Tăng cường các giải pháp sử dụng tiết kiệm nguồn nước

Đăng ngày: 28-02-2020 | Lượt xem: 3916
Hạn hán là hiện tượng thiếu nước nghiêm trọng xảy ra trong thời gian dài do không có mưa và cạn kiệt nguồn nước. Hạn hán làm giảm hàm lượng ẩm trong không khí và hàm lượng nước trong đất, làm suy kiệt dòng chảy sông suối, hạ thấp mực nước ao hồ, mực nước trong các tầng chứa nước dưới đất gây ảnh hưởng xấu đến sự sinh trưởng của cây trồng, làm môi trường suy thoái gây đói nghèo, dịch bệnh...

Hiện tượng hạn hán, thiếu nước xét về bản chất là mất cân bằng cung - cầu về nước; trong khi nguồn cung hữu hạn, thì sự lãng phí nước đang hiện hữu ở mọi ngành sử dụng nước. Vì thế sử dụng nước hợp lý, tiết kiệm là một giải pháp rất cần thiết đối với mọi nhu cầu dùng nước.

Hiện nay, lượng nước sử dụng trong sản xuất nông nghiệp chiếm khoảng 70% tổng nhu cầu về nước; đặc biệt đối với những vùng khô hạn, tài nguyên nước khan hiếm, phương thức quản lý nhu cầu sử dụng nước là giải pháp cần thiết, mang lại hiệu quả cao.

Giải pháp quan trọng đầu tiên để tránh căng thẳng về nước tưới trong mùa khô hạn là phải bố trí lại cơ cấu trồng trọt, chăn nuôi, cơ cấu cây trồng, mùa vụ hợp lý. Trong sản xuất nông nghiệp, việc bố trí cơ cấu mùa vụ, nhất là cơ cấu cây trồng theo khí hậu phù hợp với khả năng cung cấp nước, sẽ giảm căng thẳng về nguồn nước mà vẫn cho hiệu quả cao.

Nông nghiệp là ngành sử dụng nước lớn nhất và chịu ảnh hưởng của hạn hán, thiếu nước nhiều nhất. Không chỉ với cây trồng cạn mới quan tâm đến kỹ thuật và công nghệ tưới tiết kiệm nước mà ngay cả với lúa cũng phải quan tâm áp dụng. Ứng dụng các công nghệ tưới hiện đại như tưới phun mưa, nhỏ giọt cấp lượng nước đúng yêu cầu sinh trưởng và phát triển của cây trồng nhờ đó vẫn đảm bảo cho năng suất cao mà lại tiết kiệm nước đáng kể.

Giảm nhỏ mức tưới ở những giai đoạn sinh trưởng của cây trồng không quyết định đến năng suất và chất lượng sản phẩm cũng là một giải pháp tốt. Trong trường hợp hạn hán thiếu nước, sẽ ưu tiên nguồn nước cho những giai đoạn quyết định đến năng suất, hạn chế sử dụng nước trong các giai đoạn khác.

Che phủ đất làm giảm lượng bốc hơi cũng là một giải pháp rất hiệu quả trong phòng chống hạn hán. Che phủ bằng các giải pháp truyền thống dùng rơm rạ, cỏ khô… đối với cây trồng lâu năm như các loại cây ăn quả có tác dụng giữ ẩm chống hạn còn bổ sung lượng mùn làm xốp đất, tốt cây. Những năm gần đây, nhiều vùng đã sử dụng vật liệu mới để làm giảm bốc hơi như biện pháp che phủ nilông trên mặt luống khi gieo trồng lạc, dưa hấu, cà chua hoặc đưa vào đất các chất giữ ẩm mang lại hiệu quả cao.

Một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng lãng phí nguồn nước đó là do tác động của nền nhiệt độ cao, gió mạnh duy trì kéo dài nhiều ngay dẫn tới chỉ số bốc thoát hơi nước tiềm năng tăng mạnh. Bên cạnh đó là vấn đề vệ sinh lòng dẫn nguồn nước, cỏ dại, rác thải gây ra tắc nghẽn làm giảm lưu tốc dòng chảy, dẫn tới thiếu hụt ở khu vực cuối nguồn. Về lâu dài cần có các biện pháp công trình kiên cố hóa kênh mương lòng dẫn; nhưng trước mắt cần thường xuyên nạo vét, khơi thông dòng chảy.

Trước tình hình khô hạn đã và đang diễn ra trên diện rộng, kéo dài; tại nhiều vùng miền của cả nước. Với Ninh Thuận là vùng rất nhạy cảm với tình hình hạn hán, thiếu nước, để sử dụng ít nước nhưng vẫn bảo đảm hiệu quả kinh tế, cần phải ứng dụng những giải pháp khoa học và công nghệ mới nhằm giảm thiểu thất thoát, tái sử dụng, chống ô nhiễm và làm cạn kiệt nguồn nước hiện nay là vấn đề đáng được quan tâm. Thường xuyên theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo khí tượng thủy văn để chủ động thực hiện các giải pháp điều tiết nước chống hạn hợp lý.

Công trình Kênh Bắc thuộc Hệ thống đập dâng Nha Trinh – Lâm Cấm, tỉnh Ninh Thuận

Bài và ảnh: Đặng Thanh Bình - Đài KTTV khu vực Ninh Thuận

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: