Trách nhiệm của các đơn vị trong việc thực hiện Kế hoạch công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của Tổng cục năm 2020

Đăng ngày: 28-01-2020 | Lượt xem: 689
Nhằm chủ động trong công tác phòng, chống, ứng phó kịp thời, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, bám sát thực hiện Kế hoạch công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của Tổng cục năm 2020 trách nhiệm của các đơn vị cần triển khai như sau:

1. Vụ Tổ chức cán bộ

a) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan đề xuất thành lập các Đoàn kiểm tra phòng, chống thiên tai năm 2020.

b) Tham mưu, đề xuất phương án bố trí, sắp xếp nguồn nhân lực tại các Đài Khí tượng Thủy văn khu vực theo yêu cầu nhiệm vụ công tác.

2. Vụ Quản lý dự báo khí tượng thủy văn

a) Theo dõi, giám sát, đôn đốc, kiểm tra các đơn vị trực thuộc Tổng cục thực hiện nhiệm vụ phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, tổng hợp báo cáo Lãnh đạo Tổng cục.

b) Làm đầu mối phối hợp với các đơn vị liên quan trực thuộc Bộ trong các hoạt động phòng, chống khắc phục hậu quả thiên tai.

c) Cập nhật các thông tin, báo cáo của các đơn vị thuộc Bộ về công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, sự cố; tổng hợp báo cáo, xử lý thông tin trình Lãnh đạo Tổng cục xử lý kịp thời.

d) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng mạng lưới trạm điện báo phục vụ dự báo khí tượng thủy văn, trình Lãnh đạo Tổng cục ban hành.

đ) Phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch, nội dung làm việc của các đoàn kiểm tra công tác phòng, chống thiên tai.

3. Vụ Quản lý mạng lưới khí tượng thủy văn

a) Chỉ đạo, kiểm tra, theo dõi tình hình hoạt động của mạng lưới trạm, bảo đảm hoạt động quan trắc khí tượng thủy văn trong mọi tình huống thiên tai.

b) Phối hợp với các đơn vị xây dựng kế hoạch kiểm tra kỹ thuật mạng lưới trạm khí tượng thủy văn quốc gia.

c) Phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng và tổ chức triển khai diễn tập quan trắc khí tượng thủy văn phục vụ công tác phòng, chống thiên tai.

4. Vụ Khoa học, Công nghệ và Hợp tác quốc tế

a) Chủ trì, liên hệ với các nước trong khu vực và quốc tế về việc cung cấp thông tin dữ liệu phục vụ công tác dự báo, cảnh báo nhằm ứng phó với các hiện tượng thiên tai.

b) Rà soát kết quả những đề tài nghiên cứu khoa học liên quan đến công tác dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn, phòng chống thiên tai có thể ứng dụng tại địa phương để chuyển giao, nhằm nâng cao chất lượng công tác phòng, chống thiên tai.

5. Vụ Kế hoạch - Tài chính

a) Cân đối kinh phí cho các hoạt động phòng, chống thiên tai của Tổng cục theo khả năng bố trí ngân sách.

b) Hướng dẫn quản lý, sử dụng kinh phí thực hiện các hoạt động phòng, chống thiên tai trong phạm vi dự toán ngân sách được giao và theo đúng các quy định về quản lý tài chính hiện hành.

c) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị đánh giá những thiệt hại do thiên tai gây ra tại các đơn vị trực thuộc Tổng cục Khí tượng Thủy văn và đề xuất những giải pháp khắc phục.

6. Văn phòng Tổng cục

a) Đảm bảo công tác tiếp nhận, ban hành các văn bản chỉ đạo hoạt động phòng, chống thiên tai của Tổng cục được triển khai kịp thời, hiệu quả; bố trí phương tiện, phòng họp và thiết bị phục vụ công tác chỉ đạo, kiểm tra hoạt động phòng, chống thiên tai của Lãnh đạo Tổng cục và các thành viên Ban Chỉ huy; kiểm tra, đôn đốc thực hiện công tác phòng, chống thiên tai tại trụ sở Tổng cục.

b) Theo dõi, giám sát, đôn đốc các đơn vị trực thuộc Tổng cục trong việc thực hiện Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của Tổng cục Khí tượng Thủy văn được ban hành tại Quyết định số 288/QĐ-TCKTTV ngày 30 tháng 5 năm 2018; tổng hợp báo cáo Lãnh đạo Tổng cục công tác phát ngôn và cung cấp thông tin báo chí của các đơn vị khi có thiên tai.

c) Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị dự báo đảm bảo cung cấp thông tin kịp thời về các loại hình thiên tai có nguồn gốc khí tượng thủy văn cho các cơ quan thông tấn, báo chí khi có các diễn biến mới về thiên tai.

d) Xây dựng kế hoạch truyền thông chủ động trước, trong và sau thiên tai nhằm cung cấp thông tin kịp thời cho các phương tiện truyền thông đại chúng góp phần nâng cao nhận thức cho cộng đồng về thiên tai có nguồn gốc khí tượng thủy văn.

đ) Phối hợp chặt chẽ với Tạp chí Khí tượng Thủy văn thu thập các thông tin phản ánh về hoạt động khí tượng thủy văn trên các phương tiện thông tin đại chúng, báo cáo Lãnh đạo Tổng cục để kịp thời xử lý, giải đáp, cải chính các thông tin báo chí phản ánh.

e) Xây dựng kế hoạch tập huấn cho cán bộ lãnh đạo chủ chốt các đơn vị trực thuộc Tổng cục trong việc tiếp cận, phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí.

7. Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia

a) Thực hiện hiệu quả công tác dự báo, cảnh báo, giám sát các hiện tượng khí tượng thủy văn nguy hiểm, cung cấp kịp thời, đầy đủ các thông tin về thiên tai (theo quy định tại Quyết định số 03/2020/QĐ-TTg ngày 13 tháng 01 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ quy định về dự báo, cảnh báo và truyền tin thiên tai và Quyết định số 44/2014/QĐ-TTg ngày 15 tháng 8 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết về cấp độ rủi ro thiên tai) cho Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các địa phương và các cơ quan có liên quan theo quy định phục vụ công tác chỉ đạo phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

b) Thực hiện quy định phân cấp trách nhiệm ban hành các bản tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn theo Quyết định số 392/QĐ-KTTVQG ngày 28 tháng 9 năm 2017 quy định về phân cấp trách nhiệm ban hành các bản tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn nguy hiểm và Quyết định số 410/QĐ-KTTVQG ngày 03 tháng 10 năm 2017 quy định về phân cấp trách nhiệm ban hành các bản tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn trong điều kiện thời tiết bình thường đối với các đơn vị trong hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn quốc gia của Tổng Giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia cho đến khi có Quyết định thay thế của Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn được ban hành.

c) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan theo dõi, phân tích và cung cấp thông tin khí tượng thủy văn 24h/24h khi có bão, ATNĐ, mưa lớn, dông, lốc và các hiện tượng thời tiết khí tượng thủy văn nguy hiểm khác.

d) Nâng cao chất lượng bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai, trọng tâm là nâng thời hạn dự báo, cảnh báo sớm bão, ATNĐ và cảnh báo mưa lớn, lũ lớn; chú trọng việc dự báo thời tiết điểm, mưa lớn định lượng và chi tiết hóa các cấp độ rủi ro thiên tai phục vụ công tác phòng, chống. Cải tiến nội dung các bản tin dự báo bão theo hướng chi tiết, rõ ràng hơn; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về bão, mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất và các thiên tai khác cho cộng đồng.

đ) Thường xuyên tổ chức hội thảo dự báo khí tượng thủy văn qua hệ thống trực tuyến với các Đài Khí tượng Thủy văn khu vực, Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh; chỉ đạo các Đài thực hiện cụ thể hóa bản tin dự báo thiên tai; từng bước cải tiến nội dung và hình thức các bản tin dự báo khí tượng thủy văn, nhất là các bản tin dự báo ATNĐ, bão, lũ, lũ quét, sạt lở đất nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân, cộng đồng.

e) Tổ chức rút kinh nghiệm sau mỗi đợt thiên tai để tìm ra những tồn tại, hạn chế, nhằm nâng cao chất lượng bản tin dự báo và công tác thông tin phục vụ.

g) Chỉ đạo chuyên môn, tăng cường cán bộ dự báo cho các Đài Khí tượng Thủy văn khu vực, Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh khi có yêu cầu; hỗ trợ nâng cao năng lực đội ngũ dự báo viên ở các Đài Khí tượng Thủy văn khu vực, các Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh.

8. Trung tâm Quan trắc khí tượng thủy văn

a) Đảm bảo hoạt động ổn định, hiệu quả của mạng lưới trạm khí tượng thủy văn, đặc biệt là các điểm đo mưa tự động.

b) Xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện kiểm tra kỹ thuật mạng lưới trạm khí tượng thủy văn quốc gia trước mùa mưa bão với số lượng đạt 1/3 tổng số trạm. Kiểm tra tình trạng ổn định, hỏng hóc của công trình, thiết bị, phương tiện đo và đề xuất các biện pháp sửa chữa, thay thế kịp thời.

c) Khi có ATNĐ, bão, lũ, mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất phải tổ chức trực 24/24 để theo dõi, chỉ đạo các trạm khí tượng thủy văn tổ chức quan trắc, thu thập số liệu khí tượng thủy văn đầy đủ, kịp thời, chính xác, phục vụ hiệu quả công tác dự báo; chỉ đạo các trạm sẵn sàng phát Obs Typh khi có yêu cầu của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia. Báo cáo nhanh về Tổng cục sau khi kết thúc đợt trực bão, lũ.

9. Trung tâm Thông tin và Dữ liệu khí tượng thủy văn

a) Phối hợp với các đơn vị liên quan đề xuất nội dung, kế hoạch kiểm tra hệ thống thông tin chuyên ngành khí tượng thủy văn, trình Lãnh đạo Tổng cục xem xét, phê duyệt trước ngày 31/5/2020; hoàn thành kế hoạch kiểm tra, bảo trì, bảo dưỡng các hệ thống thông tin chuyên ngành khí tượng thủy văn tại các đơn vị trực thuộc Tổng cục trước ngày 30/6/2020.

b) Duy trì và đảm bảo đường truyền, thông tin liên lạc phục vụ công tác phòng, chống thiên tai của Tổng cục Khí tượng Thủy văn trong mọi tình huống.

c) Bảo đảm thu nhận và chuyển giao đầy đủ, kịp thời các thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn và thông tin dự báo khí tượng thủy văn trong nước và quốc tế.

d) Duy trì ổn định Cổng thông tin điện tử hiển thị dữ liệu mưa tự động phục vụ cho dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn.

10. Đài Khí tượng cao không

a) Phối hợp với các Đài Khí tượng Thủy văn khu vực có liên quan bảo đảm quan trắc khí tượng cao không và ra đa thời tiết đáp ứng các yêu cầu dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn.

b) Chủ trì thực hiện kế hoạch kiểm tra kỹ thuật mạng lưới trạm khí tượng cao không và ra đa thời tiết, hoàn thành công tác kiểm tra trước ngày 30/6/2020.

c) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan theo dõi, phân tích cung cấp thông tin khí tượng cao không 24h/24h khi có bão, ATNĐ, mưa lớn, dông lốc và các hiện tượng thời tiết nguy hiểm khác; ra bản tin phân tích, dự báo, cảnh báo theo quy định.

d) Phối hợp với Trung tâm Thông tin và Dữ liệu khí tượng thủy văn đảm bảo thu nhận và chuyển giao đầy đủ, kịp thời số liệu phân tích vệ tinh khí tượng đến Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia và các Đài Khí tượng Thủy văn khu vực đáp ứng các yêu cầu dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn.

đ) Tăng cường cán bộ giúp các trạm ra đa thời tiết khi có yêu cầu.

11. Các Đài Khí tượng Thủy văn khu vực

a) Rà soát, kiểm tra toàn bộ phương tiện, máy móc, trang thiết bị, thông tin liên lạc đang sử dụng và dự phòng, nâng cao chất lượng truyền tin, đảm bảo số liệu kịp thời chính xác, thông tin thông suốt trong mọi tình huống; hoàn thiện các phương án, công cụ dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn; các phương án phục vụ phòng, chống thiên tai tại các Đài Khí tượng Thủy văn khu vực và các Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh.

b) Chỉ đạo và tổ chức thực hiện chế độ quan trắc, chế độ thông tin, điện báo số liệu theo đúng quy định và tăng cường theo yêu cầu của Trung tâm Quan trắc khí tượng thủy văn, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, Đài Khí tượng cao không, Trung tâm Thông tin và Dữ liệu khí tượng thủy văn.

c) Xây dựng kế hoạch bổ sung kịp thời cho các trạm khí tượng thủy văn những máy móc, thiết bị và phương tiện đo còn thiếu; đối với các trạm đi lại khó khăn, trạm thuộc vùng núi và hải đảo cần có đủ số máy dự trữ để thay thế thiết bị khi cần thiết.

d) Tổ chức cung cấp các thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn thực đo và thông tin dự báo khí tượng thủy văn phục vụ cho công tác chỉ đạo phòng chống thiên tai, sự cố tại địa phương.

đ) Thực hiện công tác dự báo, cảnh báo, giám sát các hiện tượng khí tượng thủy văn nguy hiểm, cung cấp kịp thời, đầy đủ các thông tin về thiên tai (theo quy định tại Quyết định số 03/2020/QĐ-TTg ngày 13 tháng 01 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ quy định về dự báo, cảnh báo và truyền tin thiên tai và Quyết định số 44/2014/QĐ-TTg ngày 15 tháng 8 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết về cấp độ rủi ro thiên tai); Thực hiện quy định phân cấp trách nhiệm ban hành các bản tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn theo Quyết định số 392/QĐ-KTTVQG ngày 28 tháng 9 năm 2017 quy định về phân cấp trách nhiệm ban hành các bản tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn nguy hiểm và Quyết định số 410/QĐ-KTTVQG ngày 03/10/2017 quy định về phân cấp trách nhiệm ban hành các bản tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn trong điều kiện thời tiết bình thường đối với các đơn vị trong hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn quốc gia của Tổng Giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia cho đến khi có Quyết định thay thế của Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn được ban hành.

e) Khi có ATNĐ, bão, lũ, mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất, gió mùa đông bắc mạnh tổ chức trực, theo dõi, chỉ đạo các trạm khí tượng thủy văn tổ chức quan trắc, thu thập số liệu khí tượng thủy văn đầy đủ, kịp thời, chính xác, phục vụ hiệu quả công tác dự báo; sẵn sàng hỗ trợ các trạm khi có yêu cầu; chỉ đạo các trạm sẵn sàng quan trắc, thu thập số liệu phát Obs Typh khi có yêu cầu của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia.

g) Chủ động rà soát, sắp xếp, bố trí cán bộ tại các đơn vị thuộc Đài, ưu tiên nhân lực cho các đơn vị làm công tác dự báo khí tượng thủy văn và các trạm khí tượng thủy văn trọng điểm phục vụ phòng, chống thiên tai; có kế hoạch tăng cường quan trắc viên cho các trạm khí tượng thủy văn khi có yêu cầu đột xuất nhằm đảm bảo quan trắc và cung cấp số liệu phục vụ công tác dự báo, cảnh báo thiên tai.

h) Phối hợp với Văn phòng Tổng cục trong việc thực hiện Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí, nhất là khi có thiên tai xảy ra trong phạm vi quản lý của đơn vị.

i) Chỉ đạo các Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh - Rà soát, kiểm tra toàn bộ phương tiện, máy móc, trang thiết bị, thông tin liên lạc, đảm bảo thông tin thông suốt trong mọi tình huống.

- Dự báo, cảnh báo cụ thể, chi tiết cho các địa phương theo Quyết định số 392/QĐ-KTTVQG ngày 28 tháng 9 năm 2017 quy định về phân cấp trách nhiệm ban hành các bản tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn nguy hiểm và Quyết định số 410/QĐ-KTTVQG ngày 03 thang 10 năm 2017 quy định về phân cấp trách nhiệm ban hành các bản tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn trong điều kiện thời tiết bình thường đối với các đơn vị trong hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn quốc gia của Tổng Giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia cho đến khi có Quyết định thay thế của Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn được ban hành.

 - Xây dựng Quy chế phối hợp công tác phòng chống thiên tai của đơn vị với Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn cấp tỉnh sở tại.

12. Trung tâm Ứng dụng công nghệ khí tượng thủy văn

a) Nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao các công nghệ mới, tiên tiến vào các hoạt động nghiệp vụ khí tượng thủy văn.

b) Phối hợp với Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia thử nghiệm truyền phát bản tin cảnh báo, dự báo thiên tai qua mạng điện thoại di động và mạng xã hội.

 13. Liên đoàn Khảo sát khí tượng thủy văn

a) Thực hiện điều tra khảo sát khí tượng thủy văn khi thiên tai xảy ra theo yêu cầu của Lãnh đạo Tổng cục.

b) Chia sẻ dữ liệu khảo sát khí tượng thủy văn với Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia và các Đài Khí tượng Thủy văn khu vực.

14. Ban Quản lý các dự án khí tượng thủy văn

Đưa các dự án chuyên ngành khí tượng thủy văn thuộc phạm vi quản lý của Ban Quản lý dự án khí tượng thủy văn vào hoạt động phục vụ phòng, chống thiên tai theo đúng tiến độ dự án đã được phê duyệt.

15. Tạp chí Khí tượng Thủy văn

 a) Thường xuyên thu thập các thông tin phản ánh về hoạt động khí tượng thủy văn trên các phương tiện thông tin đại chúng và chuyển tải thông tin đến Lãnh đạo Tổng cục và lãnh đạo các đơn vị trực thuộc để kịp thời nắm bắt thông tin báo chí phản ánh về hoạt động phòng, chống thiên tai có liên quan đến hoạt động khí tượng thủy văn.

b) Đăng tải kịp thời hoạt động chỉ đạo, điều hành và những diễn biến mới về tình hình thiên tai khí tượng thủy văn trên Trang Thông tin điện tử Tổng hợp của Tổng cục Khí tượng Thủy văn.

Văn phòng Tổng cục KTTV

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: