Ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn cục bộ trong vụ Đông Xuân

Đăng ngày: 23-01-2024 | Lượt xem: 1712
Vụ Đông Xuân 2023-2024 có nguy cơ xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn cục bộ ở một số khu vực; đặc biệt xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Cống Tân Phú thuộc Dự án Quản lý nước tỉnh Bến Tre tại huyện Châu Thành (Bến Tre) ngăn nước mặn xâm nhập từ sông Tiền và sông Hàm Luông vào sông Ba Lai. Ảnh: Công Trí - TTXVN

Ngày 23/1, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có chỉ thị về việc tăng cường thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh mùa khô năm 2023-2024.

Theo thông tin dự báo nguồn nước, xâm nhập mặn của các cơ quan khoa học thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vụ Đông Xuân 2023-2024 có nguy cơ xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn cục bộ ở một số khu vực; đặc biệt xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long đã xuất hiện sớm và sâu hơn trung bình nhiều năm và tiếp tục duy trì ở mức cao. Vụ Hè Thu 2024, nguy cơ xảy ra hạn hán, thiếu nước ở khu vực Trung Bộ do xuất hiện nắng nóng gay gắt và thiếu hụt lượng mưa, dẫn đến nguồn nước trong các hồ chứa sụt giảm nhanh và gia tăng nhu cầu dùng nước.

Trước dự báo trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo tại Công điện của Thủ tướng Chính phủ số 397/CĐ-TTg ngày 13/5/2023 về chủ động triển khai các biện pháp cấp bách ứng phó với nguy cơ nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn; số 04/CĐ-TTg ngày 15/01/2024 về việc chủ động ứng phó với nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn

Các tỉnh, thành phố rà soát kế hoạch tổng thể phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn mùa khô năm 2023-2024 để phù hợp với thông tin dự báo khí tượng, thủy văn, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, bảo đảm cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh; trong đó, cần xác định nguy cơ ảnh hưởng đến từng vùng, từng khu vực để có giải pháp cụ thể.

Đồng thời thường xuyên kiểm kê nguồn nước trong công trình thủy lợi, thực hiện tiết kiệm nước ngay từ đầu mùa khô, có kế hoạch phân phối nước hợp lý từ đầu vụ sản xuất và điều chỉnh hợp lý khi nguồn nước bị thiếu hụt để bảo đảm cung cấp đầy đủ cho các nhu cầu thiết yếu (sinh hoạt, chăn nuôi, cây trồng lâu năm,..) và sản xuất nông nghiệp cho cả mùa khô năm 2023-2024.

Các địa phương bố trí cơ cấu sản xuất phù hợp với khả năng nguồn nước, tránh gieo trồng ở vùng không bảo đảm chủ động về nguồn nước trong cả vụ sản xuất; khuyến khích chuyển đổi mạnh cơ cấu cây trồng từ lúa sang canh tác nông nghiệp đa dạng, đáp ứng nhu cầu của thị trường, chuyển từ phát triển theo số lượng sang chất lượng; bố trí vùng sản xuất cây trồng có cùng khả năng chịu mặn và nhu cầu dùng nước để thuận tiện cho việc điều tiết nước.

Địa phương tăng cường nạo vét các cửa lấy nước, hệ thống kênh mương, đắp đập ngăn mặn, trữ ngọt trong hệ thống kênh mương, đào ao trữ nước, lắp đặt và vận hành các trạm bơm dã chiến để tận dụng tối đa nguồn nước, giảm thất thoát, lãng phí nước; thực hiện các giải pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho lúa và cây trồng cạn…

Cục Thủy lợi tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến khí tượng, thủy văn, nguồn nước, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, kịp thời cảnh báo cho các địa phương và cơ quan liên quan; hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, dân sinh.

Cục Thủy lợi rà soát, đánh giá thực trạng, năng lực công trình cấp nước sạch nông thôn, đề xuất các giải pháp duy trì, nâng cao hiệu quả hoạt động công trình, bảo đảm cấp nước cho người dân, nhất là tại các khu vực thường xuyên xảy ra thiếu nước sinh hoạt ở Trung Bộ, Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long, vùng núi, hải đảo.

Cục Trồng trọt tiếp tục rà soát, chỉ đạo tổ chức thực hiện lịch thời vụ vụ Đông Xuân, Hè Thu năm 2024 ở các vùng nguy cơ bị ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn, đặc biệt ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Cục đẩy mạnh khuyến cáo ưu tiên sử dụng các giống chất lượng cao, ngắn ngày, nhóm giống chịu hạn, mặn để thuận tiện cho việc cung cấp nước tưới, bảo đảm sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả…

Các viện thủy lợi giám sát, dự báo xâm nhập mặn, nguồn nước, chất lượng nước trong hệ thống công trình thủy lợi; khuyến cáo, hỗ trợ các địa phương xây dựng kế hoạch sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả. Đồng thời, thường xuyên báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về dự báo hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn để chỉ đạo, điều hành việc cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, dân sinh.

Bích Hồng/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/ung-pho-voi-han-han-xam-nhap-man-cuc-bo-trong-vu-dong-xuan/321963.html

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: