Thực trạng mạng lưới trạm khí tượng thủy văn trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận

Đăng ngày: 09-08-2019 | Lượt xem: 3368
Ninh Thuận là một tỉnh thuộc khu vực duyên hải cực Nam Trung Bộ, là vùng có nguồn nước mặt vào loại khan hiếm nhất của cả nước, với lượng mưa bình quân nhiều năm toàn tỉnh khoảng 1.100 mm. Bản thân lượng mưa ít ỏi của tỉnh hàng năm cũng phân bố rất không đều cả theo không gian và thời gian. Lượng mưa có xu thế tăng nhanh từ đồng bằng lên vùng núi cao. Trong khi vùng thượng nguồn sông Cái Phan Rang có lượng mưa trên 2.000 mm thì vùng ven biển chỉ có lượng mưa xấp xỉ 700 mm.

Sông Cái là con sông huyết mạch của tỉnh Ninh Thuận với diện tích lưu vực đến cửa sông 3.043 km2, chiều dài nhánh chính 105 km, có độ dốc lớn 17%, cung cấp chủ yếu nguồn nước cho tỉnh trong suốt mùa khô. Chế độ dòng chảy của sông Cái Phan Rang được phân phối theo 2 mùa rõ rệt; Lưu lượng mùa lũ rất cao tập trung trong thời gian ngắn, gây ra nhiều đỉnh lũ vượt 5.000m3/s; Lưu lượng mùa kiệt chỉ đạt 3,35m3/s. Hàng năm Ninh Thuận phải chịu tác động của hai tổ hợp thiên tai lớn là: lũ, lũ quét, sạt lở đất và hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.

Chỉ tính riêng trong vòng 10 năm trở lại đây , tình hình thiệt hại do thiên tai gây ra là rất nghiêm trọng. Theo con số thống kê, đã có tổng số hơn 30 người thiệt mạng do thiên tai và thiên tai đã gây thiệt hại tổng giá trị kinh tế khoảng 1.500 tỷ đồng. Đặc biệt nhất là, năm 2010 do xuất hiện trận mưa lũ lịch sử; trong các năm 2015 - 2016 trên địa bàn toàn tỉnh đã xảy ra tình trạng hạn hán nghiêm trọng nhất trong 10 năm qua. Năm 2017 là năm được ghi nhận là xuất hiện nhiều trận lũ nhất, hơn 30 trận. Năm 2018, lũ đặc biệt lớn xảy ra trên địa bàn toàn tỉnh.

Chính vì vậy, vai trò của thông tin khí tượng thủy văn (KTTV) nói chung đối với phát triển kinh tế - xã hội tại Ninh Thuận là thực sự cần thiết, trong đó mạng lưới trạm lưới trạm KTTV đóng trên địa bàn tỉnh nhà đóng vai trò then chốt. Mạng lưới trạm KTTV tại Ninh Thuận bao gồm mạng lưới trạm KTTV quốc gia và mạng lưới trạm KTTV chuyên dùng, đáp ứng yêu cầu quan trắc, thu thập số liệu các yếu tố KTTV trên địa bàn tỉnh.

Theo đánh giá của ông Trần Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận: “Ninh Thuận đang thu hút nhiều nhà đầu tư và vấn đề thời tiết, nguồn nước được đặt ra hàng đầu. Bên cạnh đó, trong những năm gần đây BĐKH đã tác động rõ rệt đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà. Thiên tai nói chung và hạn hán nói riêng đã ảnh hưởng trực tiếp, sâu rộng tới sự phát triển của địa phương có ¾ diện tích là vùng núi, nền kinh tế chính là nông nghiệp nông thôn. Chính vì vậy thông tin KTTV là thực sự cần thiết. Trong thời qua ngành KTTV tại phương đã đáp ứng được tốt yêu cầu phục vụ phòng, chống thiên tai, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng trên phạm vi khu vực tỉnh Ninh Thuận”.

            Với tầm quan trọng của mạng lưới trạm KTTV tại địa bàn tỉnh Ninh Thuận như đã nêu trên. Hiện nay, bằng các nguồn vốn đầu tư khác nhau, hệ thống mạng lưới trạm KTTV đã và đang phát triển nhanh chóng theo Quyết định số: 90/QĐ-TTg ngày 12 tháng 01 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ, Về việc phê duyệt Quy hoạch mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường quốc gia giai đoạn 2016 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Tính đến thời điểm hiện nay, mạng lưới trạm KTTV trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận bao gồm các nội dung chi tiết, cụ thể như sau:

            Các thời kỳ phát triển mạng lưới trạm KTTV

            * Thời kỳ thập niên 1970: Chỉ có 01 trạm khí tượng bề mặt và 02 trạm thủy văn.

            * Thời kỳ thập niên 1980: Thành lập thêm 05 trạm đo mưa nhân dân và 02 trạm điều tra dòng chảy cạn (Tổng cục KTTV).

            * Thời kỳ thập niên 1990: Di chuyển vị trí mới trạm khí tượng bề mặt và thành lập 03 trạm thủy văn chuyên dùng phục vụ phòng chống lụt bão (Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão tỉnh).

            * Thời kỳ thập niên 2000: Thành lập mới 01 trạm thủy văn chuyên dùng và 07 trạm đo mưa nhân dân chuyên dùng phục vụ phòng chống lụt bão (Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão tỉnh).

* Thời kỳ những năm 2010:

-  Năm 2010: Thành lập mới 01 trạm khí tượng chuyên dùng phục vụ công trình thủy điện (Nhà máy thủy điện Đa Nhim);

-  Năm 2010: Thành lập mới 06 trạm khí tượng chuyên dùng phục vụ phòng chống cháy rừng (Chi cục Kiểm lâm);

-  Năm 2011: Di chuyển vị trí mới trạm khí tượng bề mặt;

- Năm 2012: Thành lập 21 trạm đo mưa chuyên dùng phục vụ vận hành hồ chứa (Công ty TNHH MTV Khai thác Công trình Thủy lợi)

- Năm 2013: Thành lập mới 07 trạm đo mưa tự động (Trung tâm KTTV quốc gia);

- Năm 2014: Ngừng hoạt động 01 trạm thủy văn chuyên dùng;

- Năm 2015: Thành lập mới 04 trạm đo mặn (Trung tâm KTTV quốc gia);

- Năm 2018: Ngừng hoạt động 07 trạm đo mưa nhân dân;

- Năm 2018: Thành lập mới 06 trạm đo mưa tự động (Hệ thống đo mưa chuyên dùng Vrain);

- Năm 2019:  Thành lập mới 06 trạm thủy văn trên sông chuyên dùng phục vụ cho tiểu dự án: Hệ thống cảnh báo sớm Sông Dinh và Quản lý hệ thống sông và hồ chứa (Cơ quan phát triển Vương quốc Bỉ - UBND tỉnh Ninh Thuận);

- Năm 2019: Đang xây dựng mới 02 trạm khí tượng tự động, 02 trạm thủy văn tài nguyên nước, 01 trạm hải văn và 11 trạm đo mưa tự động (Tổng cục KTTV).

Tin VPTC

 

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: