngày qua khiến đô thị bị ngập nước, nhiều hộ dân, trường học, các tuyến đường giao thông ở miền núi bị sạt lở, hư hỏng nặng.Trong khi đó, dự báo trong những ngày đến vẫn tiếp tục có mưa, mưa vừa đến mưa to trên địa bàn tỉnh.

Mưa to kéo dài những ngày qua đã gây ngập nước một số địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Nam

Theo thông tin từ Đài Khí tượng thủy văn Quảng Nam, trong 24 giờ qua, các địa phương trong tỉnh Quảng Nam có mưa vừa, mưa to đến rất to.
Tổng lượng mưa trong 24 giờ qua (ngày 8- 9.10) tại các địa phương vùng đồng bằng và vùng núi phía nam phổ biến 45 - 70mm, vùng đồng bằng và vùng núi phía bắc phổ biến 90 - 150mm.
Dự báo trong 24 đến 48 giờ tới các địa phương trong tỉnh tiếp tục có mưa, mưa vừa đến mưa to. Tổng lượng mưa từ 1 giờ ngày 9.10 đến 10.10 phổ biến 70 - 120mm, có nơi hơn 150mm.
Đài Khí tượng thủy văn tỉnh cảnh báo nguy cơ sạt lở đất, lũ quét tại các sông suối nhỏ và sạt lở đất ở sườn dốc, ven sông suối thuộc các huyện Nam Giang, Tây Giang, Đông Giang, Phước Sơn, Nam Trà My, Bắc Trà My, Tiên Phước và ngập úng tại các vùng trũng thấp ở hạ lưu các sông.

Rác từ thượng nguồn Thu Bồn đổ về tấp lại khu vực cầu An Hội (Hội An) nên phải nâng nhịp cầu ở giữa để khơi thông dòng chảy

Trước tình hình đó, UBND tỉnh Quảng Nam cũng vừa ban hành công văn tăng cường công tác chỉ đạo ứng phó mưa lũ trên địa bàn tỉnh. Theo đó, yêu cầu thủ trưởng các sở, ban ngành; chủ tịch UBND các địa phương tiếp tục tổ chức thực hiện nghiêm Công điện số 05 (ban hành ngày 6.10) về chủ động ứng phó tình hình mưa lũ và thời tiết nguy hiểm trên biển.
Theo đó, yêu cầu chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung tổ chức kiểm tra, rà soát và thực hiện sơ tán nhân dân vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn. Yêu cầu các sở, ngành theo chức năng, nhiệm vụ, UBND các địa phương khẩn trương kiểm tra, chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan huy động tối đa lực lượng, phương tiện, nguyên vật liệu thiết yếu để khắc phục kịp thời các tuyến đường bị sạt lở đất gây bồi lấp, đảm bảo thông tuyến phục vụ nhân dân đi lại, sản xuất.

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam cho biết, tính đến chiều ngày 8.10, tổng số tàu cá của tỉnh Quảng Nam đang hoạt động trên biển là 98 tàu với 3.152 lao động ( tổng số tàu cá toàn tỉnh là 3048 tàu/13.585 lao động). Trong đó có 79 tàu/2.961 lao động hoạt động tại khu vực Trường Sa. Hoạt động tại khu vực Hoàng Sa 19 tàu/191 lao động, hiện trong số này có 8 tàu/778 lao động đang di chuyển vào bờ; 3 tàu/33 lao động đang di chuyển xuống Trường Sa và 8 tàu/81 lao động vẫn còn đang ở Hoàng Sa. Hiện có 2.950 tàu/10.433 lao động không hoạt động. Ngoài ra có 16 tàu vận tải với 152 thuyền viên đang neo đậu tại Cù Lao Chàm (Hội An).

Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) tỉnh Quảng Nam về công tác ứng phó mưa lớn và tình hình thời tiết nguy hiểm trên biển, tính đến 7 giờ sáng ngày 9.10, tỉnh này đã di dời, sơ tán 150 hộ dân. Trong đó nhiều nhất là ở huyện Tây Giang (100 hộ), Đại Lộc ( 34 hộ); còn lại ở các huyện Nam Giang (11 hộ); Nam Trà My (5 hộ).
Về tình hình thiệt hại, đến báo cáo thống kê sơ bộ từ các địa phương, tính đến sáng ngày 9.10, tại huyện Đông Giang có 41 nhà ngập nước, 24 nhà sạt lở, hư hỏng; tại huyện Đại Lộc có 300 nhà bị ngập nước dưới 1m. Ngoài ra ở một số huyện miền núi có một số nhà dân bị ngã đổ, hư hỏng do đất sạt lở; một số trường học bị nước tràn, có nguy cơ sạt lởm nên phải di dời giáo viên, học sinh đến nơi an toàn,…
Về giao thông, tại huyện miền núi Tây Giang, các tuyến đường đường, vị trí bị sạt lở do cơn bão số 5 gây ra  lại tiếp tục sạt lở. Tại huyện Nam Trà My mưa lớn làm sạt lở nhiều tuyến đường đi về các thôn ở các xã Trà Mai, Trà Cang, Trà Tập, tuyến Quốc lộ 40B đoạn từ địa phận xã Trà Mai đi Trà Don, tuyến đường đi thôn 2 Măng Lùng,…Tại huyện Đông Giang, Nam Giang, Tiên Phước,….xuất hiện nhiều điểm sạt lở, nứt đường. Nhiều công trình thủy lợi, nước sinh hoạt, kênh mương bị hư hỏng, sạt lở, bồi lấp.
Về cây trồng, vật nuôi, tại xã Đắc Tôi (huyện Nam Giang) bị ngã đổ, hư hỏng khoảng 0,5ha lúa; tại xã Gari (Tây Giang), sét đánh chết một loạt 8 con bò; tại huyện Tây Giang ước tính hơn 23,5 ha lúa nước, lúa rẫy; 20 ha rau màu các loại ngã đổ; cùng gần hơn 20 ha các loại cây trồng, rau màu như ngô, sắn, chuối,…bị hư hỏng.  

Công ty Thủy điện Sông Bung cho biết, vào 11 giờ ngày 9.10, đơn vị sẽ vận hành hồ chứa thủy điện Sông Bung 2 để điều tiết duy trì mực nước hồ ở mực nước cao nhất trước lũ. Theo thông số điều tiết của hồ chứa thủy điện Sông Bung 2 vào lúc 6 giờ sáng 9.10, mực nước hồ là 599,43m, lượng nước về hồ 82,6m3/s, lưu lượng nước qua máy 15,9m3/s. Để đảm bảo an toàn hồ thủy điện, duy trì mực nước hồ chứa theo quy định, đơn vị sẽ tiến hành xả nước với lưu lượng dự kiến 20 - 150m3/s.

Theo baovanhoa.vn

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: