Thừa Thiên Huế: Biển xâm thực, sạt lở nghiêm trọng do mưa lũ

Đăng ngày: 09-11-2017 | Lượt xem: 2330
(TN&MT) - Mưa lớn sau bão 12 khiến triều cao dâng cao, sóng dữ làm nhiều bờ biển, cửa biển tại tỉnh Thừa Thiên Huế bị xâm thực và sạt lở nặng...

Mưa lớn đã khiến nhiều nơi tại Thừa Thiên Huế bị ngập sâu, giao thông gián đoạn. Nhiều tuyến đường từ TP. Huế về các huyện, thị xã bị chia cắt... Trong đó, tại huyện Phú Lộc bị ngập sâu, nhiều km bờ biển, cửa biển bị sóng đánh sập trong nhiều ngày qua...

Nhiều bờ biển, cửa biển tại tỉnh Thừa Thiên Huế bị xâm thực, sạt lở nặng

Theo ghi nhận của PV Báo Điện tử Tài nguyên & Môi trường, tại bờ biển xã Vinh Hải (huyện Phú Lộc), xâm thực toàn tuyến bờ biển dài 3,3 km, có đoạn biển xâm thực chỉ còn cách Tỉnh lộ 21 là 0,5 m; trong đó, tại bờ biển thuộc thôn 4 bị xâm thực sâu hơn 10m so với cách đó mấy ngày với chiều dài khoảng 100m.

Sóng biển cũng đã đánh bay hệ thống đê kè được xây dựng vào năm 2014 để chống xâm thực. Nước biển tràn qua tuyến đường giao thông Tỉnh lộ 21 và làm ngập trực tiếp khoảng 170ha đất nông nghiệp của người dân Vinh Hải.

Lực lượng chức năng và chính quyền địa phương đi kiểm tra sạt lở tại xã Vinh Hải, huyện Phú Lộc

Chủ tịch UBND xã Vinh Hải Nguyễn Hữu thông tin nhanh, trong ngày 6/7, nước biển ăn sâu đã mở một cửa biển rộng khoảng 30m. Đến sáng 7/11, nước biển tiếp tục xâm thực và mở thêm một cửa nữa với chiều rộng khoảng 50m.

“Nếu xâm thực còn diễn biến phức tạp trong những ngày tới, nguy cơ mở thêm cửa biển rất dễ xảy ra. Đường giao thông tỉnh lộ 21 dễ bị xâm thực và hư hại...”- ông Hữu nói.

Tại cửa biển Vinh Hiền (thôn Hải Bình, xã Lộc Bình, huyện Phú Lộc), ghi nhận của PV cho thấy nước trong đầm Cầu Hai chảy ra mạnh cũng làm sạt lở sâu khoảng 10m, dài 100m. Ở hạ nguồn sông Bù Lu (thôn Cảnh Dương, xã Lộc Vĩnh) sạt lở cũng đang diễn ra phức tạp, tiếp tục sạt lở sâu vào khu dân cư 1m, dài 300m. Cửa biển Lạch Giang cách đó không xa cũng bị sạt lở gần 1m với chiều dài khoảng 150m.

Trong khi đó, cửa biển Lăng Cô cũng đang bị xâm thực nghiêm trọng. Ông Dương Đăng Trung - Chủ tịch UBND thị trấn Lăng Cô cho hay, xâm thực biển gây sạt lở ngay tại cửa biển dài hơn 120m (khu vực tại Trạm Biên phòng Lăng Cô). Cửa biển trước đây rộng 100m, đến sáng 7/11 đã rộng ra khoảng 200m. Kè đá và các bao cát được xây dựng cuối năm 2016 cũng đã bị nước biển đánh gần hết. Nước xoáy sâu phía dưới nên kè đá bị sập...

Sạt lở đê biển tại xã Phú Thuận - huyện Phú Vang

Theo lãnh đạo các địa phương, các hộ dân trong khu vực nguy hiểm đã được di dời đến nơi an toàn; đồng thời, cử cán bộ theo dõi các điểm xung yếu thường xuyên để có các phương án di dời dân nếu còn diễn biến phức tạp...

Trước tình hình trên, ông Nguyễn Văn Mạnh - Chủ tịch UBND huyện Phú Lộc thông tin sau lũ, huyện sẽ có đề xuất với lãnh đạo tỉnh sớm có phương án khắc phục sạt lở do xâm thực và sạt lở...

Ở một diễn biến liên quan, mưa lớn kết hợp triều cường dâng cao cũng đã gây sạt lở hơn 2km đê biển tại xã Phú Thuận, huyện Phú Vang (tỉnh Thừa Thiên Huế).

Trao đổi với PV, ông Đặng Tiến Tùy - Chủ tịch UBND xã Phú Thuận cho biết, thủy triều cũng gây xâm thực mạnh tại địa phương, nặng nhất là thôn Tân An và hai đầu bờ kè kéo dài, đoạn xâm thực sâu nhất gần 7m, thấp nhất gần 3m và sạt lở theo kiểu dựng đứng hàm ếch, đây là hiện tượng sạt lở có tốc độ xâm thực nhanh...

“Để khắc phục tình trạng đê biển sạt lở, khi nước rút chúng tôi sẽ tiến hành gia cố, xây lại tuyến đê biển để đảm bảo an toàn...”- ông Tùy cho biết thêm.

Hiện tại, tỉnh Thừa Thiên Huế vẫn đang có mưa rất to và việc sạt lở, xâm thực biển tiếp tục có nguy cơ tiếp diễn...

Báo Điện tử Tài nguyên & Môi trường sẽ tiếp tục thông tin.

Nguồn: Báo TN&MT

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: