Khí tượng Thủy văn Việt Nam nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác phục vụ

Đăng ngày: 28-09-2023 | Lượt xem: 2596
Với truyền thống 78 năm xây dựng và trưởng thành, Ngành KTTV Việt Nam đã đoàn kết một lòng, khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, không ngừng nỗ lực vươn lên, phục vụ ngày càng tốt hơn, có hiệu quả hơn đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác phục vụ KTTV

Kể từ khi thành lập Tổng cục KTTV (cơ quan trực thuộc Chính phủ) vào năm 1976, Ngành KTTV đã chú trọng trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật nhằm quản lý hoạt động của Ngành. Tuy nhiên, chỉ sau khi Pháp lệnh Khai thác và Bảo vệ công trình KTTV được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thông qua ngày 02 tháng 12 năm 1994, Chủ tịch nước công bố ngày 10 tháng 12 năm 1994, các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến Ngành KTTV mới được xây dựng và ban hành tương đối đồng bộ, hỗ trợ thúc đẩy các hoạt động KTTV ngày càng phát triển.

Tổng cục KTTV đã vinh dự được tiếp đón và làm việc với Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres đã đến thăm và làm việc về công tác KTTV

Cho đến nay, Ngành KTTV đã được Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 10-CT/TW  ngày 25/9/2021 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác KTTV đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ngoài ra, Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ TN&MT, Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV và các bộ, ngành đã ban hành 165 văn bản quy phạm pháp luật và 25 văn bản có các nội dung liên quan đến quy phạm pháp luật về lĩnh vực KTTV, bao gồm: 01 Luật, 01 Pháp lệnh của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội; 15 Nghị định của Chính phủ; 21 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; 03 Quyết định và 50 Thông tư của Bộ trưởng TN&MT; 48 Quyết định, 18 Thông tư, 02 Chỉ thị và 25 văn bản hướng dẫn có chứa đựng một phần các nội dung quy phạm pháp luật của Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV (cơ quan trực thuộc Chính phủ); 01 Quyết định của Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; 01 Quyết định của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; 01 Thông tư của Bộ Tài chính, 01 Thông tư của Ban Tổ chức cán bộ Chính phủ, 02 Thông tư liên tịch. Các văn bản pháp luật về KTTV đang từng bước thể hiện được vai trò pháp lý, phạm vi điều chỉnh và tính khả thi của mình trong các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội.

Trong giai đoạn 2010 - 2023, hệ thống văn bản pháp luật về KTTV đã được chú ý xây dựng điều chỉnh đến tất cả các lĩnh vực như điều tra cơ bản, dự báo phục vụ cộng đồng, thông tin lưu trữ tư liệu, giám sát biến đổi khí hậu, hợp tác quốc tế… với tổng số 66 văn bản quy phạm pháp luật về KTTV được các cấp có thẩm quyền ban hành, trong đó có: 01 Luật, 04 Nghị định, 10 Quyết định của Chính phủ và 50 Thông tư của Bộ trưởng Bộ TN&MT.

Với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về KTTV ngày càng được hoàn thiện đã tạo điều kiện thuận lợi để Ngành tăng cường quản lý nhà nước về KTTV cũng như nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác phục vụ KTTV, đặc biệt với việc lần đầu tiên Ngành có Luật KTTV đã tạo điều kiện pháp lý để ngành có đầu tư phát triển, nâng cao chất lượng chuyên môn, nghiệp vụ; Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 10-CT/TW, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển Ngành KTTV (các Quyết định số: 929/QĐ-TTg và 1970/QĐ-TTg) là cơ sở, tiền đề, định hướng quan trọng trong kế hoạch phát triển, hiện đại hóa ngành KTTV trong những năm tới.Ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo.

Tiếp tục hiện đại hóa công nghệ dự báo, cảnh báo KTTV phục vụ cộng đồng

Với việc ứng dụng hệ thống mô hình dự báo thời tiết số trị, các đơn vị dự báo nghiệp vụ trực thuộc Tổng cục KTTV đã tiến hành dự báo tới các địa điểm cụ thể như thị trấn, thị xã, thành phố, với khoảng 600 điểm; phát hành bản tin dự báo KTTV đa dạng hơn, thông tin dự báo chi tiết hơn và từng bước nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn, không khí lạnh, đồng thời tăng cường các bản tin dự báo KTTV biển, đặc biệt là thời tiết biển khu vực quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo của đất nước và phục vụ hiệu quả việc phát triển kinh tế biển.

Các ứng dụng công nghệ mới trong dự báo KTTV đã góp phần nâng thời gian dự báo bão, áp thấp nhiệt đới từ 24 giờ lên 36 giờ; đối với nhiều cơn bão có quỹ đạo ổn định đã dự báo trước từ 60 - 72 giờ, cảnh báo trước 48 - 72h các đợt không khí lạnh gây rét đậm, rét hại. Tiêu biểu là đã dự báo khá chính xác cơn bão số 6 năm 2006 (Xangsane) đổ bộ vào thành phố Đà Nẵng, cơn bão số 9 (Ketsana) năm 2009 đổ bộ vào Quảng Nam - Quảng Ngãi, cơn bão số 8 (Sơn Tinh) năm 2012 đổ bộ vào Thái Bình, cơn bão số 14 (HaiYan) năm 2013 đổ bộ vào Quảng Ninh, cơn bão số 2 (Rammasun) năm 2014 đổ bộ vào Quảng Ninh, Bão số 4 Noru năm 2022 đổ bộ vào Quảng Nam - Quảng Ngãi được nhận định là cơn bão mạnh nhất trong vòng 20 năm trở lại đây ảnh hưởng đến Trung Bộ ... đó là những cơn bão mạnh nhất trong vòng 16 năm trở lại đây (có 3 cơn bão ở mức siêu bão) có những diễn biến hết sức phức tạp cả về đường đi và cường độ, nhưng do dự báo đúng thời gian và nơi bão đổ bộ hoặc ảnh hưởng đã góp phần làm giảm tới mức thấp nhất những thiệt hại do bão gây ra. Đặc biệt trong năm 2010, Tổng cục đã hoàn thành nhiệm vụ dự báo diễn biến thời tiết tại khu vực Hà Nội, phục vụ tổ chức Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, được dư luận và báo chí đánh giá cao, được bình chọn là một trong 15 sự kiện tiêu biểu của Ngành TN&MT; dự báo phục vụ Đại hội đại biểu Toàn quốc lần thứ XI, XII của Đảng, bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII, XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011 - 2016, 2016 - 2021; cầu truyền hình trực tiếp 50 năm thực hiện Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh tại các địa điểm trên toàn quốc….

Trong giai đoạn 2010 - 2023, nhiều công nghệ, thiết bị mới đã được đầu tư, nghiên cứu đưa vào ứng dụng trong tác nghiệp góp phần nâng cao chất lượng công tác dự báo KTTV: Xây dựng được bộ công cụ, chương trình tính toán chỉ số SPI phục vụ giám sát hạn hán khí tượng hỗ trợ đưa ra các bản tin thông báo về phạm vi, cường độ, diễn biến hạn hán trên phạm vi toàn quốc. Triển khai trong nghiệp vụ các hệ thống mô hình dự báo số trị quy mô khu vực để tăng cường khả năng dự báo định lượng mang tính cực trị như mưa lớn, gió mạnh trong bão. Thu thập đồng bộ thống nhất toàn bộ các hệ thống dự báo tất định và tổ hợp từ các trung tâm toàn cầu (Mỹ, Nhật, Châu Âu) phục vụ dự báo khí tượng cho khu vực Việt Nam. Đưa công cụ hỗ trợ phân tích và hỗ trợ dự báo thời tiết, dự báo bão, cụ thể là Hệ thống cơ sở dữ liệu KTTV và công cụ hỗ trợ (MHDARS) tác nghiệp dự báo khí tượng, dự báo bão, nghiên cứu khoa học; Ứng dụng và khai thác các sản phẩm dự báo thời tiết số chi tiết định lượng làm tiền đề cho việc thiết lập phát triển và hoàn thiện cơ sở dữ liệu KTTV toàn ngành, các công hỗ trợ dự báo khí tượng và dự báo bão trong giai đoạn tới. Ứng dụng hệ thống Định hướng cảnh báo lũ quét của Trung tâm Nghiên cứu Thủy văn Hoa Kỳ do Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) hỗ trợ trong cảnh báo khả năng xảy ra lũ quét. Tính toán lũ ảnh hưởng bởi sự cố vỡ đập ở Lào năm 2018 đến dòng chính sông Mê Công tại Tân Châu và Châu Đốc; nhận định tình hình hạn hán, xâm nhập mặn sớm cho năm 2019… Xây dựng được Hệ thống tăng cường năng lực dự báo thời tiết và cảnh báo sớm mưa, lũ.

Quan trắc viên KTTV khắc phục mọi khó khăn hoàn thành nhiệm vụ

Tích cực ứng dụng khoa học công nghệ, khẳng định vai trò, vị thế của ngành KTTV Việt Nam trên trường quốc tế

Trong suốt 78 năm qua, công tác nghiên cứu khoa học của Ngành KTTV luôn phát triển mạnh mẽ, với tổng số hơn 500 đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước và cấp Ngành đã được nghiệm thu đưa vào ứng dụng trong mọi lĩnh vực của Ngành và đời sống xã hội. Trong giai đoạn 2010 - 2023, công tác nghiên cứu khoa học và công nghệ của Ngành KTTV tập trung theo các chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia với trên 170 đề tài khoa học cấp bộ, cấp nhà nước được triển khai nghiên cứu, đưa vào ứng dụng, đặc biệt trong năm 2021 đã phối hợp với các đơn vị trình và Bộ phê duyệt “Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp bộ về dự báo, cảnh báo thiên tai khí tượng thủy văn phục vụ công tác phòng chống thiên tai giai đoạn 2021 - 2025”; các kết quả nghiên cứu khoa học đã góp phần nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai KTTV cũng như hoàn thiện hệ thống quan trắc KTTV, giám sát biến đổi khí hậu.

Trên trường quốc tế, Việt Nam có quan hệ với nhiều tổ chức, các nước trên thế giới và khu vực trong lĩnh vực KTTV. Những năm qua, hợp tác quốc tế của ngành KTTV không ngừng được mở rộng, góp phần đáng kể cho việc tăng cường về kỹ thuật, tài chính, trao đổi thông tin, đào tạo cán bộ và đấu tranh bảo vệ chủ quyền đất nước.

Tổng cục KTTV Việt Nam và Tổ chức Khí tượng thế giới WMO ký biên bản hợp tác

Năm 2018, Việt Nam đăng cai và tổ chức thành công khóa họp lần thứ 50 của Ủy ban Bão. Trong năm 2017 và 2018, Việt Nam đã hoàn thành tốt vai trò Phó Chủ tịch Ủy ban Bão năm 2017 và Chủ tịch Ủy ban Bão năm 2018. Năm 2019, Giáo sư, Tiến sỹ Trần Hồng Thái, Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV, Đại diện thường trực của Việt Nam tại WMO đã được các nước tín nhiệm bầu vào vị trí Phó Chủ tịch Hiệp hội khí tượng khu vực II Châu Á (RA-II) và tại Khóa họp lần thứ 17 của RA-II, Giáo sư, Tiến sỹ Trần Hồng Thái tiếp tục nhận được sự tín nhiệm cao của 35 nước trong khu vực và bầu tái cử vị trí Phó Chủ tịch RA-II trong giai đoạn 2021 - 2025 và tại Khóa họp Đại hội đồng lần thứ 19 của WMO năm 2023, Giáo sư, Tiến sỹ Trần Hồng Thái được giao đảm nhiệm vị trí Quyền Chủ tịch RA-II, đồng thời cũng là thành viên của Hội đồng điều hành WMO. Năm 2022, Tổng cục KTTV đã vinh dự được tiếp đón và làm việc với Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres đã đến thăm và làm việc về công tác KTTV, điều này đã khẳng định vị thế của ngành KTTV Việt Nam đã được WMO và các bạn bè quốc tế trong khu vực Châu Á ghi nhận cho những đóng góp trên trường quốc tế. Tháng 8 năm 2022, WMO và Tổng cục KTTV Việt Nam chính thức ký biên bản hợp tác và giao Việt Nam làm Trung tâm Dự báo lũ quét khu vực Đông Nam Á. Đây là nhiệm vụ quan trọng cho khu vực Đông Nam Á nói riêng và cộng đồng phòng chống rủi ro thiên tai trên toàn thế giới nói chung. Trong giai đoạn 2010 - 2023 đã có hơn 30 dự án đã và đang triển khai góp phần tích cực vào hiện đại hóa công nghệ, thiết bị cũng như phát triển nguồn nhân lực của Ngành.

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: