Triển khai đồng bộ các giải pháp giảm thiểu rủi ro do thiên tai tại Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ

Đăng ngày: 22-11-2021 | Lượt xem: 3449
Vùng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ là những khu vực thường xuyên xảy ra thiên tai tại nước ta, đặc biệt là các loại hình như lũ, lũ quét, sạt lở đất, rét hại, sương muối,… Chính vì vậy, để giảm thiểu thiệt hại rủi ro do thiên tai gây ra, cần tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp để triển khai tại các khu vực này.

 

Sạt lở đất là loại hình thiên tai thường xảy ra tại khu vực miền núi phía Bắc và miền núi Bắc Trung Bộ (Ảnh minh họa: HNV)

Khu vực miền núi phía Bắc và miền núi Bắc Trung Bộ thường xuyên chịu ảnh hưởng và chịu thiệt hai nặng nề bởi các loại hình thiên tai chính như: lũ, lũ quét, sạt lở đất, rét hại, sương muối, hạn hán, mưa lớn, băng tuyết,... Trong đó, đối với khu vực miền núi, lũ quét, sạt lở đất, rét hại, mưa lớn là những loại hình thiên tai gây thiệt hại chủ yếu cho khu vực.

Căn cứ tính chất, khả năng gây thiệt hại, thiên tại khu vực thường được chia thành 3 nhóm chính. Cụ thể, nhóm 1 gồm: mưa lớn, lũ, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất. Trong đó lũ quét, sạt lở đất là hai loại hình thiên tai gây thiệt hại nặng nề nhất với khu vực. Đối với nhóm 2 gồm: sương muối, rét hại và băng tuyết; nhóm 3 gồm: nắng nóng, lốc, sét, mưa đá và các loại hình thiên tai khác.

Trong thời gian qua, đã có nhiều trận thiên tai lớn đã xảy ra tại khu vực. Tiêu biểu, lũ quét, sạt lở đất, mưa lũ từ ngày 2-3/8/2017 tại các tỉnh Sơn La, Yên Bái, Điện Biên, Lai Châu, trong đó đặc biệt nghiêm trọng xảy ra ở huyện Mường La, tỉnh Sơn La và huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái đêm ngày 2/8, rạng sáng ngày 3/8/2017, làm 42 người chết và mất tích, 236 nhà bị sập, đổ, cuốn trôi, hư hỏng; tổng thiệt hại vật chất ước tính trên 1.400 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, từ ngày 23-26/6/2018, khu vực miền núi phía Bắc có mưa to từ 100-300mm; mưa đặc biệt lớn tại các tỉnh Lai Châu, Hà Giang như: Nậm Giàng (Lai Châu) 508mm, Nà Hử (Lai Châu) 398mm, Bắc Quang (Hà Giang) 380mm. Lũ quét trên diện rộng tại miền núi phía Bắc, đặc biệt là Lai Châu và Hà Giang làm 33 người chết và mất tích, tổng thiệt hại 671 tỷ đồng.

Đồng thời, từ ngày 27/8 đến 3/9/2018, các tỉnh Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ mưa lớn từ 200-350mm, một số trạm có mưa lớn như: Km46 quốc lộ 6 (Sơn La) 597mm, Km22 quốc lộ 6 (Sơn La) 516mm, Mường Lát (Thanh Hóa) 318mm,… Mưa lớn gây lũ, lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ, nhất là tại các tỉnh Thanh Hóa, Sơn La, Điện Biên, đã làm 27 người chết và mất tích,...

Ngoài ra, rét đậm, rét hại, băng giá ở mức lịch sử diễn ra từ ngày 23-27/1 năm 2016 ở hầu hết các tỉnh miền núi phía Bắc gây thiệt hại nghiêm trọng về cây trồng, vật nuôi với 36.678 con gia súc, 60.239 con gia cầm bị chêt; 60.340ha lúa, 6.982 ha mạ và 25.930 ha hoa màu bị thiệt hại; ước tính thiệt hại 15.700 tỷ đồng.

Cùng với khu vực trên, tại khu vực đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ chịu ảnh hưởng của các loại thiên tai như: áp thấp nhiệt đới, bão, nước biển dâng, lũ, ngập lụt, hạn hán, mưa lớn, xâm nhập mặn, rét hại, sạt lở đất do dòng chảy, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy,...Trong đó, về lũ, ngập lụt, mặc dù đã có hệ thống hồ chứa cắt lũ ở thượng lưu và trong những năm gần đây ít xảy ra nhưng tiềm ẩn nguy cơ lũ lớn như đã xảy ra trong tháng 10/2017. Đồng thời, ngập lụt nội đồng và trên một số tuyến sông nhỏ như sông Bùi, sông Bừa, sông Hoàng Long (năm 2017, 2018). Về bão, theo phân vùng bão của Bộ Tài nguyên và Môi trường, nguy cơ bão cho dải ven biển Bắc Bộ với sức gió cấp 15,16 giật cấp 17 là lớn nhất trên cả nước.

Tại khu vực này, trong thời gian qua cũng đã xảy ra nhiều trận thiên tai lớn. Cụ thể, trận lũ lịch sử năm 1971 làm vỡ, tràn nhiều đoạn đê, đã gây ngập lụt trên nhiều vùng rộng lớn và đông dân cư, làm gần 100.000 người chết và mất tích, số dân bị ảnh hưởng trực tiếp của ngập lụt khoảng 2,88 triệu người.

Năm 2015, trận mưa lịch sử tại Quảng Ninh và các tỉnh miền núi phía Bắc đã làm 42 người chết và mất tích, gây thiệt hại nghiêm trọng tại những khu vực hầm lò khai thác than. Đồng thời, mưa lũ từ ngày 13-21/7/2018 đã gây ngập úng trên diện rộng tại Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ (90.000 ha lúa và hoa màu bị ngập), 60 sự cố trên các tuyến đê); đỉnh lũ trên sông Bứa tại Thanh Sơn, Phú Thọ là 29,58m (vượt mức lũ lịch sử năm 1975 1,26m; một số vị trí đê bao hữu Bùi bị tràn, gây ngập lụt kéo dài 15-20 ngày trên địa bàn huyện Chương Mỹ, TP. Hà Nội,...

Trước tình hình trên, Chiến lược Quốc gia về phòng chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 379/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 17/3/2021 đã nêu rõ các giải pháp để giảm thiểu thiệt hại do thiên tai tại khu vực Bắc bộ và Bắc Trung bộ. Theo đó, tại vùng đồng bằng Bắc bộ và Bắc Trung bộ, thực hiện các giải pháp phòng, chống lũ triệt để, đồng thời, chủ động phòng, chống bão, ngập lụt, hạn hán. Trong đó, bảo đảm an toàn hệ thống đê điều theo mức thiết kế. Tăng cường công tác quản lý đê điều, hộ đê. Củng cố, nâng cấp hoàn thiện hệ thống đê sông, nhất là các tuyến đê cấp III đến cấp đặc biệt thuộc hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình, sông Mã, sông Cả. Trồng cây chắn sóng bảo vệ đê. Điều tiết hiệu quả hồ chứa nước trên các hệ thống sông để chủ động cắt lũ cho hạ du, đồng thời phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn.

Đi cùng với đó, cần cải tạo lòng dẫn, quản lý chặt chẽ việc khai thác, sử dụng bãi sông, lòng sông; nghiên cứu, xây dựng công trình vùng cửa sông Đuống nhằm ổn định tỷ lệ phân lưu hợp lý giữa sông Hồng và sông Thái Bình, hạn chế gia tăng áp lực lũ lên hệ thống đê sông Thái Bình.

Đối với khu vực ven biển, rà soát tiêu chuẩn quốc gia về thiết kế đê biển để chủ động ứng phó, phòng ngừa rủi ro do bão trong điều kiện tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Củng cố, hoàn thiện hệ thống đê biển, tăng cường trồng cây chắn sóng, rừng phòng hộ ven biển. Triển khai các giải pháp nâng bãi nhằm nâng cao mức bảo đảm an toàn của đê biển chủ động ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Bên cạnh đó, xây dựng, rà soát và tổ chức diễn tập phương án ứng phó với các tình huống vỡ đê, vỡ đập, lũ lớn, ngập lụt, xả lũ khẩn cấp hồ chứa nước, bão mạnh, siêu bão, trong đó chú trọng đảm bảo an toàn đê điều, dân cư vùng ven sông, ven biển.

Xây dựng, củng cố, nâng cấp hệ thống thủy lợi, công trình tiêu thoát nước ở đô thị, đảm bảo chống ngập lụt, chống hạn và phục vụ cấp nước; hoàn thiện các khu neo đậu tránh trú bão cho tàu thuyền theo quy hoạch. Quản lý chặt chẽ việc khai thác cát, sỏi lòng sông, nhất là đối với các tuyến sông lớn nhằm hạn chế suy thoái, hạ thấp lòng dẫn, sạt lở bờ sông, xâm nhập mặn và ảnh hưởng tới hoạt động giao thông, thủy lợi.

Đối với vùng miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ, nâng cao chất lượng công tác dự báo mưa định lượng, mưa, lũ cục bộ; xây dựng, củng cố hệ thống theo dõi, giám sát và cảnh báo mưa, lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt. Phân vùng rủi ro thiên tai, lập bản đồ cảnh báo thiên tai, nhất là khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất chi tiết đến cấp xã; xây dựng công trình phòng, chống lũ quét, sạt lở đất tại các khu vực trọng điểm, xung yếu.

Chủ động di dời dân cư sinh sống tại khu vực không bảo đảm an toàn ven sông, suối, sườn đồi núi có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, cản trở dòng chảy, khu vực thường xuyên bị ngập sâu phù hợp với tập quán sinh sống của đồng bào, gắn với đảm bảo sinh kế, đời sống cho người dân. Tổ chức xây dựng, diễn tập, triển khai phương án sơ tán dân cư khẩn cấp và khắc phục hậu quả khi xảy ra tình huống nguy hiểm tại những khu vực chưa thể di dời theo phương châm “4 tại chỗ”.

Quản lý chặt chẽ việc xây dựng nhà ở, cơ sở hạ tầng, nhất là khu dân cư, công trình giao thông, khắc phục tình trạng xây dựng nhà ở, công trình tại khu vực có nguy cơ sạt lở, lấn chiếm lòng sông, suối, bạt sườn dốc để xây dựng công trình, nhà ở và khai thác trái phép tài nguyên, khoáng sản làm gia tăng rủi ro thiên tai. Tăng cường quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, nâng cao chất lượng rừng, nhất là rừng tự nhiên, phòng hộ, có kế hoạch trồng và khai thác phù hợp đối với rừng sản xuất,…/

Theo Báo Đảng Cộng sản

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: