Tiếp thu, giải trình ý kiến góp ý, ý kiến thẩm định trong quá trình xây dựng Thông tư quy định kỹ thuật đánh giá chất lượng dự báo, cảnh báo hải văn

Đăng ngày: 10-09-2019 | Lượt xem: 752
Dự thảo Thông tư được đưa ra thảo luận qua 3 lần họp Tổ soạn thảo, 02 lần gửi xin ý kiến các đơn vị trong và ngoài Tổng cục Khí tượng Thủy văn, gửi lấy ý kiến trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tài nguyên và Môi trường, của Chính phủ và gửi hồ sơ đề nghị thẩm định tới Vụ Khoa học và Công nghệ và Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Cuộc họp Tổ soạn thảo Thông tư lần 1 và 2 được tổ chức ngày 16 tháng 3/2019 và ngày 02 tháng 4 năm 2019. Thành phần bao gồm: Lãnh đạo Tổng cục Khí tượng Thủy văn, các thành viên Tổ soạn thảo Thông tư, đại diện các đơn vị có liên quan. Sau cuộc họp Tổ soạn thảo Thông tư lần 2 đã gửi xin ý kiến lần 1 và đã nhận được các ý kiến từ 8/11 đơn vị trong và ngoài Tổng cục Khí tượng Thủy văn. Phần lớn các ý kiến đề nghị chỉnh sửa các thuật ngữ, câu từ và đề xuất khoảng sai số của các yếu tố dự báo. Tổ soạn thảo Thông tư đã tiếp thu, giải trình và chỉnh sửa. Trong lần gửi xin ý kiến lần 2 đã có 12/13 đơn vị gửi xin ý kiến có góp ý cho bản dự thảo Thông tư. Tại lần lấy ý kiến này có 4 đơn vị đồng ý với bản thảo (Viện Khoa học KTTV và Biến đổi khí hậu, Trung tâm Thông tin dữ liệu khí tượng thủy văn, các Đài KTTV khu vực Bắc Trung Bộ và Nam Bộ). Các ý kiến còn lại tập chung vào thống nhất sử dụng thuật ngữ và phân tích những khó khăn khi thực hiện liên quan tới hạn chế số liệu quan trắc, mật độ trạm hải văn ở thời điểm hiện tại. Tổ soạn thảo Thông tư đã tiếp thu, giải trình. Cuộc họp Tổ soạn thảo Thông tư lần 3 được tổ chức ngày 5 tháng 6 năm 2019 sau khi nhận được ý kiến góp ý lần 2 của các đơn vị trong và ngoài Tổng cục. Thành phần ngoài Lãnh đạo Tổng cục Khí tượng Thủy văn, các thành viên Tổ soạn thảo Thông tư, đại diện các đơn vị có liên quan còn có chuyên gia từ Trường Đại học Khoa học Tự nhiên và Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam. Buổi họp đã rà soát chỉnh sửa một số thuật ngữ và thống nhất khoảng sai số dự báo lần cuối.

Dự thảo Thông tư đã được đăng tải lên các Cổng thông tin điện tử của Bộ Tài nguyên và Môi trường và của Chính phủ để lấy ý kiến và đã không nhận được ý kiến góp ý nào. Gửi dự thảo Thông tư đến Vụ Khoa học, Công nghệ và Hợp tác quốc tế, Vụ Quản lý dự báo khí tượng thủy văn thuộc Tổng cục Khí tượng Thủy văn để thẩm định trước khi gửi Vụ Khoa học Công nghệ và Vụ Pháp chế của Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định.  Ngày 01 tháng 7 năm 2019, Tổng cục Khí tượng Thủy văn đã gửi xin ý kiến của Vụ Khoa học và Công nghệ theo công văn số 796/TCKTTVDBQG và đã nhận được các ý kiến góp ý bằng văn bản ngày 15 tháng 7 năm 2019. Tổng cục Khí tượng Thủy văn đã nghiên cứu, tiếp thu và hoàn chỉnh dự thảo Thông tư theo ý kiến thẩm định của Vụ Khoa học và Công nghệ. Ngày 01 tháng 7 năm 2019, Tổng cục Khí tượng Thủy văn đã gửi xin ý kiến của Vụ Pháp chế theo công văn số 796/TCKTTVQG-DBQG và đã nhận được các ý kiến góp ý bằng văn bản ngày 3 tháng 7 năm 2019. Tổng cục Khí tượng Thủy văn đã nghiên cứu, tiếp thu và hoàn chỉnh dự thảo Thông tư theo ý kiến thẩm định của Vụ Pháp chế.

Trong quá trình trao đổi vẫn còn có ý kiến khác nhau về khó khăn khi thực hiện thông tư liên quan tới hiện trạng số liệu quan trắc hải văn tại Việt Nam: (1) Về mốc quy định cảnh báo triều cường, hiện tại Tổng cục Khí tượng Thủy văn chưa đưa ra mốc độ cao triều cường tương ứng cho từng khu vực ven biển cụ thể; (2) Số liệu quan trắc hải văn hiện nay còn hạn chế (sóng quan trắc bằng mắt và chỉ thực hiện trong 3 OBS vào ban ngày, chưa có quan trắc dòng chảy biển) nên khó khăn cho đánh giá chất lượng dự báo, cảnh báo hải văn; (3) Mật độ trạm quan trắc thưa và chưa có quy định về tiêu chí mật độ trạm cho từng khu vực biển cụ thể để đánh giá sai số dự báo, cảnh báo cho khu vực.

Với các ý kiến nêu trên, Tổ soạn thảo Thông tư đã có giải trình như sau: Thông tư được xây dựng để áp dụng khi đủ các điều kiện theo quy định. Về mốc cảnh báo triều cường, cần đề xuất xây dựng mốc cảnh báo mực nước (triều cường) cho từng khu vực biển cụ thể. Theo quy định, các yếu tố dự báo, cảnh báo cần phải được đánh giá, do vậy với sóng biển ngoài số liệu quan trắc tại trạm hải văn cố định có thể sử dụng số liệu quan trắc từ trạm phao, ra đa biển, tàu biển, số liệu tái phân tích và các số liệu khác nếu đảm bảo độ tin cậy. Để đánh giá chất lượng dự báo, cảnh báo theo khu vực cần đề xuất xây dựng tiêu chí trạm đại diện cho từng khu vực. Trong trường hợp chưa có tiêu chí trạm đại diện cho khu vực thì thực hiện đánh giá điểm sử dụng các nguồn số nêu ở trên.

Tin VPTC

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: