Triều cường dâng cao ảnh hưởng đến đời sống của người dân Bến Tre

Đăng ngày: 10-12-2021 | Lượt xem: 1753
Ông Lê Văn Chấp ở xã Châu Bình, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre cho biết sống hơn 60 năm tại khu vực này, ông chưa từng gặp tình trạng triều cường dâng cao như năm nay.

Triều cường gây ngập nhà, ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân. (Ảnh: Huỳnh Phúc Hậu/TTXVN)

Đợt triều cường vừa qua làm cho nước dâng cao hơn mọi năm, gây ảnh hưởng đến đời sống người dân trên địa bàn các xã Châu Bình, thị trấn Giồng Trôm, Bình Hòa…, huyện Giồng Trôm (Bến Tre). Nhiều nơi nước dâng cao kỷ lục, chưa từng xuất hiện trước đây.

Nhìn vuông tôm càng xanh nuôi trong vườn dừa mênh mông biển nước, ông Lê Văn Chấp, xã Châu Bình, huyện Giồng Trôm nghẹn ngào: "Vụ tôm năm nay của gia đình xem như mất trắng."

Ông Chấp cho biết sống hơn 60 năm tại khu vực này, ông chưa từng gặp tình trạng triều cường dâng cao như thế. Ông đã be bờ, đắp đập nhưng nước vẫn tràn qua, chỗ cao nhất là nền nhà cũng bị ngập hơn 20cm.

Cùng với sinh hoạt bị đảo lộn do triều cường, gia đình ông còn bị thiệt hại về kinh tế do nước ngập, tôm càng xanh nuôi trong mương vườn đã đi hết.

Ông Chấp cho hay ông vay ngân hàng được 5 triệu đồng, bắt tôm giống thả được hai tháng. Mỗi năm từ việc nuôi tôm, gia đình ông Chấp thu nhập hơn 20 triệu đồng nhưng năm nay xem như mất trắng.

Bà Nguyễn Thị Em, xã Châu Bình cho hay hai năm nay, sau khi cống Trung Nhuận trên địa bàn xã hoàn thành, tình trạng triều cường dâng cao mới xuất hiện. Vì lúc triều cường dâng cao, hệ thống cống đóng, nguồn nước không thể chảy vào các nơi khác trong xã và chảy xuống khu vực huyện Ba Tri. Do vậy, nước dâng cao gây ngập nhà cửa, vườn của các hộ dân sống ngoài khu vực cống.

Bà Em cho biết nước ngập gây ảnh hưởng đến các loại cây trồng của gia đình, nhất là các loại cây có múi. Tuy cây không bị chết nhưng bị rụng trái sau đó. Người dân mong muốn có kế hoạch điều tiết nước, đóng mở cống phù hợp để không gây ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất.

Theo ông Nguyễn Vũ Phong, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Giồng Trôm, thủy triều trong đầu tháng 11 âm lịch dâng cao. Cùng với đó, hệ thống cống Trung Nhuận đóng để bảo vệ hoa màu, đất sản xuất phía trong khu vực cống của huyện Giồng Trôm và huyện Ba Tri. Do vậy, khu vực ngoài hệ thống cống do nước bị chặn dòng nên gây ngập úng cục bộ.

Trước đây, nếu chưa có hệ thống cống, khu vực sản xuất một phần của xã Châu Bình và các xã huyện Ba Tri đều bị ngập nước. Hệ thống cống Trung Nhuận đã phát huy tác dụng khi vừa bảo vệ chống ngập nước, vừa ngăn mặn, trữ ngọt khi mùa hạn mặn đến.

Huyện Giồng Trôm đã kiến nghị ngành chức năng linh hoạt vận hành hệ thống cống, hạn chế tình trạng ngập nước, để người dân an tâm sản xuất./.

Nguồn: vietnamplus.vn

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: