Xâm nhập mặn có khả năng còn nghiêm trọng trong tháng 4

Đăng ngày: 16-03-2020 | Lượt xem: 2199
Đó là dự báo của Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam về tình hình nguồn nước ở Đồng bằng sông Cửu Long cuối tháng 3, tháng 4 và tháng 5.

Người dân đi mua nước sinh hoạt do thiếu nước ngọt bởi hạn mặn nghiêm trọng. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Theo Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam, dung tích Biển Hồ ngày 12/3 chỉ còn 1,84 tỷ m3, nên lượng điều tiết từ lưu vực Biển Hồ xuống hạ lưu hiện không đáng kể.

Ngày 20/2, Trung Quốc tuyên bố xả nước trên sông Mekong để giúp đỡ các quốc gia láng giềng đối phó với khô hạn. Tuy nhiên, đến ngày 13/3, vẫn chưa thấy có thay đổi gì, trong khi thời gian nước từ Cảnh Hồng về đến Chiang Saen chỉ mất 2-3 ngày. Hiện thủy điện Trung Quốc vẫn xả thấp.

Thực tế vận hành gia tăng từ các đập thủy điện Trung Quốc chậm hơn khoảng 29 ngày so với năm 2018-2019. Trong thời gian từ 6-13/3, có giảm xả ở các thủy điện thuộc khu vực Lào và Thái Lan, làm lưu lượng về thấp hơn tuần trước.

Nguồn nước mùa khô năm 2019-2020 về vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thấp hơn nhiều so với trung bình 10 năm gần đây. Lưu lượng bình quân tháng 2 thấp hơn so với trung bình và thấp hơn so với năm kiệt 2016.

Với những yếu tố như trên, dự báo mặn sẽ xâm nhập sâu trên đồng bằng trong tháng 3, với đỉnh mặn tháng 3 đã xuất hiện trong thời gian từ 7-15/3 và sẽ tiếp tục xuất hiện từ 22-28/3.

Với đặc điểm nguồn nước như hiện nay, Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam dự báo vẫn còn những khó khăn lớn về nguồn nước cho 3 vùng ĐBSCL.

Cụ thể, Vùng thượng ĐBSCL, bao gồm phần đất tỉnh An Giang, Đồng Tháp, thượng nguồn Long An, Kiên Giang và TP Cần Thơ, đầu nước tiếp tục thấp, khó khăn cho bơm tát ở các vị trí xa kênh trục.

Vùng giữa ĐBSCL, bao gồm phần đất thuộc TP Cần Thơ, tỉnh Tiền Giang, Long An, Kiên Giang, Hậu Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long và vùng được kiểm soát mặn ở Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre: mặn cao đột biến từ 7/3-15/3; tuần này, mặn có giảm nhưng khả năng lấy nước hạn chế do mặn nền cao. Các địa phương cần chủ động các biện pháp tích trữ nước phục vụ sinh hoạt, tích nước ngay khi có thể.

Vùng ven biển ĐBSCL: bao gồm ven biển các tỉnh Long An, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang: Ứng phó với tình hình mặn lịch sử, chủ động các biện pháp chống hạn mặn và cấp nước sinh hoạt. Chủ động tích nước trước khi mặn tăng cao hơn.

Dự báo từ sau ngày 15/3 đến 6/4, mặn trên ĐBSCL sẽ giảm dần. Phạm vi cách biển từ 35-45 km trở vào ở cửa sông Cửu Long có khả năng xuất hiện nước ngọt khi triều thấp, chân triều, thuận lợi cho việc lấy nước. Tuy vậy, trên các sông Hàm Luông, Cửa Tiểu và Cửa Đại, mặn vẫn còn khá cao.

Dự báo dòng chảy tháng 4/2020 từ thượng lưu sông Mekong về ĐBSCL có khả năng vẫn ở mức thấp, kéo theo xâm nhập mặn tháng 4 ở ĐBSCL có khả năng vẫn còn ở mức nghiêm trọng. Điều này sẽ làm ảnh hưởng lớn đến sản xuất và sinh hoạt, đặc biệt ở khu vực cửa sông Cửu Long từ 8-15/4.

Cụ thể, chiều sâu mặn xâm nhập lớn nhất với ranh 4g/l trong những ngày từ 8-15/4 tại các cửa sông như sau: Sông Vàm Cỏ (Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây), phạm vi ảnh hưởng từ 95-105km; sông Cửa Tiểu, Cửa Đại, phạm vi ảnh hưởng khoảng 50-55km; sông Hàm Luông, phạm vi ảnh hưởng khoảng 70-75km; sông Cổ Chiên, phạm vi ảnh hưởng khoảng 50-55km; sông Hậu, phạm vi ảnh hưởng khoảng 45-50km.

Dự báo đến tháng 5, khả năng mặn trên ĐBSCL được cải thiện nhiều, nhưng vẫn đề phòng một số trường hợp bất thường do mưa muộn, dòng chảy thượng lưu về đồng bằng thấp.

Với tình hình nguồn nước sắp tới, các địa phương cần tiếp tục chủ động thực hiện các giải pháp ứng phó, phòng chống hạn mặn với trường hợp ở năm hạn mặn lịch sử.

Theo đó, ở vùng thượng ĐBSCL, nguồn nước đến hiện tại được xem là có khó khăn do đầu nước thấp, cần chủ động điều tiết nước và bơm tát, các giải pháp cấp nước cho các vùng núi cao thuộc Tri Tôn, Tịnh Biên (An Giang).

Vùng giữa ĐBSCL cần đề phòng ảnh hưởng mặn xâm nhập sâu do lưu lượng về thấp, khi lấy ngọt hoặc tưới cho cây trồng cần kiểm tra chặt chẽ độ mặn, nhất là đối với cây ăn quả. Giảm diện tích các vùng ven biển nơi chưa đảm bảo nguồn nước. Chủ động các giải pháp bơm trữ gạn ngọt khi triều thấp, chủ động trữ nước cho các tuần trước triều cường ở các thời kì khan hiếm nước, hạn chế tiêu thoát nước.

Mặn duy trì cao đến cuối tháng 3, cần bảo vệ các nguồn nước hiện hữu (bổ sung đập tạm), kiểm tra thường xuyên nguồn nước, tích nước ngay khi có thể, có biện pháp giảm thiểu bốc thoát hơi nước cho cây trái (giữ ẩm gốc, tỉa bớt lá).

Vùng ven biển ĐBSCL, nguồn nước ngọt có nguy cơ bị thiếu hụt cao, xâm nhập mặn tại các cửa sông Cửu Long cao ngay ở tháng 1 và 2 và kéo dài trong tháng 3. Chủ động các giải pháp bơm trữ nước và cấp nước sinh hoạt.

Theo nongnghiep.vn

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: