Triều cường lên cao, TP Hồ Chí Minh đối mặt với ngập úng nghiêm trọng

Đăng ngày: 24-10-2019 | Lượt xem: 1200
Theo Tiến sỹ Nguyễn Bá Thủy, Trưởng phòng Dự báo Hải văn, Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia, từ 28-30/10 triều cường sẽ đạt đỉnh, xấp xỉ đợt triều cường kỷ lục diễn ra cuối tháng 9; TP Hồ Chí Minh và các tỉnh hạ nguồn sông Cửu Long đối diện nguy cơ ngập úng nghiêm trọng.

Nước ngập trên đường Huỳnh Tấn Phát (quận 7). Ảnh: Mạnh Linh.

Tiến sỹ nguyễn Bá Thủy cho biết, trong những năm gần đây, tình hình thủy triều dâng cao vào những tháng cuối năm gây khó khăn cho việc sinh hoạt của người dân ở thành phố nói chung và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng. Xu thế mực nước triều năm sau cao hơn năm trước thể hiện rõ nét.

Vào các ngày từ 25/10 - 2/11, ven biển Nam Bộ sẽ có một đợt triều cường cao. Mực nước tại ven biển Nam Bộ có khả năng sẽ xấp xỉ đợt triều cường vào cuối tháng 9 đầu tháng 10 vừa qua, nhất là khi có gió chướng hoạt động mạnh. Mực nước ven biển cao nhất vào ngày 28 – 30/10. Trong một ngày sẽ có 2 đỉnh triều cao, xuất hiện vào khoảng thời gian từ 1 - 5 giờ sáng và từ 13 - 17 giờ chiều.

Trên hệ thống sông Sài Gòn - Đồng Nai mực nước sẽ lên dần và đạt đỉnh vào ngày 29/10: tại Trạm Phú An trên sông Sài Gòn Hmax: khoảng 1.70m cao hơn báo động 3 khoảng 0.20m; tại Nhà Bè trên kênh Đồng Điền Hmax: khoảng 1.72m thời gian xuất hiện buổi sáng khoảng từ 4 - 6 giờ; buổi chiều khoảng 17 - 19g. Trên hệ thống sông Cửu Long trên sông Tiền tại Mỹ Thuận Hmax: 1.85-1.95m cao hơn báo động III khoảng 0.05 - 0.15m; trên sông Hậu tại Cần Thơ Hmax: 2.20 - 2.25m cao hơn báo động III khoảng 0.30  - 0.35m.

Do ảnh hưởng của kỳ triều cường, mực nước ở hạ nguồn sông Cửu Long và sông Sài Gòn lên nhanh và có khả năng lên mức báo động 2 – báo động 3, có nơi trên báo động 3 từ 0,1 - 0,3m. Nguy cơ ngập lụt vùng trũng thấp ven sông tại các tỉnh hạ nguồn sông Cửu Long như các tỉnh: An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Cần Thơ... và TP Hồ Chí Minh.

“Đây là đợt triều cường mạnh, đỉnh triều lại xuất hiện vào sáng sớm và chiều tối (giờ tan tầm) nên ảnh hưởng trực tiếp đến việc đi lại và sinh hoạt của người dân. Để ứng phó với đợt triều cường này, các địa phương cần chủ động trong công tác ứng phó, tăng cường kiểm tra, rà soát bờ bao, cửa van ngăn triều để kịp thời phát hiện, tu sửa, gia cố những vị trí xung yếu, xuống cấp... nhằm giảm nhẹ thiệt hại do tình trạng ngập úng gây ra”, TS Nguyễn Bá Thủy cho biết.

Đại diện Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia cũng cho biết thêm, những tháng cuối năm thường là những tháng triều cường lên cao theo chu kỳ. Triều cường xuất hiện vào các ngày rằm và ngày cuối tháng âm lịch. 

Dự báo những tháng còn lại của năm 2019 và đầu năm 2020, ven biển Nam Bộ sẽ xuất hiện 7 đợt triều cường, vào các 26 – 3/10; ngày 13 – 16/11 và 25 – 30/11;  ngày 12 – 16/12 và  25 – 28/12. 
Dự báo, đầu năm 2020, sẽ có đợt triều cường vào khoảng ngày 11 – 14/1 và ngày 10 – 14/2. Tuy nhiên độ cao mực nước còn tùy thuộc vào các yếu tố như: mưa tại chổ trùng với đợt triều cường, hoạt động của gió mùa Đông Bắc. Về lâu dài xu thế mực nước triều cao vẫn tiếp tục xảy ra ở khu vực Nam Bộ. 

Theo TTXVN

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: