Giải pháp truyền số liệu cho mạng lưới trạm quan trắc Khí tượng Thủy văn bằng công nghệ IoT

Đăng ngày: 10-03-2021 | Lượt xem: 2861
Sáng ngày 10/3/2021, tại Hà Nội, Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn (KTTV) ông Trần Hồng Thái đã chủ trì buổi làm việc với đại diện Trung tâm Tin học và Tính toán, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam về Giải pháp truyền số liệu cho mạng lưới trạm quan trắc KTTV bằng công nghệ IoT.

Buổi làm việc còn có sự tham dự của Phó Tổng cục trưởng Hoàng Đức Cường, Phó Tổng cục trưởng Đặng Thanh Mai và đại điện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Tổng cục KTTV.

PGS. TS. Phạm Hồng Quang đại diện Trung tâm Tin học và Tính toán, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã giới thiệu về công nghệ IoT - WSN và LPWAN ứng dụng vào hệ thống truyền tin, thu thập dữ liệu từ mạng lưới quan trắc KTTV.

PGS. TS. Phạm Hồng Quang đại diện Trung tâm Tin học và Tính toán giới thiệu về công nghệ IoT tại buổi làm việc

Theo xu hướng toàn cầu gần đây, IoT là công cụ hỗ trợ đắc lực cho việc cung cấp E-Bricks (những viên gạch điện tử) trong việc xây dựng mạng lưới cảm biến công nghiệp, môi trường…IoT bắt đầu với việc truyền dẫn thông tin, là một lĩnh vực đa dạng và nhiều chủng loại. Khắc phục những hạn chế của mạng di động, vệ tinh, mạng wifi, Bluetooth tốn kém nhiều năng lượng và chi phí.

Thiết kế, tích hợp chế tạo và thử nghiệm hệ thống truyền tin vô tuyến công nghệ mới, các cảm biến siêu tiết kiệm năng lượng để thám không, đo môi trường nước, biển, không khí. Trong thời gian qua, Trung tâm đã tiến hành thử nghiệm cùng với Đài Khí tượng cao không thả các pilot điện tử để đo gió, radiosonde tại các trạm thám không trên cả nước. Với thông số kỹ thuật cơ bản: siêu nhỏ, nhẹ (pilot < 50gram, radiosonde < 200gram); Trạm thu phát cách > 250km (Thử nghiệm thả bóng tại Bạch Long Vĩ, thông tin thu được khi bóng thám không cao hơn mặt biển 3500m); Đo gió từ mặt đất đến 25-30km mọi điều kiện thời tiết, nhiệt độ, áp suất, điểm sương…; Điều khiển tự xả khí, duy trì độ cao nhiều giờ làm nhiệm vụ truyền tin vô tuyến tầm xa.

LPWAN công nghệ kết nối mạng lưới quan trắc KTTV là một hiện tượng mới trong loT. Bằng cách cung cấp giao tiếp tầm xa trên các loai pin nhỏ, rẻ tiền có tuổi thọ trong nhiều năm, dòng công nghệ này được xây dựng nhằm mục đích hỗ trợ các mạng loT quy mô lớn trải dài khắp các khuôn viên công nghiệp và thương mại rộng lớn. LPWAN gửi các khối dữ liệu nhỏ với tốc độ tháp và do đó phù hợp hơn cho các trường hợp sử dụng không yêu cầu băng thông cao và không nhạy cảm về thời gian. Lựa chọn công nghệ hoạt động trên dải tần không cần xin phép, tập chung dữ liệu của các trạm quan trắc vùng sâu vùng xa về một điểm chuyển tiếp khu vực lên mạng 3G/4G nối kết trung tâm.

Sau khi nghe đại diện Trung tâm Tin học và Tính toán, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam giới thiệu về hệ thống thông tin tích hợp và Giải pháp truyền số liệu cho mạng lưới trạm quan trắc KTTV bằng công nghệ IoT, đại diện các đơn vị tham dự cuộc họp đã cùng trao đổi, thảo luận về tính khả thi và mức độ phù hợp của công nghệ trên.

Hệ thống thông tin, truyền tin giữ vai trò hết sức quan trọng trong hoạt động của Tổng cục KTTV. Tuy nhiên, nhiều trạm ở các vùng núi, vùng sâu, vùng xa, hẻo lánh bị mất sóng, việc đi lại, duy tu, bảo dưỡng khó khăn. Trong những thời điểm thiên tai xảy ra hệ thống truyền tin bị gián đoạn, một số trạm có phương thức truyền tin chưa hiệu quả. Vì vậy, việc ứng dụng công nghệ mới, tìm ra giải pháp truyền số liệu cho mạng lưới trạm quan trắc KTTV là cần thiết.

Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Tổng cục trưởng Trần Hồng Thái cho rằng, ứng dụng công nghệ IoT - WSN và LPWAN là khả thi cho các trạm quan trắc KTTV, giải quyết các vấn đề cụ thể và còn vướng mắc trong công tác truyền tin, thu thập dữ liệu từ mạng lưới quan trắc KTTV. Tổng cục giao cho Vụ Quản lý Dự báo nghiên cứu, phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu tính khả thi của công nghệ, thẩm định kỹ, sớm báo cáo lãnh đạo Tổng cục. Phó Tổng cục trưởng Đặng Thanh Mai chỉ đạo trực tiếp nhiệm vụ trên, Vụ Khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế, Vụ Kế hoạch Tài chính nghiên cứu đơn giá, cân đối các nguồn kinh phí, xác định quy mô đầu tư, tính bảo mật…thí điểm cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Từ đó đề xuất Dự án mạng lưới trạm dự phòng của Tổng cục KTTV nếu khả thi. Văn phòng Tổng cục hỗ trợ trong quá trình triển khai về mặt pháp lý, các đơn vị nhanh chóng triển khai nhiệm vụ được giao, sớm báo cáo lãnh đạo Tổng cục để trình Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định, phê duyệt.

Toàn cảnh buổi làm việc

Thu Hằng

 

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: