Trung Quốc gây hạn hạ nguồn Mekong?

Đăng ngày: 07-05-2020 | Lượt xem: 3340
Trong khi Trung Quốc có lượng mưa và tuyết cao trên mức trung bình và các đập giữ nước nhiều hơn bao giờ hết thì các nước ở hạ nguồn sông Mekong phải chịu hạn hán nghiêm trọng chưa từng thấy.

Một khúc sông Mekong chảy qua Thái Lan cạn nước trong tháng 1 năm nayảnh: NYT

Trung Quốc đang tích trữ nhiều nước hơn bao giờ hết và đang gây ra những thay đổi bất thường và tác động tiêu cực đến mực nước ở hạ nguồn. Đó là một trong những nội dung của 3 nghiên cứu mới về sông Mekong mà các nhà nghiên cứu tại Trung tâm Stimson (Mỹ) vừa công bố.

Bằng cách so sánh dữ liệu vệ tinh từ các nguồn mở và các nguồn có sẵn miễn phí do Ủy hội Sông Mekong cung cấp, các nhà khoa học của Eyes on the Earth, một công ty nghiên cứu về tư vấn về nguồn nước của Mỹ, đã phát triển một công cụ có thể xác định khi nào và ở đâu dòng chảy tự nhiên của dòng sông bị thay đổi.

Báo cáo của họ cho thấy những bằng chứng rất đáng quan ngại rằng Trung Quốc đã và đang điều chỉnh dòng chảy dọc theo sông Mekong trong suốt 25 năm qua với sự điều chỉnh dòng chảy tự nhiên lớn nhất xảy ra ở những công trình xây dựng và  các đập thủy điện lớn. Nghiên cứu này chỉ ra rằng mực nước thấp kỷ lục trong lịch sử ở hạ nguồn sông Mekong trở nên tồi tệ hơn do Trung Quốc làm thay đổi dòng chảy của nguồn nước ở thượng nguồn.

Mực nước sông Mekong lên xuống tự nhiên khi dòng sông chuyển từ giai đoạn mùa mưa sang mùa khô hàng năm. Mực nước của sông có thể được mô hình hóa một cách đáng tin cậy dựa trên lượng mưa và lượng tuyết tan ở thượng nguồn. Dữ liệu do Eyes on Earth cung cấp dựa trên các phép đo vệ tinh về lượng giáng thủy ở thượng lưu sông Mekong và lượng tuyết tan từ dãy Himalaya. Điều này giúp các nhà nghiên cứu có cơ sở để đo lường tác động của các đập ở thượng nguồn của Trung Quốc. Bằng cách tính toán sự khác biệt giữa mực nước dự kiến và mực nước thực tế, các nhà nghiên cứu thấy sự khác biệt của sông Mekong trong trạng thái tự nhiên và khi bị can thiệp.

Trong mùa mưa 2019 (tháng 6 đến tháng 10), báo chí khu vực và quốc tế phản ánh tình trạng mực nước sông thấp kỷ lục tại các quốc gia ở hạ lưu sông Mekong. Tháng 7/2019, Thái Lan huy động quân đội để ứng phó với tình trạng hạn hán khẩn cấp ở các tỉnh phía đông bắc.

Ở Campuchia, các cộng đồng đánh bắt cá dọc theo biển hồ Tonle Sap - ngư trường nội địa lớn nhất thế giới mà ở đó người Campuchia đánh bắt tới 70% lượng protein của họ - báo cáo lượng cá đánh bắt thấp hơn 80-90% so với thông thường. Một số khu vực dân cư đông đúc của Việt Nam ở đồng bằng sông Cửu Long hoàn toàn không có nước ngọt.

Tại một cuộc họp đầu năm 2020, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tuyên bố rằng thiếu mưa là nguyên nhân chính của hạn hán và nói Trung Quốc cũng đã phải chịu tình trạng này. Nhưng phát hiện của Eyes on Earth đã chứng minh ngược lại: một lượng mưa và tuyết rơi trên mức bình thường đã xảy ra ở lưu vực thượng nguồn Trung Quốc trong mùa mưa hàng năm và gần như toàn bộ lượng nước đó vẫn nằm ở phía sau các con đập của Trung Quốc, trong khi các nước ở hạ nguồn phải chịu đựng và tiếp tục chịu đựng.

Nước phục vụ chính trị

Trước đó, nhiều nghiên cứu, như của nhà khoa học Timo Rasanen và các đồng nghiệp tại ĐH Aalto và Phần Lan cũng kết luận rằng các đập thủy điện của Trung Quốc ở thượng nguồn sông Mekong gây ảnh hưởng đáng kể đối với lượng nước chảy xuống hạ nguồn.

Theo đánh giá của các chuyên gia, hình ảnh của Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng về chính trị nếu nước này công khai việc hạn chế dòng chảy sông Mekong. Nhưng Trung Quốc coi dữ liệu về lưu lượng nước và hoạt động thủy điện là bí mật quốc gia. Sự thiếu minh bạch này cho phép Trung Quốc đưa ra luận điệu rằng các nước phải chịu chung tình trạng hạn hán và lấy đó làm cớ để Trung Quốc tăng cường hợp tác kinh tế với các quốc gia hạ nguồn thông qua cơ chế hợp tác Mekong - Lan Thương.

“Trung Quốc xả nước ra là chuyện chính trị. Họ làm điều đó như là ban ơn. Họ gây ra tổn thất, nhưng họ muốn người khác chịu ơn”, ông Chainarong Setthachua, một giảng viên và là chuyên gia về sông Mekong tại ĐH Mahasarakham, Thái Lan, nói với báo New York Times. “Dòng sông này sẽ chết”, Niwat Roykaew, một chuyên gia bảo tồn ở miền bắc Thái Lan nói với CNBC.

Giới phân tích cho rằng các đập thủy điện của Trung Quốc ở thượng nguồn Mekong dường như để phục vụ lợi ích chính trị chiến lược của nước này, để các nước hạ du phải mang ơn Trung Quốc khi có nước. 

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: