Xây dựng bản đồ ngập lụt vùng hạ du - Bảo đảm an toàn, lợi ích công trình thủy điện

Đăng ngày: 11-09-2018 | Lượt xem: 1050
Trước những lo ngại về tính an toàn và hiệu quả công tác điều tiết xả lũ các hồ, đập thủy điện, ông Phạm Trọng Thực - Phó Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp...

Thực hiện nghiêm các quy định

Theo ông Phạm Trọng Thực, Bộ Công Thương được Chính phủ giao quản lý các hồ, đập thủy điện; hồ, đập thủy lợi được giao cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Hiện, Bộ Công Thương đang quản lý khoảng 56 tỷ m3 dung tích hồ chứa, chiếm khoảng 86% dung tích chứa các hồ, đập cả nước, trong đó có những hồ, đập lớn như Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu. Về phân cấp, các hồ, đập có dung tích từ trên 1 triệu m3 và công suất thiết kế nhà máy thủy điện từ 30MW trở lên do Bộ Công Thương trực tiếp quản lý; hồ nhỏ hơn do Sở Công Thương các địa phương kiểm tra, giám sát. "Tất cả các thủy điện, nhất là công trình lớn, đều phải tuân thủ đầy đủ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về an toàn, từ khâu khảo sát, thiết kế, thi công trong nước và quốc tế" - ông Phạm Trọng Thực nhấn mạnh.

Lấy ví dụ từ công trình Thủy điện Hòa Bình, ông Thực cho biết, trước khi xây dựng và hoàn thành vào năm 1983, từ những năm 1960, nhiều đoàn chuyên gia trong và ngoài nước đã tiến hành khảo sát, thăm dò, thiết kế. Thực tế, sau nhiều thập kỷ vận hành, Nhà máy Thủy điện Hòa Bình vẫn đang hoạt động an toàn, hiệu quả.

an toàn hồ đập

Nhà máy Thủy điện Hòa Bình hoạt động an toàn, hiệu quả sau nhiều thập kỷ vận hành

Bên cạnh đó, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, đặc biệt là Nghị định số 72 về quản lý an toàn hồ, đập, hàng năm, trước mùa mưa bão, Bộ Công Thương đều tổ chức các đoàn kiểm tra, rà soát, đánh giá an toàn hồ, đập thủy điện. Với các hồ, đập lớn, Hội đồng An toàn đập quốc gia sẽ trực tiếp kiểm tra, đánh giá chất lượng và an toàn thực địa. Công tác kiểm tra, giám sát an toàn hồ, đập đã phát huy kết quả tích cực; bảo đảm vận hành an toàn công trình, cung cấp nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt cho vùng hạ du.

Sẽ sớm có bản đồ ngập lụt vùng hạ du

Cung cấp thông tin về tính năng cắt, giảm lũ của các hồ, đập thủy điện, ông Phạm Trọng Thực cho biết, một số hồ lớn khu vực phía Bắc và Đông Nam bộ có chức năng cắt, giảm lũ. Trong khi đó, các hồ, đập ở miền Trung, do địa hình dốc, ngắn nên chủ yếu những nhà máy thủy điện khu vực này tận dụng chiều cao và lưu lượng nước để phát điện chứ không có dung tích phòng lũ. Với các nhà máy thủy điện loại này, toàn bộ lũ tự nhiên được chảy qua đập tràn hoặc những van cung chắn nước.

Khi có mưa lũ lớn, toàn bộ lũ tự nhiên thoát trên mặt của sông trước khi có đập thủy điện là bao nhiêu được trả về dòng sông bấy nhiêu; nhà máy không phát điện để bảo đảm như dòng sông tự nhiên. "Như vậy, những thông tin nói rằng khi có lũ lớn, mưa lớn, thủy điện xả lũ lại làm lũ lớn hơn là không có cơ sở" - ông Thực chia sẻ.

Trong quá trình điều hành xả lũ hoặc điều tiết mùa mưa lũ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định việc đóng hay mở, lưu lượng xả nước; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định điều chỉnh liên hồ, như Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu. Tuy nhiên, ngoài quy trình vận hành tương đối chặt chẽ, trách nhiệm đã được phân cấp rõ ràng, vẫn rất cần sự phối hợp của người dân địa phương trong công tác bảo đảm an toàn hồ, đập để bảo đảm hiệu quả sản xuất điện, an toàn và lợi ích của người dân vùng hạ du.

Ông Phạm Trọng Thực - Phó Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp: Thời gian tới, các bộ, ngành liên quan sẽ xây dựng bản đồ ngập lụt vùng hạ du hồ, đập để có phương án phòng, tránh tác động tiêu cực do lũ và hoạt động xả lũ của các hồ, đập thủy điện.

Nguồn: Báo Công thương

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: