Thừa Thiên Huế: Chống hạn hán vụ Hè Thu 2019

Đăng ngày: 20-05-2019 | Lượt xem: 1010
Cũng như nhiều địa phương trên cả nước, nắng nóng đang gay gắt, kéo dài tại Thừa Thiên Huế nhiều tháng qua. Điều này khiến mực nước các hồ thủy lợi đang xuống thấp và khiến hoa màu thiếu nước, khô hạn trầm trọng...

Hoa màu “khát” nước

Do ảnh hưởng của hiện tượng Elnino nên mùa khô năm nay nắng nóng xuất hiện sớm hơn trung bình nhiều năm (TBNN) và hơn năm 2018. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế hầu như không có mưa. Tính đến cuối 4 này, tại Thừa Thiên Huế đã có hơn 10 ngày khô nóng nhiều hơn TBNN và hơn năm 2018. Cũng theo ghi nhận, nhiệt độ ngoài trời tại Huế một tuần gần đây đều trên 42 độ C, cá biệt hôm 19/5 nhiệt độ lên tận 47 độ C.

Nhiều diện tích lúa tại Thừa Thiên Huế đang cháy khô
Nhiều diện tích lúa tại Thừa Thiên Huế đang cháy khô

Dự báo Elnino duy trì từ nay cho tới khoảng tháng 7, tháng 8/2019 với xác suất 60 - 70%. Điều này sẽ khiến vụ hè thu năm nay tại Thừa Thiên Huế khả năng sẽ xảy ra nhiều đợt nắng nóng với mức độ gay gắt và kéo dài hơn năm trước.

Qua tìm hiểu, vụ Hè Thu năm 2019 toàn tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ gieo cấy khoảng 25.817 ha, hiện đã gieo sạ đại trà trên 5.000 ha; diện tích hoa màu theo kế hoạch 1.982 ha.

Ghi nhận của PV tại thị trấn Phú Đa (huyện Phú Vang), tình hình hạn hán, xâm nhập mặn đang diễn ra gay gắt. Nhiều đồng lúa đang chết cháy, bạc cánh đồng dọc theo những cánh đồng lúa ở tổ dân phố Viễn Trình, Lương Viện... Còn tại huyện A Lưới có hơn 80 ha bị hạn tập trung ở xã Hồng Quảng, A Ngo, Phú Vinh. Huyện Nam Đông có 30 ha lúa bị hạn tập trung ở các xã Thượng Long, Thượng Quảng, Thượng Nhật, Hương Hữu, Hương Hòa.

Ông Trương Văn Giang - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Thừa Thiên Huế cho biết, qua theo dõi nguồn nước trên các sông, hói đều thấp hơn TBNN như hói 5 xã, 7 xã, thị xã Hương Trà, sông Nịu, hói Bến Trâu xã Quảng Thái, hói Điền Hòa, hói Hà… Đặc biệt, tại đập ngăn mặn Cửa Lác mực nước diễn biến từ ngày 1/5 là +0,12m đến ngày 8/5 chỉ còn -0,20m, mực nước thấp hơn cùng kỳ các năm trước từ 0,4 đến 0,6m. Vì vậy các sông hói nội đồng dẫn nước ở thượng lưu đập Cửa Lác cạn kiệt, tắc nguồn một số trạm bơm đã ngừng hoạt động như trạm bơm Điền Hòa, trạm bơm Tây Hưng 2 và một số trạm bơm lẻ.

Khơi thông các tuyến kênh mương
Khơi thông các tuyến kênh mương

“Ngoài các diện tích không chủ động được nguồn nước ở vùng cát ven biển, vùng gò đồi, vùng cuối kênh các địa phương đã chủ động chuyển đổi cây trồng hoặc không sản xuất vụ Hè Thu năm 2019 thì trên địa bàn có khả năng thiếu nước khoảng 1.240 ha...”, ông Giang thông tin thêm.

Hiện dung tích các hồ thủy điện, hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đạt từ 50- 70% dung tích thiết kế. Trong đó, dung tích hữu ích trên các hồ chứa lớn vẫn ở mức thấp, hồ Tả Trạch dung tích hữu ích 70,7%; thủy điện Hương Điền 23,3%; thủy điện Bình Điền 58,5%; thủy điện A Lưới dung tích hữu ích chỉ đạt 8,1%.

Tìm giải pháp chống hạn

Theo ông Nguyễn Văn Cho - Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, để giảm bớt thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp do hạn hán gây ra, huyện đã chỉ đạo các đơn vị tiến hành nạo vét vệ sinh kênh mương, sửa chữa các hư hỏng để chống rò rỉ thất thoát nước, bố trí đủ cán bộ để điều tiết phân phối nước hợp lý, điều chỉnh biện pháp tưới cho phù hợp. Đồng thời chủ động huy động nhân lực, vật tư, máy bơm để bơm chuyền nước đến các diện tích bị thiếu nguồn nước.

Ông Nguyễn Văn Chính- Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Vang cho rằng, để rút ngắn thời gian tưới nhằm tiết kiệm nước, huyện đã vận động các địa phương chỉ  thực hiện gieo cấy các loại giống lúa ngắn, cực ngắn ngày và các giống chịu hạn như: KH1, ML48, TH5... Đồng thời vận động các địa phương thực hiện chuyển đổi đất lúa sang cây trồng cạn ngắn ngày để tăng hiệu quả sản xuất.

Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế kiểm tra các công trình thủy lợi trên địa bàn để chống hạn cho vụ Hè Thu
Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế kiểm tra các công trình thủy lợi trên địa bàn để chống hạn cho vụ Hè Thu

Trong khi đó, UBND huyện Quảng Điền thông tin đã chỉ đạo các HTX nông nghiệp chủ động, phối hợp với Công ty TNHH Nhà nước MTV Quản lý và Khai thác công trình thủy lợi Thừa Thiên Huế vận hành các trạm bơm tưới, tu bổ các tuyến kênh mương, các hồ chứa nước nhằm sử dụng nước hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả và tránh lãng phí. Đồng thời thường xuyên kiểm tra các cống trên đê ngăn mặn, đóng kín các cống để chống mất nước, có biện pháp xử lý kịp thời, tránh tình trạng xâm nhập mặn vào nội đồng. Bên cạnh đó, việc xem xét, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của người dân trong việc chuyển đổi sinh kế cũng là một trong những giải pháp tối ưu.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế - Nguyễn Văn Phương đề nghị chính quyền các địa phương tiếp tục quan tâm, bám cơ sở, triển khai gieo cấy tại các diện tích đảm bảo có nguồn nước tưới trong vụ Hè Thu tới. Trong đó lưu ý thời điểm xuống giống phù hợp, bảo đảm hạn chế tác động của hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn ảnh hưởng đến năng suất cây trồng.

Đối với giải pháp chống hạn, ông Nguyễn Văn Phương đề nghị các đơn vị tăng cường phối hợp, thực hiện các giải pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho lúa và cây trồng cạn cũng như tăng cường thực hiện việc nạo vét, khơi thông, vớt bèo để thông thoáng dòng chảy các sông, hói, kênh mương nội đồng để tích trữ nước. Nghiên cứu chuyển đổi cơ cấu cây trồng đối với những diện tích thiếu nước; tăng cường sử dụng các giống cây trồng thích ứng với điều kiện hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn. Đồng thời xem xét các chính sách để hỗ trợ cho người dân bị thiệt hại do hạn hán gây ra.

“Đối với các diện tích hoa màu bị hạn nhưng có thể cứu được thì chính quyền địa phương phải sử dụng toàn bộ lực lượng, nỗ lực hết mình để cứu các diện tích hoa màu bị khô hạn, tuyệt đối không để có lỗi với người dân...”, ông Phương nhấn mạnh.

Theo Báo TN&MT

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: