Sản xuất thích ứng với thời tiết

Đăng ngày: 10-04-2020 | Lượt xem: 1383
Trong bối cảnh hạn kiệt, xâm nhập mặn còn diễn biến phức tạp, việc xuống giống vụ hè thu 2020 cần tuân thủ theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn, đảm bảo thích ứng tốt với khả năng cung cấp nước. Đối với vụ thu đông 2020, cần chú ý theo dõi diễn biến lũ để có kế hoạch xuống giống phù hợp.

Dòng chảy giảm, mưa đến muộn

Sau khi thu hoạch lúa đông xuân, nông dân trên địa bàn An Giang tranh thủ nắng nóng để phơi ải đất, vệ sinh đồng ruộng, cày xới kỹ, chuẩn bị cho vụ hè thu 2020. Tại xã Vĩnh An (Châu Thành), nông dân xuống giống được khoảng 50% diện tích trong kế hoạch hơn 2.695ha vụ hè thu, dự kiến dứt điểm đến ngày 20-4.

“Tôi chọn giống lúa OM5451 cho 7ha đất vụ hè thu. Đây là loại giống kháng sâu bệnh và cho năng suất ổn định” - nông dân Phạm Văn Mười (ấp Vĩnh Thành, xã Vĩnh An) thông tin. Để giúp nông dân chủ động nguồn nước tưới trong mùa hạn kiệt, UBND xã Vĩnh An đã phối hợp ngành chuyên môn huyện Châu Thành tổ chức khảo sát, triển khai thi công nạo vét 3 tuyến mương nội đồng với kinh phí trên 300 triệu đồng. Cùng với đó, vận động nông dân áp dụng chương trình “1 phải, 5 giảm” nhằm tiết kiệm nước, giảm chi phí, tăng hiệu quả sản xuất.

Sau khi thu hoạch lúa đông xuân, cần có thời gian phơi ải đất cho vụ hè thu

Xã Vĩnh An là một trong những vùng nằm trong kế hoạch xuống giống tập trung của tỉnh (thuộc đợt xuống giống thứ 2, từ ngày 1-4 đến 30-4, xuống giống đại trà đối với vùng sản xuất lúa 3 vụ/năm với diện tích khoảng 150.000ha).

Trước đó, đợt xuống giống thứ nhất đã hoàn tất ở các tiểu vùng sản xuất 2 vụ, đã thu hoạch lúa đông xuân sớm (khoảng 58.000ha). Tỉnh còn đợt xuống giống thứ 3 (từ ngày 1-5 đến 20-5), tập trung tại các tiểu vùng nằm trong kế hoạch xả lũ vụ thu đông 2020 và một số tiểu vùng xuống giống đông xuân muộn (khoảng 27.000ha).

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, dù là tỉnh đầu nguồn, có lợi thế về nguồn nước ngọt, ít chịu ảnh hưởng hạn hán, xâm nhập mặn nhưng việc chia 3 đợt xuống giống nhằm phân bố nguồn nước giữa các vùng trong tỉnh, đồng thời chia sẻ nguồn nước với các tỉnh hạ nguồn sông Cửu Long.

Sự chia sẻ này là rất cần thiết bởi theo Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT), tình hình hạn hán, xâm nhập mặn ở ĐBSCL năm nay diễn ra rất gay gắt. Tổng lượng mưa thời kỳ từ tháng 3 đến tháng 6-2020 thấp hơn trung bình nhiều năm (TBNN).

Dự kiến giữa tháng 6 mới bắt đầu mùa mưa, muộn hơn những năm trước. Trong khi đó, tổng lượng dòng chảy sông Mekong về ĐBSCL từ nay đến cuối mùa khô dự báo thấp hơn TBNN từ 15-20% (tương đương năm 2016 - năm hạn hán khốc liệt). Từ ngày 8 đến 15-4, xâm nhập mặn tăng cao theo kỳ triều cường giữa tháng 3 (âm lịch), xâm nhập sâu vào nội đồng…

Ứng phó phù hợp

Theo yêu cầu của Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh, đối với vụ hè thu, các địa phương cần tính toán nguồn nước để xuống giống. Những địa phương thuận lợi về nguồn nước như An Giang, Đồng Tháp có thể xuống giống sớm hơn.

Tuy nhiên, những vùng bị ảnh hưởng xâm nhập mặn nên xuống giống từ cuối tháng 4, đầu tháng 5 khi độ mặn trên sông giảm, nguồn nước về thuận lợi; phải rửa mặn, phèn thật kỹ trước khi xuống giống. Đối với những vùng không chủ động được nguồn nước, cần chờ mùa mưa đến mới tổ chức xuống giống.

Đối với vụ thu đông 2020, cần theo dõi diễn biến mưa, lũ để có kế hoạch xuống giống phù hợp. Theo dự báo của Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam, với mực nước mùa kiệt có xu thế thiếu hụt so với TBNN khá nhiều, dự báo mưa tháng 5, tháng 6 thấp hơn TBNN nên lũ năm 2020 trên sông Mekong ít có khả năng đến sớm.

Cuối tháng 7, mực nước dự báo đạt 2-2,3m tại Tân Châu. Mực nước lũ đầu vụ ở mức không cao, dự báo mực nước max (lớn nhất) từ 2-3m chỉ tập trung ở các huyện đầu nguồn như: An Phú, Phú Tân, TX. Tân Châu (An Giang); huyện Hồng Ngự, Tân Hồng, TX. Hồng Ngự (Đồng Tháp).

Các khu vực còn lại ở mức thấp. Dự báo đến 20-8, mực nước cao nhất đạt 2,3-2,8m (thấp hơn năm 2018) nên khả năng ảnh hưởng đến các đê bao kiểm soát lũ tháng 8 là ít. Tuy nhiên, các diện tích sản xuất ngoài đê bao và chưa có đê bao, bờ bao cần thu hoạch trước thời gian này.

Theo dự báo sơ bộ, khả năng lũ chính vụ sẽ đạt đỉnh tại Tân Châu với mức từ 3,4-4m, thời gian đạt đỉnh lũ chính vụ vào khoảng cuối tháng 9 đầu tháng 10-2020. Ứng với mức lũ này thì khả năng sản xuất lúa thu đông ở vùng ngập lũ ĐBSCL cơ bản an toàn.

Tuy nhiên, việc triều cường năm 2020 ở mức cao (cao hơn TBNN, xấp xỉ 2018) nên khả năng gây ảnh hưởng đến các địa phương thuộc vùng giữa và vùng ven biển ĐBSCL. Đối với các đê bao, bờ bao chưa đủ cao trình, cần gia cố trước khi tổ chức xuống giống vụ thu đông 2020.

Theo baoangiang.vn

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: