Tháng 3 Bắc Bộ sẽ xuất hiện 3 - 4 đợt không khí lạnh

Đăng ngày: 26-02-2020 | Lượt xem: 1494
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, dự báo cuối tháng 2 và trong tháng 3 các tỉnh Bắc Bộ và Trung Bộ chịu ảnh hưởng từ 3 - 4 đợt không khí lạnh.

Xuất hiện không khí lạnh và nồm ẩm 

Ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, dự báo trong những ngày cuối tháng 2 và trong tháng 3 có khả năng các tỉnh Bắc Bộ và Trung Bộ chịu ảnh hưởng từ 3 - 4 đợt không khí lạnh. 

Trong đó, các đợt không khí lạnh chủ yếu lệch Đông nên còn có những ngày tiết trời ẩm ướt với sự xuất hiện của mưa nhỏ, mưa phùn và sương mù tập trung ở các tỉnh phía Đông Bắc Bộ. Tuy nhiên cũng có sự xuất hiện của những cơn mưa rào và dông và cục bộ có thể xuất hiện lốc, sét, mưa đá, tập trung nhiều ở các tỉnh vùng núi. Trong các đợt rét này ít có khả năng xuất hiện rét đậm diện rộng nhưng cần lưu ý hiện tượng nồm ẩm ở khu vực phía Đông Bắc Bộ. 

Chú thích ảnh
Dự báo tháng 3 sẽ có 3 - 4 đợt không khí lạnh. Ảnh: TTXVN.

Nhiệt độ trung bình tháng 3 trên phạm vi cả nước phổ biến cao hơn trung bình nhiều năm (TBNN) từ 0,5 - 1 độ C; riêng khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ cao hơn TBNN từ 1 - 1,5 độ C. 

Về lượng mưa, khu vực Bắc Bộ phổ biến cao hơn từ 15 - 30% so với TBNN cùng thời kỳ. Tổng lượng mưa tại khu vực Bắc Trung Bộ cao hơn từ 15 - 30% so với TBNN cùng thời kỳ; khu vực Trung Trung Bộ phổ biến xấp xỉ so với TBNN cùng thời kỳ; Nam Trung Bộ phổ biến vẫn ít mưa. 

Tại khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ phổ biến ít mưa, cần tiếp tục đề phòng tình trạng khô hạn ở các khu vực trên; riêng các tỉnh ven biển Nam Bộ tình trạng xâm nhập mặn tiếp tục diễn khá gay gắt.

Hạn mặn ở đồng bằng sông Cửu Long tăng cao

Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia dự báo, trong tháng 3, mực nước thượng lưu trên các sông thuộc hệ thống sông Hồng - sông Thái Bình sẽ xuất hiện dao động nhỏ với biên độ từ 0,5m - 1,0m. Mực nước hạ lưu sông Hồng sẽ có xu thế biến đổi chậm và ở mức thấp.

Tổng lượng nước tháng 3 trên sông Đà đến hồ Sơn La có khả năng lớn hơn TBNN khoảng 15% - 20% và đến hồ Hòa Bình nhỏ hơn TBNN khoảng 10% - 15%. Trên hệ thống sông Lô - Gâm, tổng lượng nước đến hồ Thác Bà sẽ nhỏ hơn mức TBNN từ 25% - 30%, đến hồ Tuyên Quang ở mức TBNN. Lượng dòng chảy khu vực hạ lưu sông Hồng trong tháng 3 có khả năng ở mức TBNN. 

Mực nước trên các sông ở Trung Bộ, Tây Nguyên xuống dần và ở mức thấp. Lượng dòng chảy trên các sông phổ biến thiếu hụt từ 35 - 70% so với TBNN, một số sông thiếu hụt trên 80%. Nguy cơ xảy ra hạn hán, thiếu nước tại các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên, đặc biệt tình hình hạn hán thiếu nước xảy ra gay gắt hơn ở những nơi ngoài vùng cấp nước của các công trình thủy lợi. 

Trong khi đó, mực nước thượng lưu sông Mê Kông biến đổi chậm, lượng dòng chảy từ thượng nguồn sông Mê Kông về đầu nguồn sông Cửu Long trong tháng 3 khả năng ở mức xấp xỉ TBNN. Tình trạng xâm nhập mặn ở hạ lưu sông Cửu Long sẽ tiếp tục tăng cao trong đợt triều cường cuối tháng 2. 

Từ ngày 20 - 27/2, phạm vi xâm nhập mặn trên sông Cửa Tiểu, Cửa Đại khoảng 45 - 52km; sông Hàm Luông khoảng 65 - 76km; sông Cổ Chiên khoảng 55 - 62km (ở mức giảm hơn từ 10 - 15km so với đợt 10 - 13/2);

Từ 6 - 15/3, phạm vi xâm nhập mặn có khả 6 năng ở mức tương đương và cao hơn đợt xâm nhập mặn giữa tháng 2; từ cuối tháng 3 xu thế xâm nhập mặn giảm dần do các hồ chứa thượng nguồn có khả năng gia tăng lượng xả tương tự các năm gần đây. Xâm nhập mặn các sông Vàm Cỏ, Cái Lớn sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao. 

Các tỉnh ở Đồng bằng Nam Bộ cần xây dựng các kế hoạch, kịch bản phòng chống hạn hán và xâm nhập mặn để chủ động ứng phó với diễn biến thực tế trong thời gian tới. Đặc biệt là các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Hậu Giang, Kiên Giang, Cà Mau.

Theo TTXVN

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: